Xử phạt hành vi bạo lực trong bóng đá

Xử phạt hành vi bạo lực trong bóng đá

Xử phạt hành vi bạo lực trong bóng đá

Những pha triệt hạ đối thủ, những hành động thô bạo, “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” đối với cầu thủ của đội bóng phía đối phương, thậm chí là cả với trọng tài. Đây không còn là những hình ảnh quá xa lạ mà người hâm mộ được nhìn thấy diễn ra ngay trên sân bóng V-league. Những hành động xấu nêu trên đã vô tình làm cho giải V-League mất tính hấp dẫn, đã đánh mất đi những hình ảnh đẹp, cao cả vốn có của bóng đá. Câu hỏi đặt ra, “VFF và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã và sẽ làm gì để khắc phục những tình trạng nêu trên?”

Bạo lực trong thể thao nói chung diễn ra khi người tham gia vượt qua giới hạn ngăn cách giữa lối “chơi đẹp” và bạo lực hiếu chiến có chủ đích. Các vận động viên, huấn luyện viên, người hâm mộ đôi khi có những hành vi nhắm vào người hay đồ vật để bày tỏ lòng hâm mộ, giận dữ hay ăn mừng một cách thái quá[1].

1) Những hậu quả nặng nề do hành vi bạo lực thể thao gây nên

– Buộc phải giải nghệ: Bóng đá chắc hẳn là niềm đam mê từ thuở thiếu thời của tất cả các cầu thủ bóng đá, cho nên việc buộc phải đưa ra quyết định giải nghệ là điều rất khó khăn đối với họ. Người hâm mộ bóng đá Việt Nam chắc không thể quên được trận đấu tại giải V.League 2015, khi mà cầu thủ Quế Ngọc Hải của câu lạc bộ Sông Lam Nghệ An đã có cú đạp bóng thô bạo, “đốn giò” cầu thủ Anh Khoa thuộc câu lạc bộ SHB Đà Nẵng. Hậu quả của pha “chơi bóng rắn” này, Anh Khoa đã bị nát đầu gối. Tuy đã phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, nhưng cuối cùng, Khoa vẫn không níu kéo được hy vọng, thể lực không thể hồi phục như trước và phải đưa ra quyết định giải nghệ.

– Đối mặt với chấn thương: Năm 2010, khi thi đấu cho Hà Nội T&T, Công Vinh đã bị đứt dây chằng gối trái. Trả lời phỏng vấn, anh cho hay: “Khi nhận tin đứt dây chằng, tôi cảm giác như đất trời sụp đổ. Một cầu thủ đứt dây chằng, chẳng khác nào ca sĩ đứt thanh quản hay người họa sĩ bị mù”. Những trận đấu diễn ra với những pha phạm lỗi và sử dụng tiểu xảo để làm chấn thương cầu thủ bên phía đối phương; Các chấn thương như đứt dây chằng, rách cơ, bong gân, rách sụn chêm,…không phải là hiếm gặp. Có những chấn thương dai dẳng đeo bám các cầu thủ ấy, thậm chí ảnh hưởng đến sự nghiệp bóng đá lâu dài, để lại quá nhiều tiếc nuối trong lòng người hâm mộ.

Mất phong độ thi đấu: Việc phải mất một thời gian dài để hồi phục chấn thương. Hầu như đối với các cầu thủ, quãng thời gian ấy thực sự rất chán nản, buồn bã và ám ảnh với những nỗi đau hành hạ mỗi khi trái gió, trở trời. Nói vậy để thấy được rằng, việc trở lại sau những chấn thương là không hề đơn giản chút nào. Chưa kể đến việc phải tìm lại đỉnh cao phong độ, duy chỉ cần những chấn thương hồi phục hoàn toàn đã là điều rất khó khăn.

2) Các tổ chức liên quan và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần làm gì?

Document

– Cải chính bộ máy quản lý về bóng đá: Cần đề ra mục tiêu là xây dựng lối bóng đá “sạch”. Một nền bóng đá “đẹp”, “sạch”, trung thực phải xuất phát từ công tác quản lý cho đến thi đấu và cả các hoạt động trên khán đài; từ bóng đá phong trào, bóng đá trẻ cho đến giải bóng đá chuyên nghiệp. Phát triển bóng đá là một chiến lược dài hạn cần đi từng bước, khoa học, kiên trì và đặc biệt là nói không với tiêu cực.

– Các chế tài của VFF, VPF và ban quản lý câu lạc bộ: Bên cạnh việc VFF đưa ra các chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi bạo lực thì ban huấn luyện, quản lý các câu lạc bộ cũng cần “chung tay, góp sức” trong việc giáo dục cầu thủ.

– Cần có sự can thiệp của các “ông bầu”: Các pha “đốn hạ”, “chơi bóng rắn” của các cầu thủ được ví như “những cuộc giao lưu võ thuật khủng khiếp trên sân bóng”. Không ít lần, những hình ảnh bạo lực ấy bất đắc dĩ được hiện diện trên mặt báo, thậm chí là cả truyền thông và các diễn đàn mạng nước ngoài. Trường hợp này rất cần sự “ra tay” của các “ông bầu”, cần thực hiện các biện pháp mạnh tay như: không “dung dưỡng” những cầu thủ có hành vi, lối đá xấu; giáo dục mỗi cầu thủ ý thức được rằng đây là đá bóng chứ không phải đá người và nếu chơi thô bạo, cánh cửa tương lai trong sự nghiệp bóng đá của họ có thể bị khép lại.

– Quy định của pháp luật:

+ Về vấn đề này, pháp luật nước ta cũng có quy định đối với các hành vi bạo lực đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người khác trong hoạt động bóng đá có thể bị phạt tiền từ 15 triệu – 20 triệu đồng[2].

+ Đối với các hành vi chơi bóng thô bạo, cố ý gây chấn thương trong khi tập luyện hay thi đấu bóng đá đối với người khác, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của họ thì có thể bị phạt tiền từ 20 triệu – 25 triệu (mức phạt đối với mỗi hành vi)[3], đồng thời bị đình chỉ thi đấu từ 3 tháng – 6 tháng[4].

Nỗi đau của Anh Khoa ngày ấy như nỗi đau của cả nền bóng đá Việt Nam. Mỗi người chúng ta, mỗi cầu thủ cần biết rằng: Trên sân bóng, chúng ta chỉ đá bóng chứ không đá người. Đá làm sao để người hâm mộ thấy rằng họ đá hay, đá đẹp chứ không phải thốt lên rằng “đây là một trận đấu võ thuật” hay “đó là một cú đốn hạ kinh hoàng”.

Trên đây là nội dung bài viết của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Xử phạt hành vi bạo lực trong bóng đá”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Theo Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BB%83_lo%E1%BA%A1i:B%E1%BA%A1o_l%E1%BB%B1c_trong_th%E1%BB%83_thao

[2] Khoản 1, Điều 9, Nghị định 46/2019/NĐ-CP

[3] Khoản 2, Điều 9, Nghị định 46/2019/NĐ-CP

[4] Khoản 3, Điều 9, Nghị định 46/2019/NĐ-CP

 

 

 

 

Document
Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*