Xử phạt hành vi hối lộ tình dục

Xử phạt hành vi hối lộ tình dục

Xử phạt hành vi hối lộ tình dục

Tặng cho quà cáp trong nền văn hóa thế giới nói chung và nền văn hóa Việt Nam nói riêng vốn là nét đặc trưng của con người. Ở góc độ vĩ mô, thời xa xưa các quốc gia nhỏ vẫn hay cống nạp “sơn hào hải vị” hay “kỳ trân dị bảo” cho các quốc gia lớn như một hình thức cầu hòa bình, thể hiện rằng mình mong muốn hòa bình và có nhã ý được bảo hộ dưới trướng quốc gia đó. Dưới góc độ vi mô, tặng quà là một trong những truyền thống văn hóa tốt đẹp có từ lâu đời giữa người với người nhằm thể hiện sự biết ơn, hoặc thể hiện tình cảm của mình đối với đối phương. Tuy nhiên đi cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa tặng quà dần biến tướng và trở thành bức màn che cho hành vi hối lộ.

  1. Hành vi hối lộ

Hối lộ hiểu đơn giản là việc một bên trao cho bên còn lại một lợi ích nhất định, đổi lại bên nhận được lợi ích sẽ giúp đỡ bên kia trong việc đạt được một lợi ích khác. Có thể xem hành vi này như một thỏa thuận dân sự (trái luật) có nội dung là sự chuyển giao lợi ích, được xác lập dựa trên sự đồng thuận của các bên. Trong quan hệ này, mỗi bên đều cảm thấy lợi ích mình nhận được lớn (hoặc cần thiết) hơn lơi ích mình phải bỏ ra. Hành vi “cộng sinh”[1] này tuy đem lại lợi ích cho đôi bên nhưng lại trực tiếp tạo ra một thói quen xấu trong xã hội: hễ cứ khó khăn thì chỉ cần hối lộ là xong. Cách thức bôi trơn bộ máy công quyền này không chỉ làm méo mó bản chất của quan hệ hành chính mà còn gây ảnh hưởng đến quan hệ chính trị (suy giảm lòng tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của chế độ…), kinh tế (thất thoát tài sản, lãng phí nguồn lực…), và xã hội (xói mòn chuẩn mực đạo đức, tha hóa cán bộ công chức viên chức…).

  1. Các hình thức hối lộ

Nếu dựa theo đối tượng của hành vi hối lộ để phân chia thì ta có hai loại hối lộ chính: hối lộ vật chất, và hối lộ phi vật chất.

  • Hối lộ vật chất chủ yếu là hối lộ dưới dạng tiền tệ hoặc vật ngang giá có giá trị khác như vàng, kim cương…Tuy nhiên “đồ hối lộ” cũng không loại trừ những vật khác, tuỳ thuộc vào nhu cầu và sở thích của người được hối lộ (cây kiểng, gà chọi, đồ cổ…).
  • Hối lộ phi vật chất phổ biến dưới dạng tình dục hoặc thông tin. Hành vi hối lộ liên quan đến điểm số, khóa học…cũng có thể được xem là một hành vi hối lộ phi vật chất.

Tại Việt Nam, hối lộ dường như đã trở thành một vấn đề rất ư bình thường. Từ bệnh viện, trường học cho đến cơ quan nhà nước, công ty, hợp tác xã…Đâu đâu cũng có bóng dáng của nền văn hóa phong bì. Đơn cử như việc tôi đã từng chứng kiến một anh chồng lần đầu đi đỡ đẻ cho vợ, thấy vợ đau đớn nhưng mãi chưa được đưa vào phòng sinh thì anh chồng xót xa vô cùng. Cũng một anh chồng khác, vì đã có “kinh nghiệm” nên anh chỉ cần anh gửi một ít quà dưới dạng phong bì cho y tá thì vợ anh sẽ được tiêm một mũi thuốc giảm đau, rồi nhanh chóng được đưa vào phòng hộ sinh.

