Xử phạt hành vi bạo lực học đường

Xử phạt hành vi bạo lực học đường

 Xử phạt hành vi bạo lực học đường

Bạo lực học đường (BLHĐ) đã tồn tại từ lâu và là một vấn nạn nhức nhối đối với giáo dục. Tình trạng BLHĐ từ trước đến nay luôn là mối quan tâm của các bậc phụ huynh, giáo viên nhà trường và toàn xã hội bởi vì nó diễn ra ở hầu hết các trường học và rất nhiều học sinh từ mọi lứa tuổi tham gia. Tuy nhiên ở các độ tuổi này, học sinh vẫn chưa chưa hoàn toàn ý thức được hậu quả cũng như những trách nhiệm mà mình phải gánh chịu nên dẫn đến nhiều học sinh xem thường kỷ luật nhà trường, lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến những hậu quả khôn lường hơn. Vì tính nguy hiểm của hành vi này có thể làm cho nạn nhân bị tổn thương về mặt thể chất, tinh thần (tự tử, bỏ học, trầm cảm, bị thương tật,…) nên không chỉ những học sinh gây ra hành vi này mà phụ huynh cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.

Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc làm rõ các trách nhiệm trên.

BLHĐ là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong các cơ sở giáo dục.[1] Học sinh có hành vi BLHĐ sẽ bị xử lý theo nội quy của trường và ngoài ra tùy theo mức độ của hành vi sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

1.Xử lý theo điều lệ, nội quy của trường

Hành vi BLHĐ như đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường là những hành vi học sinh không được làm do đó sẽ bị nhà trường xử lý kỉ luật theo mức độ từng hành vi dưới những hình thức sau:[2]

– Phê bình trước lớp, trước trường;

– Khiển trách và thông báo với gia đình;

– Cảnh cáo ghi học bạ;

– Buộc thôi học có thời hạn.

2.Xử lý vi phạm hành chính

Người chưa thành niên có những hành vi BLHĐ nhưng có tính nguy hiểm thấp hơn tội phạm thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đối với hình thức xử phạt: áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi trở lên; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt mọi vi phạm hành hành chính.[3]

– Phạt cảnh cáo: áp dụng cho cho người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm do cố ý nhưng không nghiêm trọng như là có lời nói thô bạo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh khác.[4]

– Phạt tiền: áp dụng cho người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm và mức phạt tiền tối đa bằng ½ mức phạt áp dụng cho người thành niên. Nếu không có khả năng nộp tiền phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ sẽ nộp thay.[5]

Mức phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng, tối đa 2.500.000 đối với một số hành vi BLHĐ thường gặp cho người chưa thành niên như là xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích,…[6]

Biện pháp xử lý hành chính[7]

Các biện pháp xử lý hành chính sẽ được áp dụng nếu có những hành vi BLHĐ có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm 3 biện pháp: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Document
Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấnBiện pháp đưa vào trường giáo dưỡngBiện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc
Độ tuổiĐủ 12 tuổi trở lênĐủ 12 – dưới 18 tuổiĐủ 18 tuổi trở lên
Hành vi– Hành vi có dấu hiệu của tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý;

– Nhiều lần gây rối trật tự công cộng;

– Gây tổn hại sức khỏe người khác;

– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

– Hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

– Nhiều lần gây rối trật tự mà đã bị giáo dục tại xã phường, thị trấn.

– Hành vi có dấu hiệu tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

– Nhiều lần gây rối trật tự mà đã bị giáo dục tại xã phường, thị trấn.

Thời hạn3 – 6 tháng6 – 24 tháng6 – 24 tháng

3.Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

Bên cạnh xử lý vi phạm hành chính thì nếu người vi phạm đáp ứng được một số điều kiện nhất định như là tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi sẽ được áp dụng các biện pháp thay thế khác nhằm giảm nhẹ trách nhiệm như là nhắc nhở, quản lý tại gia đình, giáo dục dựa vào cộng đồng.[8]

4.Truy cứu trách nhiệm hình sự

Những hành vi bạo lực vượt quá mức độ vi phạm hành chính như trên thì sẽ cấu thành tội phạm. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý như là cố ý gây thương tích với tỉ lệ tổn thương từ 61% trở lên, làm chết người hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như là làm chết 2 người,…[9] Đối với người dưới 18 tuổi thì cần xem xét tình tiết phù hợp để miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hay không nhằm mục đích giáo dục, giúp nhận thức được hành vi sai trái và tự sữa chữa sai lầm trước. Nếu không có tác dụng thì sau đó mới áp dụng các hình phạt nặng hơn.

