Các nguyên nhân thường gặp khiến di chúc vô hiệu

Các nguyên nhân thường gặp khiến di chúc vô hiệu

Trong vòng chảy vô thường của cuộc đời, đã bao giờ bạn tự hỏi một lúc nào đó mình lâm bệnh nặng phải từ giã cõi đời bất chợt, những tâm tư nguyện vọng lúc sinh thời không thể  hoàn thành: nuôi nấng, lo lắng cho con cái ăn học đến nơi đến chốn, phụng dưỡng chăm sóc cha mẹ già đến ngày lâm chung, những hoài bão, ước mong, các mối quan hệ, tình thương yêu còn dang dở phải đột ngột dừng lại giữa chừng, hay đơn giản là một lời dặn dò, xa hơn nữa là việc phân chia tài sản của mình sau khi chết. Ngay những giờ khắc đó, bạn sẽ thấy tầm quan trọng của việc lập di chúc. Bạn có thể tham khảo bài viết “Ý nghĩa của việc lập di chúc” để hiểu rõ hơn.

Di chúc vô hiệu

Xét về một khía cạnh khác, mọi vấn đề xảy ra và tồn tại trong cuộc sống đều có hai mặt và lợi ích mỗi cá nhân không nằm ngoài phạm trù đó. Khi lợi ích của mỗi cá nhân mâu thuẫn và xung đột với nhau, các tranh chấp xảy ra là điều không thể tránh khỏi và đặc biệt tranh chấp về thừa kế theo di chúc nói riêng ngày một nhiều. Trong đó tranh chấp hiệu lực của di chúc là tranh chấp khá phổ biến và đáng quan tâm. Bài viết chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn hình dung rõ hơn về các nguyên nhân chính khiến di chúc vô hiệu và dẫn đến loại tranh chấp này, để từ đó phòng tránh, không làm ảnh hưởng, sứt mẻ đến tình cảm gia đình, người thân về sau.

Các nguyên nhân chính thường gặp dẫn đến di chúc vô hiệu và phát sinh tranh chấp:

+ Nguyên nhân 1: Người lập di chúc không tuân thủ đúng trình trình tự lập di chúc mà pháp luật đã quy định

  • Nếu việc lập di chúc không tuân thủ theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định sẽ là căn cứ để những người có quyền lợi liên quan khởi kiện, yêu cầu Tòa án xác định di chúc vô hiệu.
  • Giả sử khi bạn lập di chúc cho người thân, con cái mình có công chứng tại cơ quan công chứng hoặc chứng thực tại UBND. Nhưng vì một lý do nào đó, bạn lại viết sẵn và nhờ người khác mang đến công chứng tại cơ quan công chứng hoặc chứng thực tại UBND nơi bạn cư trú. Vô hình chung, sự vô ý của bạn làm di chúc không tuân thủ đúng trình tự thủ tục Luật định nên vô hiệu.

Cụ thể, về thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng hoặc UBND cấp xã, bạn cần:[1]

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

  • Tuyên bố nội dung di chúc của mình trước công chứng viên hoặc người có thẩm quyền tại UBND cấp xã;
  • Bạn lưu ý khi công chứng, chứng thực công chứng viên, người có thẩm quyền phải ghi chép lại nội dung di chúc mà bạn tuyên bố;
  • Bạn cần ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận bản di chúc của mình và công chứng hoặc người có thẩm quyền ký tên xác nhận ;
  • Trường hợp bạn không đọc hoặc không nghe; không ký tên, điểm chỉ được thì lúc này cần người làm chứng và người này sẽ thay bạn ký hộ, trước mặt công chứng viên, người có thẩm quyền chứng thực xác nhận .

+ Nguyên nhân 2: Hình thức di chúc không đúng quy định pháp luật

  • Di chúc bao gồm hai hình thức: di chúc bằng văn bản và miệng. Trong đó, hình thức bằng văn bản thể hiện qua hai phương tiện chính: viết tay, đánh máy. Còn văn bản di chúc bằng văn bản thông qua hình thức thư điện tử, tin nhắn, văn bản sao y mặc nhiên sẽ không được pháp luật thừa nhận.
  • Đối với trường hợp bạn đánh máy, hoặc nhờ người khác đánh máy thì cần có ít nhất hai người làm chứng và có chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc.[2]
  • Giả sử di chúc bạn để lại sau khi chết đã được đánh máy thành một văn bản và ký sẵn, thì ngay sau khi qua đời những người có quyền lợi liên quan có thể sẽ nảy sinh tranh chấp,  khởi kiện và yêu cầu Tòa án xác định di chúc vô hiệu vì di chúc này lại không có người làm chứng.
  • Bạn cần lưu ý di chúc bằng văn bản có bốn loại sau: Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; di chúc bằng văn bản có chứng thực; di chúc bằng văn bản có công chứng.[3]
  • Đối với loại di chúc văn bản không có người làm chứng theo quy định của Luật là bạn nên viết tay và ký tên và các nội dung phải tuân thủ theo Điều 631 và điều 631 BLDS 2015.

+ Nguyên nhân 3: Di chúc không hợp pháp khi không đáp ứng các điều kiện của Luật

  • Người lập di chúc không có năng lực hành vi dân sự. Những người đồng thừa kế có thể khởi kiện để tranh chấp hiệu lực di chúc nếu nhận thấy và chứng minh được rằng tại thời điểm còn sống người lập di chúc mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi và thiếu minh mẫn, sáng suốt.
  • Thiếu tính tự nguyện. Giả sử bạn lập di chúc trong tình trạng bị đe dọa, cưỡng ép thì sau khi bạn chết những người có quyền và nghĩa vụ liên quan (cha, mẹ, con, cháu, chắt) của bạn có thể khởi kiện  nhau và yêu cầu Tòa tuyên bố di chúc vô hiệu nếu chứng minh được.
  • Bạn cũng cần lưu ý di chúc của bạn sẽ vô hiệu nếu nội dung di chúc trái với đạo đức xã hội, mặc dù di chúc đó được lập là hoàn toàn tự nguyện.

Vậy di chúc như thế nào là hợp pháp, bạn cần nên biết để tránh những tranh chấp của những người thừa kế về sau. Một di chúc hợp pháp khi thỏa hai điều kiện sau:

  • Người lập di chúc sáng suốt và minh mẫn trong khi lập di chúc, không bị đe dọa, cưỡng ép.
  • Nội dung di chúc không được trái với điều cấm của luật, đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định pháp luật. [4]
  • Ngoài ra để di chúc không vô hiệu và xảy ra tranh chấp, bạn cũng cần phải tuân thủ đúng trình tự thủ tục lập di chúc, lẫn những yêu cầu về hình thức của di chúc như nội dung tư vấn chúng tôi đã đề cập ở trên.

Trên đây là nội dung chia sẻ tư vấn của chúng tôi về tranh chấp về hiệu lực của di chúc.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Điều 636 Bộ luật dân sự 2015

[2] Điều 634 Bộ luật dân sự 2015.

[3] Điều 628 Bộ luật dân sự 2015.

[4] Điều 630.1.a và 630.1.b Bộ luật dân sự 2015.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Cá Nhân
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*