Vi phạm về chất lượng trong buôn bán thuốc thú y
Thuốc thú y không đảm bảo về chất lượng đang xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường. Các cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục sản xuất, còn việc buôn bán thì càng lúc được đẩy mạnh hơn nhờ các tiếp thị, đại lý, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp. Chỉ tính riêng một tỉnh thành mà có khoảng gần hơn 200 đến gần 300 đại lý buôn bán loại mặt hàng này. Do vậy, việc kiểm soát dường như là rất khó khăn và càng thử thách hơn, đó là có vô số các thủ đoạn tinh vi được thực hiện. Vậy với những đơn vị kinh doanh thuốc thú y uy tín, hẳn sẽ rất bất bình trước những sự việc này. Nhưng trước tình hình như vậy, sẽ không tránh khỏi việc bị những kẻ có mục đích xấu lợi dụng. Vì thực tế, việc phân biệt về chất lượng, mẫu mã, hàm lượng, hoạt chất,v..v. của các loại thuốc này thực sự không dễ dàng gì nếu chỉ bằng mắt thường. Chính vì thế, mà pháp luật đã có những sự thay đổi về các hành vi vi phạm trong buôn bán thuốc thú y về chất lượng. Sau đây Luật Nghiệp Thành sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về thực trạng này, bên cạnh đó là tổng hợp các quy định pháp luật liên quan.
- Thực trạng
Con đường đưa thuốc thú y kém chất lượng đến người dân đang ngày một rút ngắn. Từ việc người dân có nhu cầu mua sẽ đến các đại lý vật tư thú y, hộ kinh doanh ở địa phương. Nhưng bây giờ, tiếp thị từ các công ty sản xuất đã xuống tận nhà người dân. Và chưa hẳn các công ty này đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất lẫn chất lượng sản phẩm của mình. Cụ thể là vụ việc hộ nuôi tôm tại Cà Mau được các tiếp thị từ một công ty “nào đó” ở châu Âu đến tận nhà. Và quảng cáo rất nhiều tính năng, công dụng của sản phẩm bắt nguồn từ Ấn Độ. Nhưng khi sử dụng lại không thấy hiệu quả, nên người dân đã đem ngâm và phát hiện thuốc không tan trong nước. Thì mới vỡ lẻ đó không còn là “thuốc” mà là đá xây.[1]
Còn có loại thuốc khi đến tay người dân thì không còn nhãn mác. Thậm chí có loại được đăng ký là thức ăn bổ sung gồm vitamin, men vi sinh, khoáng chất… nhưng khi lưu hành lại có tên là thuốc chữa bệnh.
Cả những trường hợp nguyên liệu kháng sinh cũng được bán tràn lan bất chấp quy định pháp luật. Vậy làm cách nào mà việc này diễn ra trót lọt? Thực tế, Cục Thú y có cấp phép cho các công ty để nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh chỉ được phép trực tiếp sử dụng để sản xuất thuốc có trong danh mục hoặc bán lại cho người mua sản xuất thuốc thú y có chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP[2]. Nhưng việc sử dụng lại trở nên sai mục đích.
Cục Thú y phát hiện có tình trạng một số cá nhân trước đây từng làm việc tại các công ty sản xuất thuốc thú y có đạt tiêu chuẩn GMP. Họ liên hệ lại công ty nhập nguyên liệu kháng sinh, mặc dù đã thôi việc. Tiếp đó, thực hiện đặt mặt hàng kháng sinh và đề nghị công ty này xuất hóa đơn tại công ty từng làm việc. Sau đó, thực hiện pha trộn với các nguyên liệu khác, cuối cùng là phân phối sản phẩm đến người chăn nuôi.[3]
Vì vậy, dưới góc độ là người bán các sản phẩm thuốc thú y, chúng ta cần chú ý những gì?
