Tiền lương và các khoản phụ cấp phải đóng – không đóng bảo hiểm xã hội (làm sao để đóng BHXHT thấp?)
Cập nhật, bổ sung ngày 03/6/2024
HỎI:
Nhờ luật sư tư vấn về các khoản đóng cũng như phải đóng BHXH liên quan đến tiền lương. Xin luật sư cho ví dụ cụ thể về việc xây dựng mức lương và các khoản phụ cấp.
TRẢ LỜI
Hiện nay, dựa trên quỹ tiền lương đóng BHXH do NSDLĐ và NLĐ trích nộp các khoản như sau: BHXH 25,5%, BHYT 4,5%, BHTN 2%, KPCĐ 2%, Qũy BHTNLĐ 1% = 35%. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm được đầy đủ các quy định của pháp luật và xây dựng quy chế tiền lương phụ cấp một cách chi tiết, rõ ràng
1. Các loại hợp đồng lao động nào phải tham gia BHXH[1]:
– HĐLĐ không xác định thời hạn;
– HĐLĐ xác định thời hạn
2. Các loại lương, phụ cấp lương, khoản bổ sung khác phải tham gia BHXH[2]
+ Tiền lương đóng BHXH là mức lương theo công việc hoặc chức danh được NSDLĐ xây dựng thang lương/bảng lương dựa trên cơ sở các bên thống nhất thỏa thuận. Đối với NLĐ hưởng lương theo sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán.[3]
*Luật sư giải thích: Do lương khoán, lương sản phẩm luôn biến động nên không có cơ sở rõ ràng để chốt mức lương cụ thể vào đầu mỗi tháng để xác định BHXH phải nộp, vì vậy ta có thể hiểu cần phải có mức lương cố định cụ thể.
+ Phụ cấp lương phải đóng BHXH gồm: các khoản phụ cấp lương bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ.[4]
Ví dụ: Phụ cấp chức vụ, chức danh. Phụ cấp trách nhiệm. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Phụ cấp thâm niên. Phụ cấp khu vực. Phụ cấp lưu động. Phụ cấp thu hút và các phụ cấp có tính chất tương tự;
Lưu ý: “Các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động” là phụ cấp đánh giá kết quả công việc. Đây là khoản BIẾN ĐỘNG nên khoản phụ cấp lương này không cần đóng BHXH.
+ Các khoản bổ sung khác theo thỏa thuận của hai bên gồm các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong HĐLĐ và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Lưu ý: Đối với khoản bổ sung không được xác định cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận, được trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động; và các chế độ, phúc lợi khác như: tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại; tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;….
*Luật sư giải thích: Nếu lạm dụng các khoản này để giảm đóng BHXH thì sẽ mất đi bản chất của tiền lương. NLĐ sẽ thấy thiếu tôn trọng và không an tâm để làm việc lâu dài.
3. Đánh giá và đề xuất của Luật sư:
– Để nộp BHXH cho mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được thấp thì mình sẽ khiến các khoản này luôn biến động như dựa vào kết quả đánh giá/sản lượng trong quá trình làm việc trong tháng.
– Tuy nhiên nếu khả năng tài chính của DN bạn tốt thì nên thực hiện đóng đầy đủ cho NLĐ, còn không thì cũng nên hỗ trợ chi phí ngoài khi phát sinh liên quan đến chế độ BHXH như chế độ nghỉ thai sản, tai nạn lao động, thất nghiệp,…
VÍ DỤ VỀ VIỆC XÂY DỰNG MỨC LƯƠNG – KHOẢN PHỤ CẤP: ví dụ HĐLĐ quy định mức lương trả cho NLĐ là 8.400.000 đồng
+ Mức lương: Lương thực tế = Lương cơ bản + Lương khoán công việc
– Lương cơ bản: 4.100.000 đồng (dùng để tham gia và hưởng BHXH, BHYT, BHTN, nghỉ phép)
– Lương khoán công việc tối đa: 4.300.000 đồng. Lương khoán công việc được tính như su:
Nếu trong tháng hoàn thành công việc được giao và không vi phạm nội quy công ty sẽ được hưởng 100% lương khoán công việc;
Nếu trong tháng có 01 công việc được giao không hoàn thành hoặc 01 lần vi phạm nội quy công ty sẽ hưởng 95% lương khoán công việc;
Nếu trong tháng có 02 công việc được giao không hoàn thành hoặc 02 lần vi phạm nội quy công ty sẽ hưởng 90% lương khoán công việc;
Nếu trong tháng có từ 02 công việc được giao không hoàn thành hoặc từ 02 lần vi phạm nội quy công ty thì mức lương khoán công việc sẽ được điều chỉnh giảm trong vòng 60% và do giám đốc công ty quyết định;
+ Phụ cấp lương, công tác phí: Theo quy định của công ty
+ Thưởng và các khoản bổ sung khác:
Thưởng các dịp lễ theo quy định gồm Tết dương lịch 1/1; lễ 30/5 và 1/5; lễ 2/9 như sau: Đến ngày nghỉ lễ, người lao động làm việc dưới 03 tháng là 300.000 đồng/người; từ 03 tháng đến 01 năm là 500.000 đồng, từ 01 năm đến 2 năm là 800.000 đồng, trên 02 năm là 1.000.000 đồng. Thưởng hoàn thành xuất sắc công việc: từ 200.000 đồng đến 2.000.000 đồng do giám đốc công ty quyết định. Thưởng cá nhân mang khách hàng về công ty từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hợp đồng tạo ra doanh thu trên 20.000.000 đồng do giám đốc công ty quyết định
+ Tiền lương tháng 13
Chỉ áp dụng đối với người lao động đang làm việc đến cuối năm dương lịch và sẽ tiếp tục làm việc sau đó ít nhất 03 tháng nếu còn thời hạn hợp đồng: sẽ nhận thêm từ 01 đến 03 tháng lương (lương bình quân tháng của cả năm), nếu làm đủ năm; ngược lại nếu làm không đủ năm sẽ tính bình quân theo số tháng năm làm việc của năm; được xác định vào cuối năm dương lịch và nhận vào cuối năm âm lịch hoặc trước ngày 31/3 năm sau.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Tiền lương và các khoản phụ cấp phải đóng – không đóng bảo hiểm xã hội (làm sao để đóng BHXHT thấp?)”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Người bổ sung: Quách Gia Hy
Cập nhật, bổ sung ngày 03/6/2024
[1] Điều 2 Nghị định 115/2015/NĐ-Chính phủ và Điều 20 Bộ luật lao động 2019
[2] Điều 1.26 Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH và Điều 3.5 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH
[3] Điều 30.1 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH và Điều 3.5.(a) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH
[4] Điều 3.5.(b) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH