Xử lý phần vốn góp khi thành viên góp vốn chết

Xử lý phần vốn góp khi thành viên góp vốn chết

Tình huống: Anh A góp 50% vốn vào công ty TNHH hai thành viên B với số tiền là 1 tỷ đồng. Anh A có 1 vợ và 2 người con nhỏ, cha, mẹ anh A còn sống. Đến đầu 2019, anh A mất không có di chúc. Vậy cần phải xử lý phần vốn góp trên như thế nào khi thành viên góp vốn chết?

Trả lời:

Chào bạn, dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:

Phần vốn góp của thành viên là một tài sản của họ đóng góp chung để hoạt động kinh doanh. Mỗi thành viên sở hữu phần vốn góp nhất định trong công ty tùy thuộc vào số vốn góp và tổng số vốn điều lệ. Như vậy, vì là một tài sản nên mọi vấn đề liên quan đến tài sản vốn góp của thành viên này vừa được thực hiện theo LDN 2014, vừa được thực hiện theo BLDS 2015.

Trong trường hợp trên, Anh A đã góp 50% vào công ty B. Đến đầu năm 2019, anh A mất không có di chúc thì phần vốn này được xử lý như sau:

Thứ nhất, người thừa kế hợp pháp sẽ trở thành thành viên của công ty[1]. Ở đây anh A có hàng thừa kế thứ nhất là cha, mẹ, vợ và 2 con anh A. Như vậy, cả cha, mẹ, vợ và 2 con của anh A sẽ là thành viên của công ty sau khi anh A mất. Tuy nhiên, 2 con của anh A còn nhỏ nên chưa đủ năng lực hành vi dân sự thì phần vốn góp này sẽ do vợ anh A đại diện quản lý. Về phần vốn góp sở hữu của cha, mẹ, vợ và 2 con của anh A. Vì là tài sản của anh A không có di chúc nên sẽ được thực hiện phân chia theo pháp luật dân sự. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản là bằng nhau[2]. Vậy hàng thừa kế thứ nhất của anh A là cha, mẹ, vợ và 2 con, tổng cộng là 5 người thì mỗi người được sở hữu phần vốn góp bằng nhau trong công ty.

Trong trường hợp không muốn trở thành thành viên công ty, cha, mẹ, vợ và 2 con của anh A có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp này hoặc có thể chuyển nhượng sang cho người khác.

Thứ hai, về thủ tục để nhận thừa kế sẽ được thực hiện theo quy định BLDS. Trước tiên cần phải xác định tài sản góp vốn này là tài sản chung hay tài sản riêng của anh A để phân chia phần thừa kế cho phù hợp. Nếu tài sản anh A góp vốn trước thời kỳ hôn nhân hoặc trong thời kỳ hôn nhân nhưng anh A có thỏa thuận tài sản góp vốn là tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân này thì được xem là tài sản riêng của anh A. Nếu anh A góp vốn trong thời kỳ hôn nhân mà không có bất kỳ thỏa thuận hoặc giấy tờ chứng minh nào về phần vốn góp là tài sản riêng thì mặc nhiên đây là tài sản chung của anh A và vợ anh A. Lúc này, việc phân chia phần vốn góp được thực hiện như hình bên dưới.

Document
Tài sản chung
Tài sản riêng
Trong đó–          Vợ anh A là người đại diện theo pháp luật hợp pháp của 2 con (do 2 con còn nhỏ) nên Vợ anh A có quyền quản lý phần vốn góp được chia của 2 con.

–          Phần thừa kế vốn góp của cha, mẹ anh A,  thì họ có thể ủy quyền cho vợ anh A hoặc 1 người khác đại diện nếu sức khỏe của họ không đảm bảo.

