Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu
Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu
Đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu sẽ giúp cho tổ chức, cá nhân đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của mình đối với nhãn hiệu khi có hành vi xâm phạm quyền. Vậy, thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu phải chuẩn bị những gì và thủ tục diễn ra như thế nào? Thông qua bài viết, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn và đưa ra một số lưu ý cho Qúy bạn đọc.
Bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu.
1. Bên chuyển nhượng hoặc Bên nhận chuyển nhượng/ Bên chuyển quyền hoặc Bên nhận chuyển quyền sẽ chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau[1]:
– 02 Tờ khai đăng ký;
Nếu hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu: D.01 Đăng ký hợp đồng chuyển nhượng
Nếu hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: D.02 Đăng ký HĐLX
– 01 Bản gốc hoặc bản sao hợp lệ của hợp đồng;
Lưu ý: Nếu hợp đồng không được thể hiện bằng tiếng Việt thì phải đính kèm một bản dịch hợp đồng. Văn bản dịch cần phải có sự xác nhận sao y bản chính. Nếu hợp đồng có nhiều trang thì từng trang phải có chữ ký xác nhận của các bên hoặc đóng dấu giáp lai.
– 01 Bản chính giấy ủy quyền (nếu có);
– 01 Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu phí, lệ phí nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ);
*Nếu đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu thì cần bổ sung 03 loại giấy tờ sau:
– 01 Bản gốc văn bằng bảo hộ;
– 01 Bản chính văn bản đồng ý của các đồng sở hữu nếu quyền sở hữu nhãn hiệu là quyền sở hữu chung; nếu không đồng ý thì phải làm văn bản giải trình lý do;
– 01 Bản chính quy chế sử dụng nhãn hiệu và tài liệu chứng minh quyền nộp đơn của bên nhận chuyển nhượng nếu là nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận.
* Trong trường hợp tặng cho nhãn hiệu thì các bên chủ thể sẽ ghi nhận việc chuyển giao thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu với phí chuyển nhượng là miễn phí. Sau khi xác lập hợp đồng thì các bên sẽ tiến hành thủ tục đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Sau khi chuẩn bị xong thì chủ đơn nộp hồ sơ đăng ký qua bưu điện hoặc trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng Đại diện của Cục tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
3. Thời hạn giải quyết là 02 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, không bao gồm những hồ sơ phải sữa chữa thiếu sót[2]. Nhưng thực tiễn thì thời hạn giải quyết của Cục Sở hữu trí tuệ sẽ lâu hơn quy định bởi lẽ số lượng đơn đăng ký luôn ở tình trạng quá tải.
* Nếu không thiếu sót, Cục hoặc Văn phòng đại diện của Cục sẽ thực hiện các công việc sau:[3]
– Ra Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu vào văn bằng bảo hộ chủ sở hữu mới, đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu. Nếu chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ thì cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho bên nhận và xác định giới hạn danh mục hàng hóa, dịch vụ vào văn bằng bảo hộ gốc đối với phần chuyển nhượng đó;
– Ra Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu;
– Ghi nhận việc chuyển giao vào Sổ đăng ký quốc gia;
– Công bố Quyết định ghi nhận chuyển nhượng và Quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.
* Trường hợp có sai sót thì Cục sẽ gửi thông báo dự định từ chối và nêu rõ thiếu sót, chủ đơn sửa chữa hoặc có ý kiến phản hồi lại. Nếu không sửa chữa hoặc đã sửa chữa nhưng không đạt yêu cầu hoặc không phản hồi hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục sẽ ra quyết định từ chối ghi nhận việc chuyển nhượng/chuyển quyền sử dụng.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu nhãn hiệu.”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 48 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, Điều 1.9 Thông tư 18/2011/TT-BKHCN và Điều 1.39.(a) Thông tư 16/2016/TT-BKHCN
[2] Điều 48.4 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN
[3] Điều 48.1 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và Điều 1.40.(a) Thông tư 16/2016/TT-BKHCN