Các loại Hụi thường gặp

Các loại Hụi thường gặp

Các loại Hụi thường gặp

các loại hụi thường gặp

Hụi được hình thành dựa trên sự thỏa thuận giữa các thành viên, cộng với sự đa dạng trong điều kiện kinh tế – xã hội ở mỗi vùng miền của nước ta, vì thế mà Hụi dần dần phát triển thành nhiều loại hình khác nhau[1].

Căn cứ vào tính chất của Hụi, có 02 loại chính là Hụi có lãi và Hụi không có lãi.

Căn cứ vào cơ cấu tổ chức của Hụi, có 02 loại chính là Hụi có chủ Hụi, và Hụi không có chủ Hụi. Hụi có chủ Hụi bao gồm Hụi có trả tiền hoa hồng cho chủ Hụi (tại mỗi lần có thành viên hốt Hụi), loại này lại bao gồm Hụi đầu thảo và Hụi trả tiền cho chủ Hụi vào mỗi lần mở Hụi); và Hụi không trả tiền Hoa hồng cho chủ Hụi (tại mỗi lần có thành viên hốt Hụi).

Căn cứ vào cách thức thu và giao tiền Hụi, có 02 loại Hụi chính là Hụi thu và giao tiền cùng lúc (chủ Hụi và các thành viên sẽ cùng gặp mặt tại một địa điểm. Các thành viên sẽ đóng tiền Hụi, giao cho chủ Hụi kiểm tra. Chủ Hụi sẽ giao tiền cho người được lĩnh ngay tại địa điểm đó); và Hụi thu và giao tiền không cùng lúc (các thành viên không bắt buộc phải đóng Hụi cùng lúc với nhau, quá trình thu tiền Hụi diễn ra liên tục trước mỗi kỳ mở Hụi).

Căn cứ vào việc sau khi hốt Hụi con Hụi phải đóng phần Hụi như thế nào, có 02 loại Hụi chính là Hụi đóng tiền bằng với mức thỏa thuận ban đầu; và Hụi đóng tiền bằng mức thỏa thuận ban đầu cộng với mức lãi suất đã đưa ra.

Trước đây pháp luật quy định Hụi bao gồm Hụi không có lãi và Hụi có lãi (Hụi có lãi bao gồm Hụi đầu thảo và Hụi hưởng hoa hồng)[2]. Tuy nhiên với các quy định mới, Hụi được phân thành ba loại, bao gồm Hụi không có lãi, Hụi có lãi và Hụi hưởng hoa hồng (Hụi hưởng hoa hồng có thể có lãi hoặc không có lãi)[3].

Dưới đây là bốn loại Hụi thường gặp được nhắc đến trong các văn bản pháp luật về Hụi, Luật Nghiệp Thành xin chia sẻ đến quý bạn đọc.

1.Hụi không có lãi

1.1. Khái niệm

Hụi không có lãi là Hụi mà thành viên không phải trả bất kì khoản tiền (hoặc tài sản khác, sau đây gọi chung là tiền) nào cho các thành viên khác khi hốt Hụi. Trường hợp trả cho chủ Hụi một khoản tiền thì được coi là Hụi hoa hồng. Vì đây được coi là tiền hoa hồng cho chủ Hụi chứ không nhằm mục đích giành quyền hốt Hụi.

1.2. Đặc điểm

Trong trường hợp một thành viên đã hốt Hụi trước các thành viên khác[4], thành viên này có nghĩa vụ tiếp tục góp các phần Hụi cho đến khi mãn Hụi.

Nếu không có thoả thuận khác, việc xác định thành viên được hốt Hụi đối với Hụi không có lãi sẽ được thực hiện bằng hình thức bốc thăm[5]. Trên thực tế, thành viên nào khó khăn hơn, hoặc cần đến tiền hơn sẽ được ưu tiên lấy tiền Hụi trước.

Ví dụ: Một dây Hụi không lãi có 10 thành viên, mở Hụi vào cuối mỗi tháng, số tiền đóng Hụi là 1.000.000 đồng. Đến kì mở Hụi, người được hốt Hụi sẽ lĩnh được: 1.000.000 x 10 = 10.000.000 đồng (nếu tính cả phần đóng Hụi của người đó).

2. Hụi có lãi

2.1. Khái niệm

Hụi có lãi là Hụi mà các thành viên sẽ cùng nhau đưa ra một số tiền để được hốt Hụi. Số tiền này là số tiền mà các thành viên khác được khấu trừ đi trong số tiền Hụi phải đóng (hoặc đúng bằng số tiền họ phải đóng, tùy theo thõa thuận)[6].

