Thủ tục cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội khi bị mất.
Hiện nay vì nhiều lý do chủ quan hoặc khách quan mà sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) của nhiều người bị mất, hỏng, sai thông tin… Khi đó người dân, đặc biệt người lao động cần làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo đúng quy định của pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.
Người lao động được phép cấp lại BHXH khi bi mất, hỏng cần chuẩn bị các hồ sơ như sau
– Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động[1]
– Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu tờ khai: Mẫu TK1-TS).[2]
Người lao động có thể tiến hành nộp hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH như sau:
Thứ nhất, người lao động hiện vẫn đang đang làm việc tại đơn vị, công ty, thì thông thường sẽ được đơn vị, công ty thực hiện các thủ tục xin cấp lại sổ BHXH cho người lao động của mình. Công ty sẽ trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan BHXH nơi công ty đăng ký tham gia hoặc gửi bằng bưu điện.
Trường hợp, người lao động không còn làm việc tại công ty nhưng sổ BHXH được cấp tại cơ quan BHXH nơi công ty đăng ký tham gia. Thì người lao động vẫn có thể trực tiếp nộp hồ sơ xin cấp lại ở cơ quan BHXH khác. Lúc này người lao động được xem là người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH nên việc đề nghị cấp lại, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH có thể nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc. [3]
Thời hạn xử lý hồ sơ không quá 10 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đươc hồ sơ.[4]
Thứ hai, người lao động có thể nộp hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH online:[5]
– Thực hiện trên ứng dụng VssID thì tại phần Dịch vụ Công chọn mục 607A Cấp lại sổ BHXH không thay đổi thông tin. Tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn trong mục này.
– Thực hiện trên Cổng Dịch vụ công của BHXH Việt Nam: Người tham gia BHXH đăng nhập tại https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn, sau đó chọn Kê khai hồ sơ tiếp đến chọn kê khai Cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng
Trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ trực tuyến, hồ sơ sẽ được giải quyết.
Như vậy đối với trường hợp cấp lại sổ BHXH do bị mất vẫn được cơ quan có thẩm quyền thực hiện.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội khi bị mất”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Danh Trí
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 97.2.(a) Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[2] Điều 1.31 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020
[3] Điều 1. 34 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020
[4] Điều 29.2 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017
[5] Điều 1.56 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020