Vốn pháp định và một số vấn đề liên quan
Khi doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư thì “vốn pháp định” chính là khái niệm mà doanh nghiệp cần phải biết rõ. Không quá xa lạ vốn pháp định chính là một trong những điều kiện của một số ngành nghề kinh doanh yêu cầu bắt buộc. Vậy khái niệm của nó ra sao và những vấn đề liên quan đến vốn pháp định như thế nào, bạn đọc hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1.Khái niệm về vốn pháp định
Trong Luật Doanh nghiệp 2005 quy định “Vốn pháp định là mức vốn tối thiểu phái có theo quy định của pháp luật để thành lập doanh nghiệp[1]”. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp 2014 và đến nay là 2020 đã bỏ khái niệm này nhưng thay vào đó luật đã quy định luôn mức vốn tối thiểu khi mà một doanh nghiệp muốn thành lập trong những văn bản luật chuyên ngành cụ thể.
Như vậy ta có thể hiểu như sau, vốn pháp định sẽ chính là mức vốn tối thiểu mà doanh nghiệp phải đáp ứng để thành lập một doanh nghiệp. Vốn pháp định sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể và tuỳ vào lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mà vốn pháp định cũng khác nhau.
2.Một số ví dụ về ngành nghề yêu cầu về vốn pháp định
* Ví dụ về kinh doanh bất động sản
Khi chủ thể tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định tối thiểu là 20 tỷ đồng. Tuy nhiên kể từ khi Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thì tại Điều 10.1 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 cũng đã được sửa đổi:
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) trừ một số trường hợp theo luật định[2]”
Tổng kết lại, Luật Đầu tư 2020 đã bỏ điều kiện “có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng” và doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản không cần đáp ứng điều kiện về vốn pháp định nữa.
*Ví dụ về kinh doanh theo phương thức đa cấp
Để kinh doanh ngành nghề này doanh nghiệp phải đáp ứng vốn pháp định là 10 tỷ đồng[3]. Lưu ý ta phải hiểu vốn điều lệ và vốn pháp định là 02 khái niệm khác nhau, tuy nhiên ở đây luật quy định có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên tức vốn pháp định ở đây tối thiểu phải là 10 tỷ đồng.
* Ví dụ về kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức
Điều kiện kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế phải duy trì tài sản tối thiểu là 80.000 SDR (SDR bản chất là một công cụ tiền tệ nhân tạo được IMF xây dựng và sử dụng từ một rổ các loại tiền tệ của những quốc gia quan trọng)[4] do đó chủ thể hoạt động kinh doanh sau khi có Giấy phép kinh doanh hay có vốn pháp định trong kinh doanh dịch vụ này sẽ là 80.000 SDR.
Như vậy, vốn pháp định sẽ được xem là điều kiện để thực hiện được dự án khi thành lập một doanh nghiệp và đặc biệt tuỳ vào lĩnh vực ngành nghề mà pháp luật cũng sẽ quy định vốn pháp định khác nhau.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Vốn pháp định và một số vấn đề liên quan”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan toả tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tuấn Huy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 4.7 Luật Doanh nghiệp 2005
[2] Điều 75.2.a Luật Đầu tư 2020
[3] Điều 7.1.b Nghị định 40/2018/NĐ-CP
[4] Điều 1.2 Nghị định 144/2018/NĐ-CP