Thành viên được hốt Hụi có thể phải trả cho cả chủ Hụi một khoản tiền hoa hồng kể cả trong trường hợp chủ Hụi không đồng thời là thành viên.

2.2. Đặc điểm

Đây là loại Hụi phổ biến nhất hiện nay.

Thành viên sau khi lĩnh Hụi vẫn phải tiếp tục đóng Hụi cho đến khi mãn Hụi. Số tiền phải đóng Hụi trong các lần mở Hụi sau chính bằng số tiền đã thỏa thuận ban đầu (hoặc bằng số tiền đã thỏa thuận ban đầu cộng với số tiền mà người này đã đưa ra để hốt Hụi nếu các bên có thỏa thuận khác).

Nếu không có thoả thuận khác, thành viên được hốt Hụi tại kỳ mở Hụi là người đưa ra số tiền cao nhất[7]. Nếu trong một kỳ mở Hụi mà có nhiều thành viên cùng trả một mức tiền và mức tiền đó là mức tiền cao nhất thì những người này bốc thăm để xác định người được hốt Hụi[8].

Người đã hốt Hụi thì không được tham gia quá trình giành quyền hốt Hụi trong các kỳ mở Hụi tiếp theo, trừ trường hợp người này có nhiều phần Hụi trong một Hụi. Đối với những người có nhiều phần Hụi trong một Hụi thì những người này có quyền tham gia giành lượt hốt Hụi cho đến khi có số lần hốt Hụi tương ứng với số phần Hụi mà thành viên đó tham gia trong một Hụi[9].

Trong Hụi có lãi, thông thường lãi được trả theo nguyên tắc “ai trả cao nhất sẽ được hốt Hụi”. Đối với loại này, số tiền Hụi phải đóng của các thành viên còn lại sẽ được tính như sau:

Ví dụ: Một dây Hụi có lãi gồm 10 người, tiền đóng Hụi là 1.000.000 đồng, mở Hụi vào cuối tháng, dây Hụi kéo dài 10 tháng. Tháng đầu tiên A được hốt Hụi với lãi suất 100.000 đồng. Nếu các thành viên thỏa thuận rằng ở các kỳ sau, tiền đóng Hụi của A chính là số tiền Hụi đã thỏa thuận ban đầu thì A sẽ chỉ phải đóng 1.000.000 đồng mỗi cuối tháng.

Document

Tuy nhiên nếu các bên thỏa thuận rằng tiền đóng Hụi ở các kỳ mở Hụi sau bằng tổng của số tiền đóng Hụi tại mỗi kỳ mở Hụi đã thỏa thuận lúc trước và số tiền A đã đưa ra để được hốt Hụi, A sẽ phải đóng 1.000.000 + 100.000 = 1.100.000 đồng.

3.Hụi hưởng hoa hồng

Là Hụi mà chủ Hụi sẽ được nhận một số tiền từ phía người được hốt Hụi. Hụi hưởng hoa hồng có thể có lãi hoặc không.

Đối với Hụi hoa hồng có lãi, thành viên được hốt Hụi ngoài việc phải trả một khoản hoa hồng cho chủ Hụi thì còn phải trả một khoản tiền cho các thành viên khác. Mức hoa hồng do những người tham gia Hụi thoả thuận ấn định[10].

Ví dụ: Một dây Hụi có 10 người, lãi suất được tính theo nguyên tắc trả lãi cao nhất, mỗi người góp 1.000.000 đồng/tháng, góp trong 10 tháng. Không ai có hai phần Hụi trong dây Hụi.

Mỗi tháng, các thành viên đưa ra mức lãi để được hốt Hụi, thành viên nào trả lãi cao nhất thì được lĩnh Hụi. Giả sử mức lãi cao nhất được đưa ra ở kỳ mở Hụi đầu tiên là 100.000 đồng cho mỗi phần Hụi, thì các thành viên còn lại chỉ phải đóng: 1.000.000 đồng – 100.000 đồng = 900.000 đồng. Người lĩnh Hụi cũng phải trả cho chủ Hụi 100.000 đồng gọi là tiền hoa hồng theo thoả thuận.

Như vậy, một dây Hụi 10.000.000 đồng, người trả lãi 100.000 đồng để lĩnh Hụi tháng thứ nhất sẽ phải trả 09 phần lãi cho 09 thành viên (100.000 đồng x 9 = 900.000 đồng), trả 100.000 đồng tiền hoa hồng cho chủ Hụi, do đó chỉ lấy về được:

900.000 x 10 – 100.000 = 8.900.000 đồng (kể cả phần góp của người đó).

