Thủ tục nhập, tách hộ gia đình

Thủ tục nhập, tách hộ gia đình

Thủ tục nhập, tách hộ gia đình

Bên cạnh những thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, Luật Cư trú 2020 còn điều chỉnh quy định về thủ tục nhập, tách hộ gia đình.

Cùng Luật Nghiệp Thành bàn về Thủ tục nhập, tách hộ gia đình nhé!

 1.Hộ gia đình là gì?

Hộ gia đình là người thân trong nhà (ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột, con cháu) cùng chung một sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.[1]

Chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình do các thành viên thống nhất chọn ra và chủ hộ phải đủ 18 tuổi và không mắc các bệnh tâm thần, nghiện, khó khăn trong nhận thức. Nếu không thống nhất được thì Tòa sẽ chỉ định chủ hộ.[2]

Lưu ý:

  • Hộ gia đình có thể có một hoặc nhiều người.
  • Cùng một chỗ ở có thể có nhiều hộ gia đình thường trú, tạm trú.[3]

Ví dụ: bà nội bạn (hộ gia đình một người) không chung sổ hộ khẩu với gia đình bạn (gồm ba mẹ, anh trai và bạn) nhưng vẫn có thể chung sống trong cùng 1 căn nhà.

  • Không bắt buộc bạn là người thân thì mới thuộc hộ gia đình: các trường hợp bạn thuê trọ, mượn, ở nhờ hoặc các trường hợp ở tại chùa chiền và được chủ trọ, Thượng tọa,… đồng ý cho ở thì bạn chung hộ gia đình với những người đó.[4]

Luật Cư trú 2020 không phân chia việc đăng ký thường trú, tạm trú theo địa điểm là tỉnh hay thành phố. Chính vì vậy, việc tách, nhập hộ gia đình của những người không phải là người thân trong gia đình trở nên dễ dàng hơn về quy trình và thủ tục, khi có thể đáp ứng được điều kiện về đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi không phải thuộc sở hữu của mình.

2.Nhập hộ gia đình

Nhập hộ là gia nhập, trở thành một thành viên trong hộ gia đình đó bằng cách đăng ký thường trú, tạm trú vào cùng hộ gia đình đó.

Document

Xem thêm Thủ tục đăng ký thường trú

Xem thêm Thủ tục đăng ký tạm trú

3.Tách hộ gia đình

Tách hộ là việc bạn không còn là thành viên của hộ gia đình, bạn chính thức có một sổ hộ khẩu, sổ tạm trú riêng của mình.

Tuy nhiên, trường hợp bạn tách hộ để i) Đăng ký thường trú; ii) Nơi đăng ký thường trú trùng với nơi hộ gia đình bạn muốn tách ở thì bạn cần phải đáp ứng các điều kiện sau mới được tách hộ[5]:

  • Từ đủ trên 18 tuổi và không mắc các bệnh về tâm thần, nghiện, khó khăn trong nhận thức. (Hay theo luật gọi là năng lực hành vi dân sự đầy đủ)
  • Được chủ hộ đồng ý tách, chủ sở hữu chỗ ở đồng ý cho ở.

Duy chỉ có một trường hợp không cần đáp ứng yêu cầu (2) là: hai vợ chồng đã ly hôn nhưng vẫn sống chung nhà. Nghĩa rằng, vợ/chồng sau khi ly hôn nếu không chia tài sản chung là nhà thì vẫn sử dụng nhà đó mà không cần xin ý kiến người còn lại.

  • Nơi thường trú không phải là địa điểm pháp luật cấm (lấn chiếm trái phép, chỗ ở bị tịch thu theo quyết định,…).

Như vậy, việc bạn không muốn cùng sổ hộ khẩu hay sổ tạm trú, bạn có thể thực hiện thủ tục tách hộ. Duy chỉ có trường hợp bạn muốn tách sổ hộ khẩu mà nơi ở khi tách trùng với nơi ở khi chưa tách thì phải đáp ứng các điều kiện mình đề cập ở trên.

3.1. Hồ sơ tách hộ

Hồ sơ bao gồm:

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
  • Văn bản ý kiến đồng ý cho tách của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp (hoặc ghi rõ ý kiến trong tờ khai).

Lưu ý trường hợp: Vợ chồng đã ly hôn nhưng không chia tài sản chung là nhà

  • Tờ khai thay đổi thông tin cư trú.
  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn.
  • Giấy tờ chứng minh không chia tài sản chung là nhà đang ở.

3.2. Thủ tục tách hộ

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ như trên

Bước 2: Đến Công an cấp huyện/thị xã/quận/thành phố (Cơ quan đăng ký cư trú) nộp hồ sơ.

Bước 3: Nhận thông báo về việc đã cập nhật thông tin.

Lưu ý 1: Thời hạn cập nhật thông tin thay đổi cư trú là 5 ngày làm việc (kể từ khi nộp hồ sơ hợp lệ).

Lưu ý 2: Không còn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ 1/7/2021. Thay vào đó, khi đi thực hiện các thủ tục liên quan đến cập nhật thông tin thay đổi cư trú sau ngày này sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu và sổ tạm trú và sẽ chỉ nhận thông báo rằng đã được cập nhật thông tin mà không còn nhận sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy nữa.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục nhập, tách hộ gia đình”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Kim Bảo Ngọc

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 10(1) Luật Cư trú 2020

[2] Điều 10(4) Luật Cư trú 2020

[3] Điều 10(3) Luật Cư trú 2020

[4] Điều 10(2) Luật Cư trú 2020

[5] Điều 25(1) Luật Cư trú 2020

Document
Categories: Cá Nhân
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*