Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động

Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động

Tình huống thực tế tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động: Ông Phạm Anh T (Ông T) có làm việc cho công ty TNHH MTV Sản Xuất Thương Mại V (Công ty V) từ tháng 3/2016 với mức lương là 3.900.000 đồng nhưng không ký HĐLĐ. Đến 8/2016, trong lúc đang làm việc tại Cơ sở 2 Công ty V thì bị tai nạn lao động do mấy dập lỗ đè chết. Sau khi ông T chết, công ty V đã bồi thường cho gia đình ông T 206.000.000 đồng nhưng không nêu rõ là bồi thường khoản nào. Ngày 12/4/2018, Bà Trần Thị Ngọc B (vợ ông T) đã khởi kiện ra Tòa Án yêu cầu công ty V trả tiền tuất hàng tháng cho nhân thân của ông T tính từ 8/2016 với tiền tuất hàng tháng bằng 50% mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng, gồm:

  • Phạm Trần Ngọc H là con ông T cho đến khi 18 tuổi.
  • Phạm Thị L là mẹ ruột ông T cho đến khi chết.
  • Trần Thị B là mẹ vợ ông T cho đến khi chết.
  • Trần Văn H là cha vợ ông T cho đến khi chết.

Trong tổng số 206.000.000 đồng sau khi trừ đi các khoản bồi thường, trợ cấp theo quy định thì còn số tiền dư là 32.333.260 đồng.

Theo bản tự khai thì bà L đang sống 1 mình, không người chăm sóc. Bà B và ông H có thu nhập mỗi tháng là 150.000 đồng/tháng. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà Ngọc B đã rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc công ty V không phải trả tiền tuất hàng tháng cho bà L, ông H và bà B mà chỉ yêu cầu trả tiền tuất hàng tháng cho con là cháu H cho đến khi 18 tuổi.

Ý kiến của công ty V về yêu cầu của bà Ngọc B: Công ty chỉ đồng ý trả tiền tuất 1 lần cho cháu H với số tiền 5.000.000 triệu đồng.

Phán quyết của Tòa án:

Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn về việc trả tiền tuất hàng tháng cho cháu H cho đến khi cháu H đủ 18 tuổi với số tiền là 50% mức lương 1.300.000 đồng.

Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc Bích về việc trả trợ cấp tuất hàng tháng cho bà L, ông H, bà B.

Bình luận

Document

Trong quá trình lao động, tai nạn lao động xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Cách duy nhất để hạn chế vấn đề này là ý thức, trách nhiệm của NSDLĐ trong việc đảm bảo an toàn lao động cho chính nhân viên của mình như trang bị các phương tiện bảo hộ, xây dựng quy định an toàn lao động trong công ty… Tuy nhiên, khi một tai nạn lao động đã xảy ra thì NSDLĐ phải có trách nhiệm đối với người lao động của chính mình. Bạn có thể tham khảo bài viết Trách nhiệm NSDLĐ đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà Luật Nghiệp Thành đã chia sẻ trên trang tuvanluat.vn.

Không phải tai nạn nào xảy ra đối với NLĐ cũng được xem là tai nạn lao động mà NLĐ bị tai nạn lao động trong một số trường hợp mới được hưởng chế độ tai nạn lao động[1]. Ông T làm việc tại cơ sở 2 của công ty V, trong quá trình lao động, ông T đã bị máy dập lỗ đè chết. Xác định nguyên nhân là do công ty V không xây dựng quy trình an toàn lao động nằm đảm bảo chống ngãn cho máy dập lỗ và hướng dẫn NLĐ trong việc đảm bảo an toàn. Do đó, trường hợp của ông T được xem là tai nạn lao động. Khi bị tai nạn lao động thì NLĐ có qyền được hưởng các chế độ theo như quy định pháp luật hiện hành. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động để nắm rõ hơn về nội dung này.

Ở tình huống trên, Công ty V nhận ông T vào làm việc nhưng không ký kết HĐLĐ dẫn đến công ty chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho ông T từ tháng 3/2016 đến tháng 8/2016. Ngày 11/8/2016, ông T bị tai nạn lao động dẫn đến tử vong ngay trong thời gian làm việc cho công ty V, do đó cơ quan BHXH sẽ không có trách nhiệm chi trả trợ cấp cho ông T mà trách nhiệm này sẽ do công ty V chi trả cho ông T và gia đình ông T như sau[2]:

  • Đồng chi trả những chi phí trong danh mục BHYT đã chi trả và chịu những chi phí phát sinh không nằm trong danh mục BHYT chi trả trong quá trình ông T vào viện cấp cứu. Nếu ông T không tham gia BHYT thì công ty V phải chịu toàn bộ những chi phí y tế cấp cứu cho ông T.
  • Do công ty V chưa đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN cho ông T dẫn đến công ty V phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động. Theo đó, công ty V có trách nhiệm chi trả cho thân nhân ông T thêm trợ cấp một lần bằng 36 tháng lương cơ sở tính tại thời điểm ông T chết (tháng 8/2016).
  • Trợ cấp mai táng bằng 10 lần tháng lương cơ sở.
  • Thân nhân của ông T được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.
  • Bồi thường cho nhân thân của ông T ít nhất 30 tháng tiền lương.

