Xử phạt hành vi trốn thuế hải quan

Xử phạt hành vi trốn thuế hải quan

Xử phạt hành vi trốn thuế hải quan

Xử phạt hành vi trốn thuế hải quan

Trước thực trạng thất thoát thuế hải quan diễn ra ngày càng nhiều. Điển hình như các vụ trốn thuế gần đây theo thông tin của Chi cục Hải quan như vụ của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp P.N (TPHCM), Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn KV 1 đã phát hiện doanh nghiệp này khai báo mã số hàng hoá, thuế suất, dẫn đến thiếu trên 400 triệu đồng tiền thuế. Sau đó, Doanh nghiệp này đã bị xử phạt hành chính số tiền bằng 20% chênh lệch thuế khai thiếu. Hay trường hợp khai sai mã số, thuế suất hàng nhập khẩu của Công ty Cổ phần XNK K.L.P cũng vừa bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện. Hàng hoá vi phạm của công ty này là thép không hợp kim (hàm lượng carbon dưới 0,6% tính theo trọng lượng), có thuế suất thuế nhập khẩu 10%, nhưng doanh nghiệp này khai báo thuế suất chỉ có 0%, dẫn đến thiếu số thuế phải nộp. Trị giá hàng vi phạm trên 2,1 tỷ đồng[1].

Để hạn chế vi phạm cũng như nâng cao mức xử lý đối với hành vi này, ngày 19/10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan sẽ có hiệu lực từ ngày 10/12/2020. Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin cần thiết như sau:

Các hành vi trốn thuế hải quan[2]:

– Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp, không đúng với thực tế giao dịch để kê khai thuế; tự ý tẩy xóa, sửa chữa chứng từ dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu.

– Khai sai mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế đối với những mặt hàng đã được Bộ Tài chính, cơ quan hải quan hướng dẫn mã số hàng hóa, thuế suất, mức thuế theo quy định.

– Vi phạm quy định như khai sai đối tượng không chịu thuế, đối tượng miễn thuế, hàng quản lý theo hạn ngạch thuế quan; Lập và khai không đúng các nội dung trong hồ sơ miễn thuế, hồ sơ xét miễn, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, hồ sơ xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa;…mà cá nhân, tổ chức vi phạm không nộp đủ số tiền thuế phải nộp theo quy định trước thời điểm lập biên bản vi phạm[3] (1).

– Khai sai về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào nội địa (2).

–  Làm thủ tục xuất khẩu nhưng không xuất khẩu sản phẩm gia công; sản phẩm sản xuất xuất khẩu; sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài của doanh nghiệp chế xuất.

– Các hành vi khác theo quy định.

 Hình thức xử phạt:

* Xử phạt hành chính[4]:

Trong nghị định mới ban hành quy định nếu người nộp thuế có hành vi vi phạm như những hành vi đã nêu trên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền như sau:

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

– Phạt 01 lần số tiền thuế trốn trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng.

– Trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mỗi tình tiết tăng nặng mức phạt tăng lên 0,2 lần nhưng không vượt quá 03 lần số tiền thuế trốn.

Quy định về tình tiết tăng nặng giảm nhẹ cụ thể các bạn có thể tham khảo chi tiết tại Điều 9, 10 Luật Xử lý vi phạm Hành chính 2012.

Lưu ý, đây là mức tiền áp dụng chung cho cả cá nhân và tổ chức vi phạm[5].

* Biện pháp khắc phục hậu quả[6]:

Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn đối với hành vi vi phạm quy định.

* Đối với hành vi không có chứng từ để khai bổ sung[7]:

Bên cạnh đó, pháp luật quy định, đối tượng thực hiện hành vi vi phạm tại (1), (2) mà không có chứng từ để khai bổ sung thì xử phạt theo quy định xử phạt xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thực tế không đúng với khai hải quan về lượng, tên hàng, chủng loại mà không có chứng từ để khai bổ sung theo quy định của pháp luật hải quan về khai bổ sung. Tùy theo giá trị của tang vật vi phạm mà có mức phạt tiền khác nhau. Theo đó khung xử phạt như sau:

– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng trong trường hợp tang vật vi phạm có trị giá dưới 30.000.000 đồng đến từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

* Xử phạt hình sự:

Cuối tháng 8-2020, Đội 3, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại cảng Cát Lái liên quan đến vụ xuất lậu phế liệu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Đ.M địa chỉ Hà Nội và chuyển cho Công an TP Hồ Chí Minh điều tra. Theo như thông tin tờ khai hải quan thì Công ty này tháng 6-2019 vừa qua mở tờ khai hải quan khai báo xuất khẩu 5 container chậu gốm đất nung, mới 100%, thuế suất 0%, trị giá hơn 238 triệu đồng. Tuy nhiên, Kết quả điều tra cho thấy toàn bộ hàng hóa chứa trong 5 container là nhôm phế liệu, trọng lượng gần 115 tấn, trị giá trên 3,5 tỷ đồng. Công ty này đã khai báo gian lận để trốn thuế xuất nhập khẩu, với số tiền trốn thuế trên 770 triệu đồng[8]. Đây cũng không phải là vụ đầu tiên bị khởi tố hình sự ở nước ta trong những năm vừa qua về tội trốn thuế.

Như vậy ta có thể thấy, đối với hành vi trốn thuế pháp luật nước ta khá quan tâm và đã đưa ra những hình phạt hết sức răn đe, không chỉ xử phạt về hành chính mà nếu như tính chất, mức độ vi phạm cao bên vi phạm có thể bị xử lý cả về mặt hình sự.

Mức xử lý hình sự theo quy định như sau:

Hình phạtHành vi phạm tội
 

 

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm[9]

 

Theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành, mức phạt này áp dụng đối với người nào thực hiện một trong các hành vi như khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan; cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,… những hành vi khác theo quy định để trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội pháp luật quy định tại Bộ luật hình sự mà chưa được xóa án tích còn vi phạm.
Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm[10]Đối với trường hợp phạm tội như phạm tội có tổ chức; số tiền trốn thuế từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng,… và các hành vi khác theo quy định của luật.
Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 4.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm[11].Phạm tội trốn thuế với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên.

Bên cạnh đó, Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản[12].

Đối với tổ chức phạm, các bạn có thể tham khảo chi tiết tại Điều 1.47.b Bộ luật hình sự sửa đồi 2017.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Xử phạt hành vi trốn thuế hải quan”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Tham khảo: Cục Hải Quan thành phố Hồ chí Minh (2020), Bài viết “Nhập nhèm khai báo, gian lận thuế tiền tỷ” của Lê Thu.

[2] Điều 14.1 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[3] Điều 9.1.b, 9.1.c, 9.1.d và 14.1.c Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[4] Điều 14.2 Nghị định 128/2020.

[5] Điều 5.3.c Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[6] Điều 14.3 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[7] Điều 14.5, 11.8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

[8] Tham khảo Trang thông tin điện tử Công an tỉnh Điện Biên (09/2020), Bài viết “Khai báo gian lận để trốn thuế xuất nhập khẩu” Phú Lữ – Thu Lê.

[9]  Điều 1.47.a Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2017.

[10] Điều 200.2 Bộ luật hình sự 2015.

[11] Điều 200.3 Bộ luật Hình sự 2015.

[12] Điều 200.4 Bộ luật Hình sự 2015.

Document
Categories: Thuế

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*