SỐ TIỀN NGƯỜI TRẢ LÃI CAO NHẤT ĐƯỢC NHẬN=TỔNG SỐ TIỀN HỤI MÀ CÁC CON HỤI PHẢI ĐÓNG TẠI KỲ MỞ HỤI[11]TIỀN HOA HỒNG CHO CHỦ HỤI

4.Hụi đầu thảo[12]

Là Hụi mà theo sự thoả thuận giữa những người tham gia Hụi, chủ Hụi được hốt Hụi trong một kỳ mở Hụi và không phải trả lãi cho các thành viên khác[13]. Trong các kỳ mở Hụi khác, thành viên trả lãi cao nhất được hốt Hụi và phải trả lãi cho các thành viên khác.

Ví dụ: Một dây Hụi có 10 người, lãi suất được tính theo nguyên tắc trả lãi cao nhất, mỗi người góp 1.000.000 đồng/tháng trong 10 tháng, mỗi thành viên đều chỉ có một phần Hụi trong dây Hụi, chủ Hụi đồng thời là thành viên. Tháng thứ nhất chủ Hụi được lĩnh 10.000.000 đồng mà không phải trả lãi.

Đến tháng thứ hai, các thành viên sẽ trả lãi, ai trả cao nhất sẽ được hốt Hụi.

Giả sử, với mức lãi cao nhất được trả là 100.000 đồng, các thành viên còn lại sẽ chỉ phải góp: 1.000.000 – 100.000 = 900.000 đồng. Như vậy, người lĩnh Hụi lấy về được 900.000 x 10 = 9.000.000 đồng (nếu tính cả phần góp của người này).

SỐ TIỀN NGƯỜI TRẢ LÃI CAO NHẤT ĐƯỢC NHẬN=(PHẦN HỤI PHẢI ĐÓNG MỖI KỲ CỦA MỖI THÀNH VIÊN – LÃI SUẤT ĐƯỢC TRẢ) (*)xSỐ THÀNH VIÊN CỦA DÂY HỤI

(*): Trường hợp này là trả lãi theo nguyên tắc “trả cao nhất thì được hốt Hụi”. Nếu trả lãi theo nguyên tắc “trả thấp nhất thì được hốt Hụi” thì số tiền người được hốt Hụi nhận được đúng bằng lãi suất được trả nhân với số thành viên của dây Hụi.

Để tìm hiểu thêm, ban đọc có thể đọc phần tiếp theo.

5.Lưu ý

5.1. Các nguyên tắc trả lãi

Có nơi việc trả lãi còn được biến thể thành nguyên tắc trả lãi thấp nhất, tức “ai trả thấp nhất thì được hốt Hụi”.

Các thành viên sẽ đưa ra số tiền sao cho số tiền đó là nhỏ nhất trong các lãi suất được trả. Người đưa ra số tiền thấp nhất sẽ được hốt Hụi. Các thành viên khác sẽ chỉ phải đóng phần Hụi đúng bằng mức lãi suất này. Tổng các phần Hụi của các thành viên sẽ là số tiền thành viên đưa ra mức lãi suất thấp nhất nhận được.

Ví dụ: Một dây Hụi được tổ chức theo nguyên tắc trả lãi thấp nhất, Hụi có 10 người, mỗi người góp 1.000.000 đồng/tháng, góp trong 10 tháng. Mỗi người đều chỉ có một phần Hụi trong dây Hụi.

Mỗi tháng, các thành viên đưa ra mức lãi để được hốt Hụi, thành viên nào trả lãi thấp nhất thì được lĩnh Hụi. Giả sử mức lãi thấp nhất được đưa ra ở kỳ mở Hụi đầu tiên là 700.000 đồng, các thành viên khác sẽ chỉ phải đóng 700.000 đồng tiền đóng Hụi (thay vì 1.000.000 đồng). Thành viên được hốt Hụi sẽ nhận được 700.000 x 10 = 7.000.000 đồng (nếu tính luôn phần góp của người này).

Nguyên tắc trả lãi suất cao nhất và nguyên tắc lãi suất thấp nhất suy cho cùng thì vẫn là một. Hai phương thức xác định lãi suất này tuy có cách áp dụng khác nhau, nhưng về mục đích thì lại giống nhau: đều xác định ra số tiền mà các thành viên khác phải đóng khi đến kỳ mở Hụi.

