Thủ tục đăng ký thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
Điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
Theo HSBC Expart,Việt Nam là đất nước có mức sống với chi phí sinh hoạt rẻ, khí hậu ôn hòa và người nước ngoài sống tại Việt Nam có mức lương tương đối cao so với mức lương trung bình toàn cầu. Vì vậy, rất nhiều người nước ngoài mong muốn lấy được thẻ thường trú tại Việt Nam để sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, điều kiện để được cấp thẻ thường trú được quy định khá chặt chẽ, và giới hạn phạm vi những trường hợp được lấy thẻ thường trú tại Việt Nam.
Cùng Luật Nghiệp Thành phân tích và hướng dẫn điều kiện và thủ tục để lấy thẻ thường trú tại Việt Nam dưới đây nhé!
1.Điều kiện để được cấp thẻ thường trú
Tiêu chí 1: Thuộc trường hợp được xét cho thường trú[1]
Có 4 trường hợp được xét:
-Người nước ngoài đã được nhà nước Việt Nam tặng huân chương hoặc danh hiệu vinh dự nhà nước vì có công lao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam;
-Người nước ngoài là nhà khoa học, chuyên gia đang sinh sống, làm việc và có chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam;
-Người nước ngoài có cha, mẹ, vợ, chồng, con là công dân Việt Nam bảo lãnh;
-Người không quốc tịch đã sinh sống, làm việc và có chỗ ở hợp pháp liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước.
Tiêu chí 2: Thỏa mãn điều kiện xét cho thường trú[2]
Thứ nhất, có chỗ ở hợp pháp;
Thứ hai, có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống ở Việt Nam.
Lưu ý:
Trường hợp (2) phải được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực chuyên môn của người đó đề nghị.
Trường hợp (3) có tổng thời gian tạm trú tại Việt Nam (từ khi nộp hồ sơ xin thường trú) ít nhất 3 năm, dựa trên dấu kiểm xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu.
2.Hồ sơ xin cấp thẻ thường trú[3]
1.Đơn xin thường trú;
Mẫu NA12 – Đơn xin thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
2.Lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước bạn cấp;
Lý lịch tư pháp (Criminal Record) là giấy tờ chứng minh những án tích của bạn tại nước bạn mang quốc tịch. Pháp luật Việt Nam yêu cầu lý lịch tư pháp phải do cơ quan có thẩm quyền của nước bạn cấp bởi lý do nhằm chứng minh hiện tại bạn đang không thực hiện các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, có đang chấp hành bản án của nước ngoài hay không,… Từ đó đưa ra quyết định về việc phê duyệt cấp thẻ thường trú cho bạn.
3. Bản sao hộ chiếu có chứng thực;
4. Giấy tờ chứng minh có chỗ ở hợp pháp và thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống ở Việt Nam;
5.Giấy tờ chứng minh chỗ ở: giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, nhà ở; hợp đồng mua bán nhà ở; giấy chứng nhận ở chung cư;…
6.Giấy tờ chứng minh thu nhập: tờ khai thuế, bảng lương, sổ tiết kiệm, hóa đơn tiền điện nước, mua sắm,…
Ngoài các giấy tờ trên, những trường hợp sau cần có:
Trường hợp (2) giấy đề nghị của cơ quan quản lý lĩnh vực chuyên môn của bạn và công hàm của cơ quan đại diện của nước bạn đề nghị Việt Nam giải quyết cho bạn thường trú.
Trường hợp (3) giấy bảo lãnh.
Lưu ý[4]: đối với trường hợp (4) hồ sơ chỉ cần có
-Đơn xin thường trú;
-Một trong các loại giấy tờ chứng minh tạm trú: giấy chứng nhận cư trú tạm thời; sổ đăng ký tạm trú; đơn giải trình về thời gian đã tạm trú tại Việt Nam, có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn nơi người không quốc tịch tạm trú.
3. Thủ tục xin cấp thẻ thường trú[5]
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo mục 2
Bước 2[6]: Nộp hồ sơ
Trường hợp (1) (2): Nộp tại Cục Quản lý xuất, nhập cảnh.
Trường hợp (3) (4): Nộp tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi xin thường trú.
Lưu ý:
-Thời gian tiếp nhận hồ sơ từ thứ 2 đến thứ 6 (không tính ngày nghỉ lễ, nghỉ tết).
-Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, không đầy đủ thì cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn bạn bổ sung, và chưa nhận hồ sơ.
-Thời gian giải quyết hồ sơ không vượt quá 6 tháng.
Bước 3[7]: Nhận thẻ thường trú
Sau khi nhận được thông báo từ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bạn có thời gian 3 tháng để đến nhận thẻ thường trú.
Lưu ý[8]: Phí làm thẻ thường trú là 100 USD/thẻ
4.Một số lợi ích khi đăng ký thường trú tại Việt Nam
Thứ nhất[9], bạn được xuất, nhập cảnh Việt Nam mà không cần đến thị thực (visa).
Thứ hai, bạn không còn quan tâm phải gia hạn thời gian ở Việt Nam như thẻ tạm trú. Bạn được cư trú không thời hạn.
Thứ ba[10], khi có thẻ thường trú bạn có thể bảo lãnh người nhà qua Việt Nam để du lịch, thăm hỏi.
Thứ tư[11], bạn được bảo vệ bởi pháp luật Việt Nam về danh dự, tài sản, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp khi ở trên lãnh thổ Việt Nam
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý:
-Tuân theo pháp luật Việt Nam, nếu vi phạm pháp luật về hình sự, có thể bị áp dụng chế tài trục xuất.
-Nếu bạn về nước, hoặc rời khỏi Việt Nam để đến nước khác thường trú, cần nộp lại thẻ thường trú cho đơn vị kiểm soát xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Điều kiện, thủ tục đăng ký thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam”.
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Kim Bảo Ngọc
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 39 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[2] Điều 40 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[3] Điều 41(1) Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[4] Điều 42 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[5] Điều 41 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[6] Điều 5(3) Thông tư 31/2015 TT-BCA
[7] Điều 41(5) Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[8] Mục II Biểu mức thu phí, lệ phí Thông tư 219/2016 TT-BTC
[9] Điều 12 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[10] Điều 44(1)(c) Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014
[11] Điều 44(1)(a) Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014