Trách nhiệm tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường
Trách nhiệm tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường
Môi trường là sự kết hợp giữa yếu tố về tự nhiên (như đất, nước, không khí, ánh sáng) và yếu tố vật chất nhân tạo (như khu dân cư, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử). Các yếu tố gắn kết mật thiết với nhau và bao quanh con người. Không những vậy, môi trường còn ảnh hưởng tới đời sống sản xuất, sự tồn tại và phát triển của con người và thiên nhiên. Vì tính quan trọng của môi trường đến con người và “mẹ thiên nhiên” nên thông qua bài viết sau Luật Nghiệp Thành sẽ phân tích trách nhiệm tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường.
Chương trình giáo dục đào tạo luôn có sự lồng ghép giữa kiến thức, trách nhiệm, ý thức của con người trong việc bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, với mục tiêu bồi dưỡng, định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ[1]. Bởi lẽ, công tác bảo vệ không phải thực hiện trong một thời gian ngắn nhất định, cũng không phải do một người thực hiện thì có thể thành công. Công tác này cần phải diễn ra xuyên suốt, thường xuyên trong một khoảng thời gian dài, có thể 100 năm, 200 năm, và được hình thành từ ý thức của một tập thể, một cộng đồng, một đất nước và có thể là tất cả mọi người trên thế giới, thì chúng ta mới có thể thấy được kết quả. Vì thế, giáo dục kiến thức, định hướng tư tưởng là việc quan trọng mà Nhà nước luôn chú trọng nhằm ươm mầm cho một thế hệ biết bảo vệ môi trường sống của con người.
Bên cạnh đó, các cơ quan sau có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với nhau để tuyên truyền pháp luật, truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường:[2]
– Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Bộ, cơ quan ngang Bộ;
– Tổ chức chính trị – xã hội: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Hội cựu binh Việt Nam;
– Cơ quan truyền thông, báo chí;
– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh:
Hằng năm Sở Tài nguyên và Môi trường luôn phối hợp với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền như: hưởng ứng Giờ Trái đất, Ngày khí tượng Thế giới, Ngày nước Thế giới, Ngày môi trường thế giới,…; thu gom rác thải, vệ sinh khu vực công cộng trên địa bàn tỉnh; tập huấn, hội thảo, cuộc thi về bảo vệ môi trường; chiến dịch trồng cây hoặc chiến dịch thu các sản phẩm có thể tái sử dụng (chai nhựa, pin,..); và các hoạt động tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân về việc phân loại rác trước khi thải ra môi trường. Tuy việc tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức được tổ chức ở nhiều hình thức khác nhau nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tồn tại âm ỉ: việc xả rác ở khu vực công cộng vẫn diễn ra, hệ thống xử lý nước thải ở một số khu công nghiệp vẫn chưa hoạt động một cách hiệu quả.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, cơ quan có trách nhiệm tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức là Bộ Tài nguyên và môi trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh,… Tuy nhiên đây chỉ là những cơ quan đại diện để đảm nhận việc tuyên truyền, phổ biến cho cộng đồng, xã hội, chứ không hoàn toàn chịu trách nhiệm, mà nó phải nằm ở ý thức của mỗi cá nhân. Mỗi người đều phải có ý thức và trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho gia đình, tập thể cùng nhau bảo vệ môi trường sống và bảo vệ lấy “mẹ thiên nhiên”.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Trách nhiệm tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 153 Luật Bảo vệ môi trường 2020
[2] Điều 154 Luật Bảo vệ môi trường 2020