Trong đó, mức lương cơ sở tại thời điểm bà Ngọc B yêu cầu khởi kiện là 1.300.000 đồng[3]. Thân nhân được hiều là[4]:

Công ty V đã bồi thường cho nhân thân ông T khoản tiền là 206.000.000 đồng. Trong đó khoản tiền dư sau khi trừ đi trợ cấp mai táng, bồi thường ít nhất 30 tháng lương và trợ cấp 1 lần là 36 tháng lương cơ sở thì số tiền còn dư là 32.333.260 đồng. Đồng thời với yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc B, công ty V không đồng ý và chỉ đồng ý trả tiền hỗ trợ cho cháu H là 5.000.000 đồng.

Đối chiếu với trách nhiệm của NSDLĐ nêu trên thì công ty V chưa chi trả trợ cấp tuất hàng tháng cho nhân thân của ông T. Theo khai báo, ông T có thân nhân là bà B (mẹ vợ) và ông H (cha vợ) trên 60 tuổi có thu nhập bình quân là 150.000 đồng/tháng, bà L (mẹ ruột) 60 tuổi, cháu H 5 tuổi và vợ 25 tuổi. Bà L, bà B và ông H nếu như ông T có nuôi dưỡng thì sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định. Vợ ông T, do chưa đáp ứng điều kiện nên không được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng. Riêng đối với cháu H chỉ mới 5 tuối, chưa đủ 18 tuổi nên cháu H sẽ được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng do công ty V chu cấp.

Mức hưởng trợ cấp tuất hàng tháng đối với cháu H bằng 50% mức lương cơ sở[5]. Tại thời điểm nộp đơn khởi kiện, mức lương cơ sở là 1.300.000 đống/tháng. Tại thời điểm xét xử, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, tại thời điểm xét xử, bà Ngọc B đã rút 1 phần yêu cầu khởi kiện về việc không yêu cầu công ty V trả trợ cấp tuất hàng tháng cho bà B, bà L, ông H nữa. Còn số tiền làm căn cứ trả trợ cấp tuất hàng tháng cho cháu H, bà Ngọc B vẫn giữ nguyên ở mức 1.300.000 đồng. Do bà L, bà B, ông H không có yêu cầu độc lập khác cho nên phán quyết của Tòa án đưa ra chấp thuận yêu cầu của chị Ngọc B là hợp lý. Buộc công ty V phải chi trả trợ cấp tuất hàng tháng cho cháu H đến khi cháu H đủ 18 tuổi. Số tiền dư 32.333.260 đồng sẽ được cấn trừ vào trợ cấp hàng tháng mà công ty V có nghĩa vụ đối với cháu H.

Trong tình huống trên, ta thấy rằng tổng tất cả các chi phí mà công ty V phải chi trả trợ cấp tuất hàng tháng cho cháu H (5 tuổi)  đến khi đủ 18 tuổi sẽ vào khoảng 100 triệu đồng cộng với các khoản trợ cấp, bồi thường khác nữa thì công ty V cũng phải chi trả 1 số tiền khá lớn cho một tai nạn lao động. Nguyên nhân bồi thường và chi trả trợ cấp ở đây đều là do công ty V chưa thực hiện đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ, tham gia BHTNLĐ – BNN cho NLĐ của công ty dẫn đến khi có tai nạn lao động xảy ra thì mọi trách nhiệm công ty V đều phải chịu hết. Ngoài ra, khi không đóng BHXH, công ty V còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về vấn đề này. Mức phạt do cá nhân không đóng BHXH ở mức từ 18%-20%  tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt này sẽ tăng gấp đôi[6]. Do đó, để hạn chế rủi ro trong tai nạn lao động và những tranh chấp xảy ra thì ngay từ ban đầu, NSDLĐ cũng như những NLĐ khác phải thực hiện đảm bảo an toàn lao động trong chính doanh nghiệp, NSDLĐ tham gia BHXH, BHTN đầy đủ và trang bị các thiết bị bảo hộ lao động tại nơi NLĐ làm việc, xây dựng quy trình an toàn lao động, tập huấn định kỳ kỹ năng xử lý trong những tình huống tai nạn cơ bản xảy ra, tuyên truyền cho NLĐ cần phải có ý thức đảm bảo an toàn lao động cho chính mình.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về vấn đề tranh chấp bồi thường thiệt hại do tai nạn lao động.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Trần Thị Duyên

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 142 BLLĐ 2012

[2] Điều 144, 145 BLLĐ 2012, Điều 66 LBHXH 2014, Điều 53 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015

[3] NĐ 47/2017

[4] Điều 67 Luật BHXH 2014

[5] Điều 68 Luật BHXH 2014

[6] Điều 3, điều 26 NĐ 95/2013

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*