Hành vi BLHĐ có thể bị xử lý với tội cố ý gây thương tích; tội làm nhục người khác.

Đối với tội làm nhục người khác[10] có thể xem xét để miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp giám sát, giáo dục: hòa giải tại cộng đồng, khiển trách, giáo dục tại xã phường thị trấn.

Về hình phạt, tội làm nhục người khác sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 – 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Nếu vi phạm nặng hơn thì phạt tù tối thiểu 3 tháng, tối đa 5 năm. Các mức phạt này áp dụng cho người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Đối với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác:[11]  Người vi phạm sẽ bị phạt tù tối thiểu 6 tháng, tối đa 20 năm hoặc tù chung thân. Các mức phạt này áp dụng cho người từ đủ 18 tuổi trở lên.

* Người đủ 16 tuổi – dưới 18 tuổi phạt tiền bằng ½ mức phạt đối với người đủ 18 tuổi.[12]

* Người đủ 14 tuổi – dưới 16 tuổi phạt cải tạo không giam giữ bằng ½ thời hạn áp dụng cho người đủ 18 tuổi.[13]

* Người đủ 16 tuổi – dưới 18 tuổi phạt tù  không quá ¾ mức phạt của người đủ 18 tuổi và tối đa 18 năm; người đủ 14 tuổi –  dưới 16 tuổi thì phạt tù không quá ½ mức phạt của người đủ 18 tuổi và tối đa 12 năm.[14]

5.Bồi thường thiệt hại dân sự

Bên cạnh các mức phạt trên thì hành vi BLHĐ khi xâm phạm tới sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của người khác còn phải phải bồi thường thiệt hại dân sự cho người bị thiệt hại để bù đắp cho các tổn thất về sức khỏe, tinh thần mà người đó phải gánh chịu.

Thiệt hại về sức khỏe phải bồi thường bao gồm[15] chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho những người bị BLHĐ và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị BLHĐ.

Thiệt hại về danh dự, nhân phẩm phải bồi thường là chi phí để hạn chế, khắc phục thiệt hại[16]. Ngoài ra còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần.

– Nếu người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian trường học quản lý thì trường học phải bồi thường; còn lại thì cha mẹ phải bồi thường; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ thì lấy tài sản riêng của con nếu có. [17]

– Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.[18]

Từ các quy định trên có thể thấy người vi phạm phải chịu rất nhiều trách nhiệm khi có hành vi bạo lực học đường.  Không chỉ họ mà phụ huynh cũng có trách nhiệm bồi thường theo đó. Không chỉ những người bị thiệt hại mà người vi phạm cũng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Thực tế đã cho thấy rất nhiều nạn nhân của nạn BLHĐ bị chấn thương, trầm cảm, sợ hãi, dẫn đến nghỉ học, tự tử. Bên cạnh đó, những học sinh gây BLHĐ sẽ trở thành đối tượng bị thù ghét, nỗi lo bị trả thù bởi các nạn nhân, gia đình nạn nhân cũng như của các bạn cùng học. Không những thế, khi bị áp dụng các hình thức phạt nặng như phạt tù cũng có thể ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em. Như vậy, hậu quả mà BLHĐ gây là ra vô cùng lớn đối với học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội.

Để bảo vệ quyền lợi của học sinh trong môi trường học đường như hiện nay thì cần có sự chung tay bảo vệ của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Về phía gia đình, cha mẹ cần nâng cao kiến thức và kỹ năng hỗ trợ con cái vượt qua các khó khăn về tâm lý xã hội ở giai đoạn phát triển vị thành niên này, cần dành nhiều thời gian chia sẻ, tâm sự với con. Nhà trường và giáo viên phải quan tâm hường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của học sinh trong lớp, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kỉ luật kịp thời khi có hành vi BLHĐ để tránh các hậu quả nặng hơn.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Xử phạt hành vi bạo lực học đường”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Khánh Như

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

 

[1] Điều 2.5 Nghị định 80/2017/NĐ-CP

[2] Điều 41 và Điều 42.2 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT

[3] Điều 5.1.a Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính

[4] Điều 22 Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính và Điều 5.1.a Nghị định 167/2013/ NĐ-CP

[5] Điều 134.3 Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính

[6] Điều 5 Nghị định 167/2013/ NĐ-CP

[7] Điều 89 đến Điều 94 Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính.

