Tung tin đồn sai sự thật về doanh nghiệp khác có bị phạt?

Tung tin đồn sai sự thật về doanh nghiệp khác có bị phạt?

Tung tin đồn sai sự thật về doanh nghiệp khác có bị phạt?

Tình huống: Tôi là nhân viên tại công ty cổ phần ABC, chúng tôi có sở hữu một chuỗi nhà hàng, quán ăn tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi xin trình bày vấn đề cụ thể với Luật sư như sau: Theo tôi tìm hiểu và biết được, X và Y là hai cá nhân cũng có mở tiệm kinh doanh quán ăn. Tuy nhiên, để đạt được lợi nhuận nhiều hơn cho bản thân mình, 2 người này đã tung lên mạng xã hội tin đồn thất thiệt về công ty chúng tôi đó là: “Tuần trước, khi đến ăn tại một quán ăn thuộc chuỗi nhà hàng của ABC, chúng tôi đã phát hiện đầu bếp chế biến đồ ăn mất vệ sinh, đồ ăn có ruồi nhặng bu vào.” Tin đồn này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của chuỗi nhà hàng chúng tôi. Mong Luật sư tư vấn cho tôi những thắc mắc sau: Liệu hành vi nêu trên của X và Y có được xem là vi phạm Luật Cạnh tranh không? Nếu có thì họ sẽ bị xử lý ra sao? Công ty chúng tôi có thể làm đơn khiếu nại vấn đề này lên cơ quan nhà nước không? Và nếu có thể thì chúng tôi khiếu nại tại cơ quan nào?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến cho Luật Nghiệp Thành. Với những câu hỏi trên, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:

Theo thống kê của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thì tính đến hết năm 2018 đã có gần 400 hồ sơ khiếu nại liên quan đến cạnh tranh. Trong đó, các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh chiếm phần đa và thường diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: Tiết lộ bí mật về kinh doanh, công nghệ của doanh nghiệp khác; Cung cấp thông tin không trung thực; Lôi kéo khách hàng bất chính (Ví dụ như: So sánh về hàng hóa, dịch vụ của mình với doanh nghiệp khác; Bán hàng hóa dưới giá thành toàn bộ, theo kiểu “phá giá” nhằm loại bỏ doanh nghiệp khác khỏi thị trường,…);

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Về bản chất, hành vi cạnh tranh không lành mạnh bao gồm những hành vi trái với các chuẩn mực trung thực và lành mạnh trong các quan hệ thương mại. Chúng không những gây ảnh hưởng đến uy tín, thiệt hại về tài chính đối với doanh nghiệp khác (chủ yếu đối với các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng và trật tự quản lý nhà nước[1].

Các đặc điểm của hành vi cạnh tranh không lành mạnh:

Về chủ thể: Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh do các cá nhân, tổ chức đang tham gia, tiến hành các hoạt động kinh doanh trên thị trường thực hiện nhằm vào mục đích lợi nhuận. Và để mang về lợi nhuận, các cá nhân, doanh nghiệp đó có thể thực hiện các hành vi không lành mạnh đối với đối thủ của mình trên thị trường nhằm tranh giành khách hàng cũng như thị phần.

Về bản chất: Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi trái với nguyên tắc về đạo đức kinh doanh. Đi ngược lại với các quy tắc xử sự chung mà đã được chấp nhận một cách rộng rãi và lâu dài trong hoạt động kinh doanh trên thị trường.

Về đối tượng tác động: Hành vi cạnh tranh bị kết luận là không lành mạnh và cần phải ngăn chặn khi nó gây thiệt hại hoặc có khả năng gây thiệt hại cho người khác. Ở đây có thể kể đến hai đối tượng bị tác động và ảnh hưởng chủ yếu là:

+ Nhóm các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hành vi cạnh tranh không lành mạnh:Hầu hết là các doanh nghiệp được xem là đối thủ cạnh tranh trên thị trường kinh doanh của các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm.

+ Đối tượng là người tiêu dùng: Nhóm này bao gồm những người tiêu dùng nằm trong đối tượng người tiêu dùng có nhu cầu và khả năng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ lớn.

Về hậu quả: Không những có thể gây ảnh hưởng đến uy tín, thiệt hại về tài chính đối với doanh nghiệp khác (chủ yếu đối với các doanh nghiệp là đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng và trật tự quản lý nhà nước [2].

Phần trả lời câu hỏi của bạn đọc:

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

1) Liệu hành vi nêu trên của X và Y có được xem là vi phạm Luật Cạnh tranh không?