Hiểu đơn giản, trong nguyên tắc lãi suất cao nhất, mức lãi suất chính là số tiền mà các thành viên khác được thành viên – người đã đưa ra số tiền đó để hốt Hụi – đóng thay trong phần Hụi mà họ phải đóng; còn trong nguyên tắc lãi suất thấp nhất, mức lãi suất chính là số tiền mà các thành viên khác cần đóng cho chủ Hụi.

Như vậy nếu mức lãi suất cao nhất là 200.000 đồng, mức lãi suất thấp nhất tương ứng sẽ là 800.000 đồng. Và số tiền mà các thành viên khác phải đóng trong cả hai cách tính lãi đều là 800.000 đồng.

5.2. Mức lãi suất tối đa theo luật

Hiện tại pháp luật quy định mức lãi suất trong Hụi có lãi không được vượt quá 20%/năm (khoảng 1,67%/tháng) của tổng giá trị các phần Hụi phải góp trừ đi giá trị các phần Hụi đã góp trên thời gian còn lại của dây Hụi[14].

“Mức lãi suất” ở đây được hiểu là tỷ lệ giữa: Hiệu của Tổng số tiền Hụi mà tất cả thành viên phải góp trong một kì mở Hụi và Số tiền con Hụi nhận được khi hốt Hụi; và Tổng số tiền Hụi mà tất cả thành viên phải góp trong một kì mở Hụi.

Mức lãi suất này ứng với thời gian còn lại của dây Hụi tại thời điểm thành viên hốt Hụi, vì kể từ thời điểm người này hốt Hụi, họ sẽ phải đóng các phần Hụi sau với số tiền cố định cho đến khi mãn Hụi.

Hiểu đơn giản, chơi Hụi tương tự như đi vay. Chẳng hạn bạn vay 10.000.000 đồng với lãi suất 10%/năm. Vậy bạn sẽ phải trả tất cả là 11.000.000 đồng khi đến hạn. Còn với chơi Hụi, lấy ví dụ bằng dây Hụi có lãi gồm 10 thành viên, mở Hụi vào cuối tháng, tiền Hụi là 1.000.000 đồng, dây Hụi sẽ kéo dài trong 10 tháng. Trả lãi theo nguyên tắc lãi cao nhất. Không ai có hai phần Hụi trong dây Hụi. Bạn hốt Hụi với số tiền trả là 100.000 đồng, thay vì bạn nhận 10.000.000 đồng thì bạn chỉ nhận được: 10.000.000 đồng – số tiền trả để hốt Hụi nhân với số thành viên còn lại.

Số tiền mất đi so với 10.000.000 đồng ban đầu được xem như tiền lãi. Còn tỷ lệ giữa số tiền mất đi này so với tổng số tiền Hụi tại kỳ mở Hụi chính là lãi suất. Thời hạn của lãi suất này là thời hạn còn lại của dây Hụi sau khi bạn hốt Hụi. Mức lãi suất sẽ được tính như sau:

Để so sánh mức lãi suất thu được với mức lãi suất trần của pháp luật, ta chỉ cần quy đổi hai mức lãi suất ra cùng một đơn vị thời gian.

Ví dụ: Dây Hụi có lãi gồm 10 thành viên, mở Hụi vào cuối tháng, tiền Hụi là 1.000.000 đồng, dây Hụi sẽ kéo dài trong 10 tháng. Trả lãi theo nguyên tắc lãi cao nhất. Không ai có hai phần Hụi trong dây Hụi. Phần Hụi sau khi rút Hụi của mỗi thành viên sẽ bằng với phần Hụi thõa thuận ban đầu (1.000.000 đồng).

Tại kỳ mở Hụi thứ nhất, A được hốt Hụi với lãi suất là 100.000 đồng, tất cả các thành viên sẽ góp 900.000 đồng. Khi đó A nhận được 900.000 x 10 = 9.000.000 đồng (tính cả phần Hụi của A). Khi đó mức lãi suất mà A phải trả để thu được 9.000.000 đồng là:

Ở đây số tiền A mất đi so với khi hốt Hụi không trả lãi là 1.000.000 đồng. Số tiền này ứng với 10% của tổng các phần Hụi (10.000.000 đồng). Sau khi A hốt Hụi, dây Hụi còn lại 9 lần mở, thời điểm của mỗi lần mở là vào cuối tháng. Mà 10% là lãi suất ngầm hiểu rằng A phải trả khi được hốt Hụi, tương ứng với thời gian còn lại của dây Hụi. Do đó lãi suất sẽ là 10%/9 tháng tức trung bình 1,11%/tháng, lãi suất này nhỏ hơn lãi suất trần (1.67%/tháng).

