Thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch
Thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch
Giấy chứng nhận căn cước[1] là giấy tờ tùy thân cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch. Để hiểu rõ về điều kiện và ý nghĩa của loại giấy tờ mới này, Qúy bạn đọc tham khảo tại bài viết trước đó của Luật Nghiệp Thành: Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác nhận quốc tịch. Nay, Luật Nghiệp Thành sẽ cập nhật về hồ sơ và thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận căn cước.
Việc cấp mới được thực hiện như sau:[2]
Bước 1: Kê khai thông tin
Người đề nghị kê khai thông tin tại Phiếu thu thập thông tin dân cư (Mẫu DC01) và cung cấp các loại giấy tờ cần thiết (nếu có) để chứng minh nguồn gốc và huyết thống có liên quan đến người Việt Nam, như:
– Giấy tờ, tài liệu do cơ quan của Việt Nam cấp hiện thông tin về họ tên, ngày tháng năm sinh;
– Giấy tờ, tài liệu chứng minh mối quan hệ huyết thống với người có quốc tịch hoặc từng có quốc tịch Việt Nam;
Ví dụ: Giấy khai sinh; Giấy nhận nuôi;…..
*Lưu ý: Nếu giấy tờ, tài liệu do cơ quan nước ngoài cấp thì cần được hợp pháp hóa lãnh sự (trừ khi được miễn), được dịch sang tiếng Việt và đi công chứng bản dịch.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và lấy dữ liệu sinh trắc học
Công an quận/huyện tiếp nhận hồ sơ và tiến hành lấy dấu vân tay, ảnh khuôn mặt, mống mắt của người đề nghị để lưu trữ thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.
*Lưu ý: Nếu trẻ em dưới 6 tuổi là người gốc Việt Nam chưa xác nhận quốc tịch thì không thực hiện lấy mẫu dấu vân tay, bởi vì mẫu dấu vân tay ở độ tuổi này vẫn chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi liên tục cho đến khi trẻ đủ 6 tuổi.
Bước 3: Xác minh thông tin
Cơ quan quản lý căn cước sẽ xác minh thông tin và xem xét các điều kiện cụ thể trong vòng 30 ngày, nhưng không quá 60 ngày.
Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận căn cước
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cập thông tin trên Cơ sở dữ liệu, Cơ quan quản lý căn cước thuộc Bộ Công an xác lập số định danh cá nhân và cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người đề nghị.
*Trường hợp không cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu thì người đề nghị sẽ nhận được văn bản từ chối, nêu rõ lý do.
Tổng kết, việc cấp mới Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác nhận quốc tịch là một sự thay đổi quan trọng, không chỉ giúp người gốc Việt Nam chưa xác nhận quốc tịch được hưởng đầy đủ quyền lợi như người mang quốc tịch Việt Nam mà còn giúp cơ quan nhà nước dễ dàng quản lý số lượng dân cư tại khu vực đó. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận căn cước cũng có thời hạn nhất định mà người sở hữu cần lưu ý để tránh mất hiệu lực.
Các thông tin liên quan đến việc cấp đổi cũng như thời hạn hết hiệu lực sẽ tiếp tục được Luật Nghiệp Thành cập nhật trong các bài viết tới.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục cấp mới Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định quốc tịch”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung
Biên tập: Quách Gia Hy
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 30 Luật Căn cước 2023
[2] Điều 24 Nghị định 70/2024/NĐ-CP