– Nếu có công ty sản xuất thuốc muốn ký hợp đồng về việc cung cấp thuốc cho đại lý. Để đề phòng, đại lý có thể yêu cầu về Chứng chỉ hành nghề thú y của công ty đó.
– Hoặc có thể kiểm tra xuất xứ hàng hóa thông qua mã vạch trên loại thuốc thú y đó bằng cách tải các ứng dụng kiểm tra mã vạch vừa biết được nơi sản xuất, vừa biết được giá bán của công ty.
– Chú ý những loại mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng được các công ty đưa ra lời quảng cáo hấp dẫn. Còn đưa ra chiết khấu cao nếu cam kết bán cho công ty và nhập nhiều hàng hóa.
– Đặc biệt với những loại thuốc thú y dưới dạng dược phẩm và vắc xin thì cơ sở sản xuất phải có chứng nhận thực hành tốt sản xuất GMP.[4]
– Nhận biết hình thức thuốc thú y giả mạo như không đảm bảo về mẫu mã, hình thức như thuốc bị ẩm và vón cục nếu được chấp nhận yêu cầu xem xét trước.
– Kiểm tra các hoạt chất chính trong thuốc thú y được in trên bao bì, nhãn mác. Và kiểm tra xem các hoạt chất đó có thuộc danh mục các loại thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hay chưa.
- Quy định pháp luật liên quan
* Xử phạt hành chính
Hành vi vi phạm về chất lượng trong buôn bán thuốc thú y
Có mức phạt tiền tối thiểu là 5.000.000 đồng[5] và tối đa là 40.000.000 đồng[6]
Về tiêu chuẩn chất lượng, hàm lượng, khối lượng và thể tích
Các hành vi buôn bán mỗi loại thuốc:
+ Không đạt một trong các tiêu chuẩn chất lượng về: cảm quan, lý hóa, độ nhiễm khuẩn, vô khuẩn theo hồ sơ đã đăng ký và được phê duyệt.
+ Hàm lượng thuốc vượt mức giới hạn cho phép là ±10% so với hàm lượng ghi trên nhãn. Hoặc hàm lượng men vi sinh thấp hơn 90% so với hàm lượng ghi trên nhãn đối với sản phẩm thuốc thú y có chứa men vi sinh.
+ Khối lượng tịnh, thể tích thực vượt mức giới hạn cho phép đã ghi trên nhãn thuốc mà đã đăng ký và được phê duyệt.
Sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 – 6.000.000 đồng[7]
Về hoạt chất, hình thức và tiêu chuẩn
Với mỗi loại thuốc thú y dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 – 8.000.000 đồng.[8]
+ Có hoạt chất không đúng như đã đăng ký và được phê duyệt; không có hoạt chất hoặc thiếu hoạt chất chính ghi trên nhãn
+ Hình thức bị biến đổi như: vón cục, vẩn đục, biến đổi màu, lắng cặn, phân lớp, biến dạng.
+ Không đáp ứng một trong ba tiêu chuẩn với vắc xin đó là vô trùng hoặc thuần khiết, an toàn, hiệu lực.
Về nguyên liệu làm thuốc thú y
+ Bán mỗi loại nguyên liệu làm thuốc thú y cho cơ sở không đủ điều kiện theo quy định.
+ Bán mỗi loại nguyên liệu làm thuốc thú y hoặc nguyên liệu làm thuốc y tế hoặc thuốc y tế cho cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Có mức phạt tiền từ 20.000.000 – 25.000.000 đồng[9]
Thuốc thú y không được phép lưu hành hoặc chưa được cho phép
Bán mỗi loại thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép:[10]
+ Có giá trị dưới 200.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng.
+ Có có giá trị từ 200.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 12.000.000 – 15.000.000 đồng.
Thuốc thú y bị cấm sử dụng
Bán mỗi loại thuốc thú y có trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam:[11]
+ Có giá trị dưới 100.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính có giá trị dưới 50.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 25.000.000 – 30.000.000 đồng.
+ Có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 30.000.000 – 40.000.000 đồng.
Xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả: sẽ tương ứng với từng hành vi vi phạm
– Xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề thú y.[12]
– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi, tái chế, tiêu hủy; buộc tiêu hủy nguyên liệu; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.[13]
* Xử lý hình sự
Đó là Tội buôn bán hàng giả là thuốc thú y[14]
– Với cá nhân sẽ có mức phạt tiền tối đa là 1.000.000.000 đồng[15] và phạt tù tối đa là 20 năm tù[16]. Mức phạt sẽ tương ứng theo số lượng tương đương của hàng giả với hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá. Hoặc dựa vào mức độ gây thiệt hại về tài sản hoặc số tiền từ thu lợi bất chính. Còn dựa vào các một trong các hành vi như sau:[17]
+ Có tổ chức
+ Có tính chất chuyên nghiệp
+ Tái phạm nguy hiểm
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
+ Buôn bán qua biên giới
– Với tổ chức cũng tương tự như cá nhân; mức phạt tiền tối thiểu là 1.000.000.000 đồng[18] và tối đa là 15.000.000.000 đồng[19]. Hoặc bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn hoặc là vĩnh viễn. Do vậy, mức phạt sẽ tương ứng theo số lượng tương đương của hàng giả với hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá. Hoặc dựa vào mức độ gây thiệt hại về tài sản hoặc số tiền từ thu lợi bất chính. Hoặc một trong các hành vi như sau:
+ Có tổ chức
+ Có tính chất chuyên nghiệp
+ Tái phạm nguy hiểm
+ Buôn bán qua biên giới
Và Tội buôn bán hàng cấm.[20]
Nghĩa là buôn bán các loại thuốc thú y mà chưa được cấp phép lưu hành, chưa được phép sử dụng hoặc bị cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng. Tùy theo hành vi vi phạm sẽ có mức phạt tương ứng đối với cá nhân và tổ chức.
Cá nhân: Mức phạt tiền tối thiểu là 100.000.000 đồng và tối đa là 3.000.000.000 đồng; mức phạt tù tối đa là 15 năm tù.[21]
Tổ chức: Mức phạt tiền tối thiểu là 1.000.000 đồng và tối đa là 9.000.000 đồng. Ngoài ra, có những trường hợp tổ chức sẽ phải bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn hoặc vĩnh viễn.[22]
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Thông tin từ Báo Thanh niên
[2] Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP: Good Manufacturing Practice) là những nguyên tắc, quy định, hướng dẫn về Điều kiện sản xuất thuốc nhằm bảo đảm sản phẩm thuốc đạt tiêu chuẩn chất lượng (Điều 3.1 NĐ 35/2016)
[3] Thông tin từ Báo Nông nghiệp
[4] Điều 13 NĐ 35/2016
[5] Điều 36.1 NĐ 90/2017
[6] Điều 2.10.b NĐ 04/2020 sửa đổi, bổ sung “Điều 36 .5.b NĐ 90/2017”
[7] Điều 36.1.a, b, c NĐ 90/2017
[8] Điều 36.2.a, b, c, d NĐ 90/2017
[9] Điều 36.4 NĐ 90/2017
[10] Điều 10.2.a NĐ 04/2020 sửa đổi, bổ sung “Điều 36.3 NĐ 90/2017”
[11] Điều 10.2.b NĐ NĐ 04/2020 sửa đổi, bổ sung “Điều 36.5 NĐ 90/2017”
[12] Điều 36.6 NĐ 90/2017
[13] Điều 36.7.a, b, c NĐ 90/2017 và Điều 2.10.c bổ sung “Điều 36.7.d NĐ 90/2017”
[14] Điều 195 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[15] Điều 195.1 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[16] Điều 195.4 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[17] Điều 195.1,2,3,4 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[18] Điều 195.6.a Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[19] Điều 195.6.d Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[20] Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[21] Điều 190.1, 2, 3 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[22] Điều 190.5.a, b, c, d Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)