Xử phạt hành vi gây tổn hại đến bác sĩ khi khám chữa bệnh
Xử phạt hành vi gây tổn hại đến bác sĩ khi khám chữa bệnh
Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện không ít các clip ghi lại hình ảnh bác sĩ bị người nhà bệnh nhân, nhóm côn đồ, v.v.. xúc phạm, hành hung, có cả những trường hợp khiến bác sĩ tử vong. Điều đó đã khiến sự bức xúc trong đội ngũ nhân viên y tế và cả dư luận xã hội ngày một gia tăng. Ai cũng hiểu rằng công việc của các y, bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế là vô cùng áp lực, đó là trách nhiệm về sức khỏe, tính mạng con người và còn có thể bị rủi ro lây nhiễm nhiều căn bệnh nguy hiểm. Do đó, việc hành hung cũng như những hành vi xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của đội ngũ nhân viên y tế là không thể chấp nhận và phải được xử lý thích đáng. Vậy những hành vi đó có bị xử phạt không? Những người vi phạm sẽ phải chịu những trách nhiệm gì? Luật Nghiệp Thành tư vấn các độc giả tại nội dung bài viết dưới đây.
- Xử phạt hành chính[1]
Tại Nghị định mới[2] về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã tăng mức phạt với các vi phạm về nguyên tắc trong hành nghề khám chữa bệnh. Cụ thể như sau:
Với hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm của người hành nghề y[3] khi đang khám chữa bệnh thì sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 – 3.000.000 đồng.
Hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của người hành nghề y khi đang khám chữa bệnh bị phạt tiền tới 30.000.000 – 40.000.000 đồng.
Ngoài ra, những hành vi khác cũng được quy định tại Nghị định này:
– Không tôn trọng, không hợp tác với người hành nghề khi khám chữa bệnh
– Không chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề, trừ trường hợp được quyền từ chối chữa bệnh[4]
Với hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng.
– Hơn nữa, nếu không cung cấp trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, không hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh.
– Không chấp hành các nội quy của cơ sở khám chữa bệnh.
Thì bị phạt tiền từ 500.000 – 1.000.000 đồng.
– Hành vi không chi trả chi phí khám chữa bệnh khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh[5] thì bị phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.
Không chỉ bị phạt tiền, người vi phạm sẽ bị buộc phải xin lỗi trực tiếp nhân viên y tế đối với những hành vi không tôn trọng, không hợp tác; gây tổn hại danh dự, nhân phẩm; gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa tính mạng.[6]
- Xử lý hình sự
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác[7]
Đối với hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của người hành nghề khám chữa bệnh thì bên cạnh xử phạt hành chính, người vi phạm có thể bị khởi tố hình sự nếu:
Người vi phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người hành nghề khám chữa bệnh mà tỷ lệ tổn thương từ 11% trở lên.
Với trường hợp tỷ lệ tổn thương dưới 11% thì chỉ khởi tố hình sự trong trường hợp người cố ý gây thương tích dùng các vũ khí, vật liệu nổ, …. ; có tổ chức; được thuê để thực hiện; có tích chất côn đồ.[8]
Tùy thuộc vào mức độ gây thương tích thì người vi phạm sẽ có mức phạt tương ứng. Đối với tội này, theo quy định mức phạt tối đa là tù chung thân.
Tội gây rối trật tự công cộng[9]
Ngoài ra, nếu hành vi hành hung mà chưa gây thương tích hoặc gây thương tích chưa tới 11% thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự đối với Tội Gây rối trật tự công cộng. Đối với tội này thì mức phạt tối đa là 07 năm tù.
Tội giết người[10]
Nếu hành vi hành hung mà dẫn tới chết người thì người vi phạm sẽ bị khởi tố hình sự về Tội giết người.
Tùy vào trừng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà sẽ có hình phạt tương ứng. Với tội này, mức phạt tối đa là tử hình.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Xử phạt hành vi gây tổn hại đến bác sĩ khi khám chữa bệnh”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 48 Nghị định 117/2020
[2] Nghị định 117/2020 thay thế Nghị định 176/2013, có hiệu lực từ ngày 15/11/2020
[3] Là các đội ngũ nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh
[4] Người bệnh có quyền từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng các thủ thuật, phương pháp điều trị, ra khỏi nơi khám chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản, trừ trường hợp phải bắt buộc chữa bệnh với bệnh truyền nhiễm nhóm A, bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác. (Điều 12 Luật Khám bệnh chữa bệnh năm 2009)
[5] Trừ trường hợp được miễn giảm theo quy định của pháp luật
[6] Điều 48.8 Nghị định 117/2020
[7] Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
[8] Điều 134.1 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017
[9] Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015
[10] Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015