– X và Y đã tung lên mạng xã hội tin đồn: “Tuần trước, khi đến ăn tại một quán ăn thuộc chuỗi nhà hàng của ABC, chúng tôi đã phát hiện đầu bếp chế biến đồ ăn mất vệ sinh, đồ ăn có ruồi nhặng bu vào.” về công ty của bạn nhằm vào mục đích làm cho ABC bị mất uy tín, kéo theo đó là dần bị hạn chế số lượng khách hàng. Đồng thời, thu hẹp thị phần của công ty bạn.

– Do đó, hành vi trên của X và Y được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và đã vi phạm pháp luật về cạnh tranh. Cụ thể là đã cố ý tạo tin đồn thất thiệt, cung cấp thông tin không trung thực về công ty của bạn trên mạng xã hội. Từ đó, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính cũng như hoạt động kinh doanh của ABC[3].

2) Nếu hành vi của X và Y vi phạm pháp luật cạnh tranh thì họ sẽ bị xử lý ra sao?

– Đối với hành vi trực tiếp đưa ra thông tin không trung thực về công ty của bạn của X và Y có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 150 triệu đồng[4].

Lưu ý: Nếu đối tượng vi phạm trong trường hợp này là tổ chức thì mức phạt tiền sẽ từ 200 triệu đến 300 triệu đồng[5].

– Bên cạnh việc bị áp dụng hình thức phạt tiền nêu trên thì X và Y còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung sau đây:

+ X và Y có thể bị tịch thu phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm (Ví dụ như điện thoại, máy tính hoặc phương tiện nào khác mà X và Y sử dụng để tung tin đồn thất thiệt nêu trên)[6];

+ Nếu việc tung tung đồn xấu về công ty cổ phần ABC đem lại một khoản lợi nhuận cho X và Y thì khoản lợi nhuận bất hợp pháp đó sẽ bị tịch thu[7].

+ Đồng thời, X và Y phải tiến hành xin lỗi, cải chính công khai đối với tin đồn sai lệch nêu trên[8].

– Ngoài ra, X và Y còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với những tổn thất về tài chính cũng như những ảnh hưởng đến uy tín của ABC trên thị trường. Theo tinh thần của pháp luật dân sự thì mức bồi thường này sẽ do các bên thỏa thuận với nhau. Trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận thì mức bồi thường tối đa đối với mỗi người sẽ không quá 10 lần mức lương cơ sở[9] (Cụ thể mức bồi thường không quá 14.900.000 đồng/người)[10].

3) Công ty cổ phần ABC có thể khiếu nại vấn đề này lên cơ quan nhà nước không? Và nếu được thì sẽ phải khiếu nại tại cơ quan nào?

Công ty của các bạn hoàn toàn có thể làm đơn khiếu nại về vấn đề này lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia[11].

– Hồ sơ khiếu nại bao gồm các giấy tờ sau:

  1. Đơn khiếu nại theo Mẫu[12];
  2. Các giấy tờ, tài liệu hoặc những thứ khác có thể được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh các nội dung khiếu nại của công ty bạn là có căn cứ và hợp pháp[13];
  3. Các thông tin, chứng cứ liên quan khác mà công ty ABC cho rằng chúng thật sự cần thiết để có thể giải quyết vụ việc[14].

Lưu ý: Khoảng thời gian cho phép để các bạn có thể khiếu nại lên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia về hành vi của X và Y là 3 năm, kể từ ngày 2 người trên bắt đầu thực hiện hành vi vi phạm (tức là hành vi tung tin đồn sai sự thật về ABC trên mạng xã hội)[15].

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Tung tin đồn sai sự thật về doanh nghiệp khác có bị phạt?”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 

 

[1] Điều 3.6 Luật Cạnh tranh 2018

[2] Điều 3.6 Luật Cạnh tranh 2018

[3] Điều 45.3 Luật Cạnh tranh 2018

[4] Điều 4.5 Nghị định 75/2019/NĐ-CP

[5] Điều 18.2 Nghị định 75/2019/NĐ-CP

[6] Điều 18.4.(a) Nghị định 75/2019/NĐ-CP

[7] Điều 18.4.(b) Nghị định 75/2019/NĐ-CP

[8] Điều 18.5 Nghị định 75/2019/NĐ-CP

[9] Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015

[10] Điều 4.8 Nghị quyết 70/2018/QH14

[11] Điều 77.1 Luật Cạnh tranh 2018

[12] Điều 77.3.(a) Luật Cạnh tranh 2018, Mẫu MĐ-1 ban hành kèm Quyết định số 17/2006/QĐ-QLCT của Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh

[13] Điều 77.3.(b) Luật Cạnh tranh 2018

[14] Điều 77.3.(c) Luật Cạnh tranh 2018

[15] Điều 77.2 Luật Cạnh tranh 2018

 

 

Document
Categories: Doanh nghiệp
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*