Tại kỳ mở Hụi thứ hai, B được hốt Hụi với lãi suất là 100.000 đồng, A góp 1.000.000 đồng do đã hốt Hụi, các thành viên khác (kể cả B) sẽ góp 900.000 đồng. Khi đó B nhận được 1.000.000 (tiền Hụi của A) + 900.000 x 9 = 9.100.000 đồng (tính cả phần Hụi của B). Khi đó mức lãi suất mà B phải trả để thu được 9.100.000 đồng là:

Tuy nhiên 9% này là lãi suất của 8 tháng (thời gian còn lại của dây Hụi), tương đương 1,125%/tháng. Lãi suất này vẫn không vượt quá mức pháp luật quy định.

Tại kỳ mở Hụi thứ ba, C được hốt Hụi với lãi suất là 300.000 đồng, A và B do đã hốt Hụi nên sẽ góp 1.000.000 đồng, các thành viên khác (kể cả C) sẽ góp 700.000 đồng. Khi đó C nhận được 1.000.000 (tiền Hụi của A) + 1.000.000 (tiền Hụi của B) + 700.000 x 8 = 8.300.000 đồng (tính cả phần Hụi của C). Khi đó mức lãi suất mà C phải trả để thu được 8.300.000 đồng là:

24% chính là lãi suất cho 07 tháng còn lại của dây Hụi, ứng với 3,43%/tháng – lớn hơn lãi suất trần quy định. Mức lãi suất này bị xem là vi phạm pháp luật.

6.Các loại Hụi vi phạm pháp luật

Về nguyên tắc, chơi Hụi không vi phạm pháp luật. Chỉ những trường hợp tổ chức dây Hụi nhằm mục đích cho vay lãi nặng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì mới bị xem là vi phạm pháp luật.

Trường hợp lãi suất trong Hụi có lãi cao hơn mức mà pháp luật quy định cũng chưa hẳn dẫn đến hậu quả bị xử lý dân sự, hành chính hay hình sự. Bởi đây đơn thuần là sự thỏa thuận giữa các bên, miễn là các bên tự nguyện khi tham gia và xác lập các giao dịch trong quan hệ Hụi thì pháp luật không cần thiết phải điều chỉnh.

Ví dụ: A là chủ Hụi của dây Hụi có lãi gồm 50 con Hụi, tiền đóng Hụi là 5.000.000 đồng, mở Hụi vào cuối tháng, ai trả lãi cao nhất sẽ được hốt Hụi. Tuy nhiên thực tế chỉ có 25 con Hụi là thực, 25 con Hụi kia là do A tự mình bịa ra. Mỗi khi đến kỳ mở Hụi, A lấy lý do là có người trả số tiền cao hơn để hốt Hụi nhằm ngăn các thành viên thật hốt Hụi. Số tiền thu được A dùng để đầu tư. 25 con Hụi thật vẫn miệt mài đóng Hụi mà chẳng hề biết mình bị A lừa.

Trong vụ việc này, A đã có hành vi lừa đảo 25 con Hụi thật để không cho họ hốt Hụi. Đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về Hụi[15] mà tuỳ theo các điều kiện khác[16] có thể vi phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về Các loại Họ, Hụi, Biêu, Phường thường gặp.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Xem thêm: Trần Văn Biên. 12.2018. Họ, hội, biêu, phường trong hệ thống pháp luật Việt Nam: Quá khứ và hiện tại, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ ba. NXB: Đại học Quốc Gia Hà Nội.

[2] Điều 4 Nghị định 144/2006/NĐ-CP.

[3] Điều 4 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[4] Điều 16.1.c Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[5] Xem thêm Điều 19 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[6] Chi tiết sẽ được trình bày ở phần 5.

[7] Điều 20.1 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[8] Điều 20.2 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[9] Khoản 3, 4 Điều 20 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[10] Điều 4.8 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[11] Để tìm hiểu thêm về vấn đề này bạn đọc có thể tham khảo bài viết: Lợi ích và rủi ro của việc chơi Hụi.

[12] Đây là loại Hụi xuất hiện trong Nghị định 144/2006/NĐ-CP, sang đến Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì bị loại bỏ.

[13] Điều này được ghi nhận như là một quyền của chủ Hụi tại Điều 17.2.b Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[14] Điều 21.1 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[15] Điều 3.3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[16] Các yếu tố cấu thành tội phạm: chủ thể, khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Cá Nhân

Comments

    Write a Comment

    Your e-mail address will not be published.
    Required fields are marked*