Trở lại quốc tịch Việt Nam

Trở lại quốc tịch Việt Nam

Trở lại quốc tịch Việt Nam

Không chỉ vấn đề nhập tịch được tiếp cận theo hướng cởi mở hơn, Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 cũng nới lỏng những điều kiện để các cá nhân có mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam. Vậy quy định về việc trở lại quốc tịch đổi mới như thế nào? Hãy theo dõi bài viết dưới đây để có được thông tin chi tiết!

Trở lại quốc tịch Việt Nam là thủ tục dành cho những cá nhân đã mất quốc tịch Việt Nam nhưng nay có nhu cầu, nguyện vọng được khôi phục lại quốc tịch này. Việc cho phép trở lại quốc tịch sẽ được Nhà nước xem xét, quyết định trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành.

1. Thế nào là mất quốc tịch Việt Nam?[1]

Người mất quốc tịch Việt Nam là người thuộc một trong các trường hợp sau:

– Người được thôi quốc tịch Việt Nam[2]

  • Là công dân Việt Nam có đơn xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài và đã được chấp thuận.
  • Việc xin thôi quốc tịch sẽ không được giải quyết nếu người đó thuộc các trường hợp chưa được hoặc không được thôi quốc tịch Việt Nam.

– Người bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam

– Người bị tước quốc tịch Việt Nam[3]

  • Là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài hoặc người đã nhập quốc tịch Việt Nam mà thực hiện hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của Việt Nam.

– Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ[4]

  • Trẻ em trong trường hợp khi chưa đến 15 tuổi đã tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài, hoặc tìm thấy cha hoặc mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch nước ngoài thì sẽ mất quốc tịch Việt Nam.

– Người mất quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc theo cha hoặc mẹ[5]

  • Nếu cha mẹ cùng thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng với cha mẹ cũng mất quốc tịch Việt Nam, nếu cha mẹ không có yêu cầu khác.
  • Nếu chỉ cha hoặc mẹ thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sinh sống cùng người đó cũng có thể mất quốc tịch Việt Nam, nếu có sự thoả thuận bằng văn bản của cha mẹ.
  • Trường hợp con từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi, việc mất quốc tịch trong hai trường hợp trên phải được sự đồng ý bằng văn bản của con.

– Người mất quốc tịch Việt Nam theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

2. Điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam[6]

Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi năm 2025, người đã mất quốc tịch Việt Nam có thể được xem xét cho trở lại quốc tịch nếu đáp ứng các điều kiện sau:

Điều kiện 1. Có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Điều kiện 2. Thuộc một trong các trường hợp sau:

(1) Xin hồi hương về Việt Nam

(2) Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam

(3) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam

(4) Có lợi cho Nhà nước Việt Nam

(5) Thực hiện đầu tư tại Việt Nam:

Phải có dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư đó.[7]

(6) Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài nhưng không được nhập quốc tịch đó.

Điều kiện 3. Việc trở lại quốc tịch Việt Nam không làm phương hại đến lợi ích quốc gia

Điều kiện 4. Phải lấy lại tên gọi Việt Nam trước đây

Tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

*Lưu ý: Nếu người bị tước quốc tịch Việt Nam xin trở lại quốc tịch này thì sau ít nhất 5 năm kể từ ngày bị tước quốc tịch, họ mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

3. Trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời muốn giữ quốc tịch nước ngoài[8]

Quy định này được sửa đổi cởi mở hơn đối với các đối tượng đa quốc tịch. So với quy định trước đây, Luật sửa đổi 2025 đã gỡ bở những yếu cầu khắt khe về nhân thân hoặc công lao của đối tượng này, thay vào đó chỉ cần đáp ứng các điều kiện sau:

i) Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó;

ii) Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam;

iii) Được Chủ tịch nước cho phép

Ngoài ra, quy định về tên gọi cũng được chỉnh sửa để phù hợp với người song tịch, theo đó luật mới cho phép họ có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam với tên nước ngoài, và tên gọi này phải được ghi rõ trong Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

Luật Quốc tịch sửa đổi năm 2025 thể hiện sự cởi mở và linh hoạt trong chính sách quốc tịch của Việt Nam. Luật không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập tịch mà còn nới lỏng các điều kiện để cá nhân đã mất quốc tịch Việt Nam có thể dễ dàng trở lại quốc tịch. Những thay đổi này giúp người Việt Nam ở nước ngoài gắn kết hơn với quê hương, đồng thời thu hút nguồn lực, trí tuệ và tình cảm của cộng đồng kiều bào hướng về Tổ quốc.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Trở lại quốc tịch Việt Nam

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích, hãy cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung từ quý độc giả.

 

Biên tập: Nguyễn Thuý Anh Thư

Người duyệt: Nguyễn Linh Chi

 

[1] Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi năm 2014, Điều 1.11 Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2025

[2] Điều 27 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi năm 2014

[3] Điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi năm 2014

[4] Điều 18 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014

[5] Điều 35 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014, Điều 1.16 Luật sửa đổi Luật Quôc tịch Việt Nam 2025

[6] Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam sửa đổi 2014, Điều 1.8 Luật sửa đổi Luật Quôc tịch Việt Nam 2025

[7] Điều 13 Nghị định 16/2020/NĐ-CP

[8] Điều 1.8 Luật sửa đổi Luật Quôc tịch Việt Nam 2025

Document

Views: 0

Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*