Bằng một cách nào đó mà vấn nạn hối lộ dần được người dân chấp nhận và coi nó như là một phương thức hữu hiệu để mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn. Công tác xử lý và tận diệt nạn hối lộ vì vậy khó khăn hơn bao giờ hết, nhất là khi hối lộ đã phát triển song song với sự hoàn thiện của quá trình lập pháp nước nhà.

Dưới góc nhìn kinh tế, rõ ràng lợi ích mà những cán bộ, công chức, viên chức nhận được lớn hơn (nhiều lần) so với rủi ro mà họ có thể gánh chịu. Mức lương cơ sở hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức là 1.490.000 đồng[2] nhân với hệ số lương thì cũng trong tầm bình quân 5.000.000 đ trở lại, trong khi mỗi lần đi đêm đem lại cho họ vài trăm đến vài triệu đồng (thậm chí hàng chục, hàng trăm, hoặc hàng tỷ đồng đối với những phi vụ lớn). Chi phí cơ hội hợp lý (tiền, vật đổi lấy thực công việc) khiến đại đa số cán bộ, công chức, viên chức chấp nhận “đi đêm” bất chấp nguy cơ ngồi tù hay thậm chí là tử hình.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

  1. Nhận hối lộ tình dục thì bị xử lý thế nào?

Một hình thức hối lộ khá đặc biệt là hối lộ tình dục. Ưu điểm của hình thức này là kín đáo, ít để lại dấu vết. Nếu trong quá trình “hối lộ” hành vi này bị cơ quan chức năng phát giác thì họ cũng khó có thể định tội nếu các bên đã chuẩn bị kỹ càng từ trước. Bởi nếu không thể chứng minh hành vi quan hệ có liên quan đến việc hối lộ để xử lý hình sự thì cơ quan chức năng chỉ có thể kết Tội mua bán dâm (và ngược lại, nếu không thể chứng minh hành vi quan hệ tình dục là hành vi mua bán dâm nhưng có căn cứ để kết luận là hành vi hối lộ thì có thể truy cứu tội hối lộ). Mà hành vi quan hệ tình dục chỉ bị xử phạt về tội mua bán dâm khi có những dấu hiệu cho thấy đôi bên không biết nhau từ trước, hoặc quan hệ dưới hình thức “ăn bánh trả tiền”…Tội này nếu không phạm vào các trường hợp như cố tình lây nhiễm HIV cho người khác, quan hệ với người dưới 16 tuổi[3]…thì chỉ bị phạt hành chính (hành vi mua dâm bị phạt từ 500.000 – 10.000.000 đồng; hành vi bán dâm bị phạt từ 100.000 – 500.000 đồng)[4]. Hậu quả là đối với hành vi hối lộ tình dục thì tất nhiên chẳng thể thu hồi hay tiêu hủy thứ gì[5].

Theo quy định hiện hành[6], cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được nhận quà cáp dưới mọi hình thức. Điều này đồng nghĩa với việc không được nhận quà (vật chất, phi vật chất) dưới bất kỳ cách thức nào (tặng, cho…), vào bất kỳ dịp nào (sinh nhật, lễ Tết…) và thông qua bất kỳ ai (nhận trực tiếp hay thông qua người thân…).

Nếu có đủ dấu hiệu để xác định hành vi quan hệ tình dục là hành vi hối lộ, tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người hối lộ sẽ bị phạt tù từ 02 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; người nhận hối lộ sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Các khung hình phạt nêu trên còn áp dụng cho mọi hành vi khác có đủ cấu thành Tội hối lộ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề Xử phạt hành vi hối lộ tình dục.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Sự hợp tác giữa các loài để cùng nhau tồn tại và phát triển. Trong quan hệ cộng sinh, cả hai bên đều có lợi – khác với quan hệ ký sinh khi trong quan hệ này chỉ có vật ký sinh có lợi.

[2] Nghị quyết 70/2018/QH14

[3] Xem Điều 142 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

[4] Xem Điều 22, 23 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

[5] Xem thêm Điều 26 Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

[6] Điều 354, 364 Bộ luật Hình sự 2015(sửa đổi bổ sung 2017); Nghị định 59/2019/NĐ-CP.

 

Document
Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*