  1. Họp mặt thừa kế

Vì hàng thừa kế của anh A là cha, mẹ, vợ và 2 con nhỏ. Cho nên vợ anh A sẽ là người đại diện theo pháp luật đương nhiên của hai con cùng với quyền chia tài sản chung (nếu có)và được hưởng một phần di sản của mình. Tuy nhiên, để việc phân chia phần vốn góp này có hiệu lực thì cả cha, mẹ và vợ anh A phải cùng nhau ngồi lại thỏa thuận phân chia với nhau ở đây. Bạn có thể tham khảo bài viết “Buổi họp mặt phân chia thừa kế”.

  1. Công chứng thỏa thuận phân chia di sản

Sau khi đã thỏa thuận xong việc phân chia di sản nêu trên thì những người thừa kế có thể đem bản thỏa thuận ra phòng công chứng nhờ xác nhận, khi đi ngoài bản thảo thuận nêu trên thì cần các giấy tờ sau:

  • CMND, sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của cha, mẹ và vợ anh A.
  • Giấy khai sinh của 2 con anh A để chứng minh vợ anh A là đại diện theo pháp luật hợp pháp của 2 con.
  • Giấy chứng tử của anh A
  • Giấy chứng nhận phần vốn góp của anh A

VPCC sẽ kiểm tra các giấy tờ và thỏa thuận phân chia di sản. Nếu HS hợp lệ thì VPCC sẽ công chứng thỏa thuận phân chia di sản thùa kế. Nếu có tranh chấp thì khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết hoặc bạn có thể tham khảo “ Trình tự, thủ tục yêu cầu Tòa án mở thừa kế”.

Sau khi việc phân chia di sản đã hoàn thành thì họ đương nhiên trở thành thành viên của công ty. Nếu không muốn sở hữa phần vốn góp này nữa thì có thể yêu cầu công ty mua lại hoặc chuyển nhượng cho người khác. Khi đó sẽ thực hiện thủ tục thông báo thay đổi thành viên đến Sở KHĐT như thủ tục thông báo thay đổi thông thường.

Thành phần hồ sơ:

  • Mẫu thông báo theo mẫu số II-1 TT 20/2015/TT-BKHĐT
  • Bản sao công chứng văn bản chia thừa kế đã được VPCC xác nhận
  • Giấy tờ tùy thân của người trở thành thành viên công ty (CMND/ CCCD của cha, mẹ, vợ anh A)
  • Văn bản ủy quyền cho người nộp hồ sơ (nếu có)

Hồ sơ bao gồm 1 bộ và được nộp tại Sở KHĐT. Phí và lệ phí công bố thông tin là 400.000 VNĐ.

Sau khi hồ sơ hợp lệ, trong vòng 3 ngày, Sở KHĐT sẽ trả kết quả thay đổi thành viên cho công ty.

Trong trường hợp công ty có 2 thành viên mà anh A là đại diện theo pháp luật của công ty thì thời điểm anh A mất, người còn lại đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty. Khi đó, công ty cần làm bộ hồ sơ thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến Sở KHĐT.

Ngoài ra, cần lưu ý một số người tư vấn việc rút tên anh A ra khỏi công ty bằng cách làm hồ sơ giả chữ ký của anh A để tiến hành thủ tục cho nhanh thì việc giả chữ ký chuyển nhượng phần vốn góp của anh A sang cho người khác mà nếu có tranh chấp xảy ra, người có hành vi giả mạo này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản[3].

Lưu ý rằng vợ anh A là người đại diện theo pháp luật của hai con thì chị có quyền định đoạt tài sản là phần thừa kế vì lợi ích của 2 con[4]. Quyền định đoạt ở đây được hiểu là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản[5]… Như vậy, vợ anh A có quyền tặng/cho, bán, từ chối phần thừa kế của con.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về việc xử lý phần vốn góp khi thành viên góp vốn bị chết.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Trần Thị Duyên

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Điều 54.1 LDN 2014

[2] Điều 651.2 BLDS 2015

[3] Điều 174 BLHS 2015

[4] Điều 77 Luật HNGĐ 2014; Điều 141.2 BLDS 2015

[5] Điều  192 BLDS 2015

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*