Xử lý vi phạm hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh
Xử lý vi phạm hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh
Thái độ ứng xử là yếu tố vô cùng quan trọng ở bất cứ môi trường nào. Mọi người thường sẽ cảm thấy dễ chịu và trở nên thân thiện với những người có thái độ ứng xử tốt. Tuy nhiên, ngược lại nếu như một ai đó có thái độ ứng xử không thân thiện trong mọi tình huống có thể dẫn đến những cuộc xung đột không mong muốn. Trong bệnh viện, thái độ ứng xử của bác sĩ trong quá trình tiếp xúc, chữa trị bệnh nhân được xếp hàng đầu cho sự thành công, đạt sự hài lòng người bệnh.
Ta thấy, mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, tuy nhiên không ít bác sĩ vô tình hay cố ý quên đi điều này nên đã dẫn đến thực trạng đáng buồn trong cư xử, giao tiếp và hành nghề chưa đúng mực đối với người bệnh, để người bệnh cứ than phiền. Việc bác sĩ có những lời lẽ hành vi lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của bệnh nhân được xem là hành vi bị cấm theo quy định pháp luật.[1]
Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn cho bạn đọc những thông tin về vấn đề trên.
- Quy định về quyền của người bệnh.
Được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám, chữa bệnh là một trong những quyền cơ bản mà người bệnh được hưởng. Bên cạnh đó, người bệnh còn có những quyền sau[2]:
- Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế.
- Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư.
- Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
- Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
Trong đó, quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh được hiểu là người bệnh không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh (trừ các trường hợp bắt buộc chữa bệnh như người mắc bệnh tâm thần ở trạng thái kích động, trầm cảm có ý tưởng, hành vi tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác; Người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A[3]); Bệnh nhân được quyền tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng; Không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.
Khi các y, bác sĩ có hành vi lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể của bệnh nhân sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
- Quy định xử phạt.
*Về hành chính:
Tùy theo hành vi vi phạm mà mức xử phạt hành chính có thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định. Trong đó, mức phạt tiền sẽ là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lạm dụng nghề nghiệp để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định. Bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc xin lỗi trực tiếp người bệnh đối với hành vi quy định[4].
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định mức phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong trong các hành vi không tôn trọng quyền của người bệnh[5].
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với các hành vi[6]:
– Không thực hiện đúng quy tắc ứng xử của người hành nghề theo quy định của pháp luật;
– Kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người bệnh. (Đối với hành vi này có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hâu quả là buộc xin lỗi trực tiếp người bệnh đối với hành vi vi phạm[7])
*Về hình sự:
Hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người bệnh:
Ngoài xử phạt hành chính, các y, bác sĩ khi xâm phạm danh dự, nhân phẩm người bệnh có thể bị xử lý hình sự theo quy định về Tội làm nhục người khác nếu cơ quan điều tra xét thấy có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. Theo đó:
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm[8].
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm[9]:
– Phạm tội 02 lần trở lên.
– Đối với 02 người trở lên.
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
– Các hành vi khác theo quy định của pháp luật.
Hành vi xâm phạm thân thể người bệnh:
Năm 2017, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM nhận được trình báo từ một bệnh nhân bị nam điều dưỡng có hành vi quấy rối tình dục. Sau đó, Công an quận Thủ Đức xác nhận nam điều dưỡng có hành vi quấy rối tình dục nhưng không xử lý hình sự do có đơn bãi nại và từ chối giám định từ người bị xâm phạm[10]. Mặc dù vụ án này không bị xử lý hình sự do có sự bãi nại từ phái người bệnh. Tuy nhiên một bộ phận người khoác lên chiếc áo của ngành y và trục lợi niềm tin của người bệnh để rồi có hành vi bất chính không phải là câu chuyện hiếm thấy. Năm 2018 nước ta cũng xảy ra một vụ án làm chấn động dư luận, đó là vụ điều dưỡng hiếp dâm bệnh nhân đang hôn mê sâu sau ca nội soi tại Khánh Hòa[11].
Những hành vi vi phạm tương tự như vậy nên được xử lý một các nghiêm minh. Theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm mà người có hành vi xâm phạm thân thể bệnh nhân có thể bị xử lý về hành vi Tội hiếp dâm theo Bộ luật Hình sự hiện hành. Cụ thể, đối với hành vi hiếp dâm mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm[12]. Ngoài ra, nếu như hành vi này xảy ra đối với người dưới 16 tuổi thì mức phạt tù là từ 07 năm đến 15 năm[13].
Ngoài ra, nếu như người hành nghề y, bác sĩ hành hung người bệnh gây thương tích thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Thông qua các quy định trên ta thấy, nhà nước ta rất đề cao việc bảo vệ quyền lợi của bệnh nhân. Trong trường hợp này, nếu như quyền lợi của bệnh nhân bị xâm phạm sẽ bị pháp luật trừng phạt không chỉ bị xử lý hành chính mà còn có thể bị xử phạt cả về hình sự.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Xử lý vi phạm hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể người bệnh.”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 6.10 Luật khám, chữa bệnh 2009.
[2] Chương 2 mục 1 Luật khám, chữa bệnh 2009.
[3] Điều 66.1 Luật khám, chữa bệnh 2009.
[4] Điều 38.5.c, 38.8.a, 38.9.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[5] Điều 48.1.b Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[6] Điều 48.3.b, 48.3.c Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[7] Điều 48.8.b Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[8] Điều 155.1 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
[9] Điều 155.2 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).
[10] Tham khảo: trang web Pháp luật Thành Phố Hồ Chí Minh (2017), Bài viết “Khi chiếc áo bác sĩ trở thành tấm vé phạm tội”.
[11] Tham khảo bài viết: Trang web laodong.vn (2019), Bài viết: “Choáng váng những vụ bác sĩ, nhân viên y tế sàm sỡ, hiếp dâm bệnh nhân.”
[12] Điều 1.23 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.
[13] Điều 1.24 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.