[8] Điều 139, Điều 140 và Điều 140.a Văn bản hợp nhất Luật xử lý vi phạm hành chính.

[9] Điều 12 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

[10] Điều 155 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

[11] Điều 134 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

[12] Điều 99 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017

[13] Điều 100 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017

[14] Điều 101 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung 2017

[15] Điều 590 Bộ luật dân sự 2015

[16] Điều 592 Bộ luật dân sự 2015

[17] Điều 586.2 và Điều 599.1 Bộ luật dân sự 2015

[18] Điều 586.2 Bộ luật dân sự 2015

Document
Categories: Giáo Dục

Comments

  1. Thanhthao
    Thanhthao 22 Tháng Chín, 2022, 23:21

    Dạ cho em hỏi. Con e học lớp 8 ,đi học bị bạn cũng bằng tuổi đánh vào mắt,vỡ mắt kính,kính cắt vào mắt rách da mi trên dưới phải may 22 mũi. Vậy theo qui định thì sẽ xử lý như thế nào ạ

    Reply this comment
    • sea
      sea 23 Tháng Chín, 2022, 10:03

      Chào bạn, cảm ơn bạn đã phản hồi tới Luật Nghiệp Thành,
      Luật Nghiệp Thành dựa vào nội dung bạn cung cấp, trả lời câu hỏi của bạn như sau:
      Vì đối tượng còn đang là học sinh, đang là độ tuổi trẻ em dưới sự quản lý cùa nhà trường nên hành vi bạo lực học đường sẽ bị nhà trường xử lý, nên đầu tiên, bạn cần thông báo với nhà trường để nhà trường xử lý kỷ luật theo từng mức độ hành vi có nghiêm trọng hay không.
      Theo như bạn cung cấp thông tin, hiện tại con bạn và bạn học đang học lớp 8, nên tính theo số tuổi học lớp 8 hiện đang là khoảng 13 tuổi. Để xác định đúng, cần dựa theo ngày sinh nhật của lần thứ 13 thì sẽ chưa đủ 13 tuổi, nếu đã qua ngày sinh nhật lần thứ 13 thì sẽ đủ 13 tuổi.
      Bạn của con bạn nếu xét độ tuổi như đã phân tích thì chưa đủ 14 tuổi, trong khi xử phạt vi phạm hành chính và hình sự chỉ áp dụng cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
      Các bên gia đình cần làm rõ sự việc đánh nhau là do lỗi bên nào, việc bồi thường thiệt hại sẽ được xác định là do lỗi của các bên.
      Theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại, (Điều 585. Bộ luật Dân sự 2015)
      – Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
      – Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
      – Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
      – Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
      – Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
      Sau khi đã xác định rõ ràng sự việc, lỗi của các bên, nếu hoàn toàn là lỗi của bên kia thì bạn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe nên bên xâm phạm phải bồi thường thiệt hại.
      Ngoài ra, nếu danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gia đình bạn cũng có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại.
      Nếu tinh thần của cháu bị ảnh hưởng bạn có thể yêu cầu bồi thường khoản tiền bù đắp về tổn thất tinh thần. Lưu ý các bên sẽ thỏa thuận về mức này nhưng không được quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
      Và đương nhiên bạn cần chứng minh thiệt hại của con mình về sức khỏe thông qua các giấy tờ chẩn đoán của bệnh viện, khám sức khỏe của cháu, chi phí chữa trị, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe, thu nhập thực tế bị mất của gia đình bạn trong thời gian chăm sóc cháu. Trong trường hợp bên gây thiệt hại không đồng ý bồi thường thiệt hại thì gia đình bạn có thể khởi kiện tại Tòa án với các chứng minh trên để yêu cầu bồi thường.
      Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

      Reply this comment

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*