Xử lý vi phạm đối với chứng chỉ hành nghề dược

Xử lý vi phạm đối với chứng chỉ hành nghề dược

Xử lý vi phạm đối với chứng chỉ hành nghề dược

Hiện nay, nghề dược trở thành một ngành nghề khá phổ biến trong xã hội. Nếu ta dạo quanh một vòng các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay TP Hà Nội, ta sẽ bắt gặp rất nhiều nhà thuốc, quầy thuốc nằm san sát nhau, thậm chí trên tất cả các tỉnh thành tại Việt Nam cũng không vắng bóng những quầy thuốc tương tự như vậy.

Pháp luật nước ta quy định, để có thể mở một quầy thuốc, nhà thuốc thì cần phải đáp ứng những yêu cầu về mặt pháp lý riêng như: Trình độ người bán, Giấy phép kinh doanh, các tiêu chuẩn nhà thuốc,… Trong đó, đối với người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc cần phải có chứng chỉ hành nghề dược[1] theo quy định.

Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, có những người đứng quầy bán thuốc trở thành “dược sĩ” thông qua việc thuê được bằng của dược sĩ được phép hành nghề. Trên mạng xã hội, cũng không khó để tìm được người cho thuê bằng dược sĩ[2]. Dựa theo danh sách xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực Dược – Mỹ phẩm từ ngày 01/6/2020 đến ngày 27/06/2020 của Sở Y Tế Thành phố Hồ Chí Minh công bố, ta thấy hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều Nhà thuốc tư nhân khi bị cơ quan quản lý Nhà nước xử phạt hành chính về y tế khi kiểm tra đột xuất thì Dược sĩ đứng tên nhà thuốc vắng mặt mà không có ủy quyền với rất nhiều lý do khác nhau.

Trong bài viết này Luật Nghiệp Thành sẽ giúp các bạn đọc có mối quan tâm hiểu rõ hơn các mức quy định xử phạt về vấn đề này:

  1. Quy định của pháp luật về chứng chỉ hành nghề dược:

Theo quy định của pháp luật, để mở một hiệu thuốc tư nhân cần đảm bảo có đủ các giấy tờ thủ tục[3] sau:

– Chứng chỉ hành nghề dược do Sở Y Tế cấp.

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo diện doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp hoặc Hộ kinh doanh cá thể  do Ủy Ban Nhân Dân Quận/Huyện cấp.

– Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề dược do Sở Y Tế cấp (đồng thời xin thẩm định GPP (Good Practice Pharmacy: Thực hành nhà thuốc tốt).

Trong đó, người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược phải có Chứng chỉ hành nghề dược[4]. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dược theo quy định tại Luật Dược 2016.

Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược[5]:

Hồ sơ gồm:

– Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược có ảnh chân dung của người đề nghị được chụp trong thời gian không quá 06 tháng.

– Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn.

Document

– Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để hành nghề dược do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.

– Giấy xác nhận về thời gian thực hành chuyên môn do người đứng đầu cơ sở nơi người đó thực hành cấp.

– Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược đối với trường hợp đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề dược.

– Bản sao có chứng thực căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu.

– Phiếu lý lịch tư pháp.

– 02 ảnh chân dung cỡ 4cm x 6cm của người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng.

Trình tự thực hiện[6]:

Bước 1: Người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược gửi hồ sơ về Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại Sở Y tế.

Bước 2: Sau khi nhận hồ sơ, Bộ phận tiếp nhận hồ sơ trả cho cơ sở đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

  1. a) Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Sở Y tế cấp Chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp không cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do;
  2. b) Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, Sở Y tế phải có văn bản thông báo nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung gửi cho người đề nghị trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Bước 3: Sau khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, Sở Y tế trả cho người đề nghị Phiếu tiếp nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo Mẫu số 01 Phụ lục I của Nghị định số 54/2017/NĐ-CP.

  1. a) Trường hợp hồ sơ sửa đổi, bổ sung không đáp ứng yêu cầu, Sở Y tế tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược theo quy định tại điểm b Bước 2;
  2. b) Trường hợp không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung đối với hồ sơ sửa đổi, bổ sung Sở Y tế thực hiện theo quy định tại điểm a Bước 2.

Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Sở Y tế có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược phải nộp hồ sơ sửa đổi, bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn trên, người đề nghị không sửa đổi, bổ sung hoặc sau 12 tháng kể từ ngày nộp hồ sơ lần đầu mà hồ sơ bổ sung không đáp ứng yêu cầu thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.

Bước 4: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Chứng chỉ hành nghề dược, Sở Y tế công bố, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị các thông tin sau:

  1. a) Họ, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp Chứng chỉ hành nghề dược;
  2. b) Số Chứng chỉ hành nghề dược;
  3. c) Phạm vi hoạt động chuyên môn.
  4. Xử lý vi phạm đối với chứng chỉ hành nghề dược:

Pháp luật quy định điều kiện tiên quyết đối với chủ cơ sở bán lẻ thuốc/người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh phải đáp ứng trình độ chuyên môn ngành dược, tức là phải được cấp chứng chỉ hành nghề dược.Việc kinh doanh dược mà không có Chứng chỉ hành nghề để thực hiện hoạt động kinh doanh là một trong những điều cấm mà pháp luật đặt ra[7]. Hành vi vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Theo đó, mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:

  • Hành nghề dược mà không có chứng chỉ hành nghề dược hoặc trong thời gian bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược tại vị trí công việc phải có chứng chỉ hành nghề dược theo quy định của pháp luật[8].
  • Cho thuê, cho mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược.[9]

Đối với hành vi thuê, mượn chứng chỉ hành nghề dược để hành nghề dược bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng[10].

Bên cạnh đó, Pháp luật quy định đối với nguời hành nghề dược đã có chứng chỉ hành nghề nhưng hoạt động kinh doanh không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề dược và quy định chuyên môn kỹ thuật sẽ chịu mức xử phạt từ 5 đến 10 triệu đồng và có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng [11].

Ngoài ra, Người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở bán lẻ thuốc vắng mặt trong thời gian hoạt động của cơ sở dược mà không có giấy ủy quyền khi vắng mặt theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng[12].

Lưu ý: Mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân[13].

Trên đây là nội dung tư vấn về “Xử lý vi phạm đối với chứng chỉ hành nghề dược”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 18 Luật Dược 2016.

[2] Tham khảo: Pháp luật và xã hội (2019) Thực trạng nhà thuốc, quầy thuốc hiện nay – Kỳ 3: Khi người đứng quầy bán thuốc trở thành “dược sĩ”.

[3] Luật Dược 2016.

[4] Điều 11.1 Luật Dược 2016.

[5] Điều 24 Luật Dược 2016.

[6] Tham khảo: Trang web Sở Y tế Quảng Bình.

[7] Điều 6.9 Luật Dược 2016.

[8] Điều 52.2.b, Điều 52.4.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[9] Điều 52.2.g Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[10] Điều 52.3 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[11] Điều 52.2.d Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[12] Điều 52.1.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

[13] Điều 4.5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

Document
Categories: Doanh nghiệp
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*