Tình huống: Hiện tại, tôi là chủ của một công ty cho thuê lại lao động. Anh/chị cho tôi hỏi là việc tôi trả lương người lao động thuê lại thấp hơn mức lương mà bên đối tác trả cho người lao động có được không?
Trả lời:
Dựa theo nội dung câu hỏi mà bạn đã gửi, Luật Nghiệp Thành đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
Cho thuê lại lao động là việc người lao động ký kết hợp đồng lao động và chịu sự điều hành của bên cho thuê lại lao động nhưng lại làm việc cho bên thứ 3 (bên thuê lại lao động)[1].
Hiện tại, công ty bạn đang thực hiện hoạt động cho thuê lại lao động,nên công ty bạn có trách nhiệm trả lương cho những người lao động thuê lại này[2].
Đối với việc trả lương, công ty bạn trả lương cho những người lao động thuê lại tối thiểu phải bằng mức lương của những người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị tương tự[3].
Vì vậy, nếu công ty bạn trả lương cho người lao động thuê lại thấp hơn mức lương mà công ty thuê lại lao động trả cho người lao động của họ có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị tương tự thì công ty bạn đang có hành vi vi phạm về việc trả lương cho người lao động.
Việc pháp luật lao động cấm trả lương thấp hơn như trên đối với công ty cho thuê lại lao động nhằm mục đích đảm bảo công bằng giữa những người lao động với nhau khi làm việc trong cùng môi trường, cùng trình độ và cùng công việc; tránh việc phân biệt đối xử giữa người lao động này.
Trong trường hợp, cơ quan chức năng phát hiện công ty bạn trả lương thấp hơn mức người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ thì sẽ bị xử phạt hành chính với 5 mức phạt khác nhau có số tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tùy thuộc vào số lượng người lao động mà bạn vi phạm việc trả lương và bạn phải hoàn trả lại khoản tiền lương chênh lệch cho những người lao động thuê lại này[4].
Người có thẩm quyền xử phạt là thanh tra lao động và chủ tịch UBND các cấp[5].
Trên đây là nội dung tư vấn về “Tiền lương của người lao động thuê lại”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Phạm Lý Hùng
Cập nhật, bổ sung: ngày 20/10/2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
Cập nhật, bổ sung lần 2: ngày 10/02/2022
Người bổ sung lần 2: Bùi Thị Như
[1] Điều 52.1 Bộ luật Lao động 2019
[2] Điều 56.4 Bộ luật Lao động 2019
[3] Điều 56.4 Bộ luật Lao động 2019
[4] Điều 13.4 Nghị định 12/2022/NĐ-CP
[5] Điều 48, 49 Nghị định 12/2022/NĐ-CP