Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm

Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm

Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm

Đối với các loại bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, v.v… tại các hợp đồng bảo hiểm sẽ có một khái niệm được nhắc tới trong hợp đồng được gọi là “thời gian chờ”. Tuy rằng, tại Luật Kinh doanh bảo hiểm không đề cập đến thời gian chờ và trước đây thời gian chờ đều do doanh nghiệp bảo hiểm tự đặt ra và nêu trong hợp đồng bảo hiểm. Nhưng Thông tư mới về hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm đã có quy định về “thời gian chờ” trong Hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, có định nghĩa thời gian chờ là khoảng thời gian mà các sự kiện bảo hiểm xảy ra sẽ không được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả đối với một số quyền lợi bảo hiểm sức khỏe. Như vậy, hiện pháp luật quy định ấn định thời gian chờ đối với một số trường hợp liên quan đến bảo hiểm về sức khoẻ. Nên có thể hiểu các loại bảo hiểm khác sẽ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm tự quy định.

Thời gian chờ cần đáp ứng các quy định sau:[1]

1) Thời gian chờ được tính từ ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm hoặc ngày khôi phục hiệu lực hợp đồng bảo hiểm

Trong hợp đồng bảo hiểm sẽ có đề cập cụ thể ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm cũng như ngày khôi phục hiệu lực của hợp đồng.[2]

Ví dụ: Nếu trong hợp đồng bảo hiểm có quy định thời gian chờ là 80 ngày và ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm trong hợp đồng là ngày ký kết thì người tham gia bảo hiểm được hưởng bảo hiểm vào ngày thứ 81 kể từ ngày ký kết hợp đồng bảo hiểm.

2) Không áp dụng thời gian chờ đối với trường hợp tai nạn

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Với trường hợp tai nạn, các doanh nghiệp bảo hiểm thông thường quy định không có thời gian chờ, người tham gia bảo hiểm sẽ được nhận quyền lợi bảo hiểm kể từ ngày hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực. Và quy định hiện tại cũng nêu rõ “Không áp dụng thời gian chờ đối với trường hợp tai nạn” nên mặc định rằng với trường hợp tai nạn thì sẽ không áp dụng thời gian chờ.

3) Thời gian chờ không vượt quá 90 ngày đối với trường hợp bệnh.

Thời gian chờ tối đa là 01 năm đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm chấp thuận bảo hiểm cho các bệnh có sẵn

Với trường hợp bệnh, thì thời gian chờ sẽ là không quá 90 ngày, tức sau 90 ngày tính từ ngày tại mục 1) đã nêu thì người tham gia bảo hiểm bị bệnh mới được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Đây là trường hợp người bệnh không có bệnh sẵn. Với các bệnh có sẵn mà trước đó DN bảo hiểm đã chấp thuận thì người tham gia bảo hiểm bị bệnh sau 01 năm mới được chi trả quyền lợi bảo hiểm.

4) Thời gian chờ tối đa là 270 ngày đối với quyền lợi thai sản

Thông thường, các DN bảo hiểm quy định thời gian chờ đối với trường hợp thai sản là từ 270 ngày – 365 ngày. Tuy nhiên, quy định đã đặt ra người tham gia sẽ được chi trả quyền lợi nếu có thai và sinh con với thời gian chờ tối đa là 270 ngày.

Trường hợp nếu tại hợp đồng các DN bảo hiểm, chi nhánh DN bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài để thời gian chờ trong trường hợp là bệnh và thai sản dài hơn thời gian chờ tại quy định thì phải giải trình rõ tại phương pháp, cơ sở tính phí sản phẩm bảo hiểm với Cục quản lý, giám sát bảo hiểm-Bộ Tài chính.[3]

Thời gian chờ là một yếu tố cần có đối với một số loại bảo hiểm. Với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thời gian chờ là để doanh nghiệp xác minh, rà soát các trường hợp của Khách hàng có đúng thuộc diện bảo hiểm, có yếu tố trục lợi ở đây không. Cũng là khoảng thời gian để đảm bảo ổn định tài chính cho công ty bảo hiểm để họ có đủ khả năng chi trả quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm. Điều này cũng tạo môi trường an toàn, đảm bảo tính công bằng cho những khách hàng. Phía người tham gia bảo hiểm cũng cần nhận thức về rủi ro cá nhân và sử dụng bảo hiểm có trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình ký kết các hợp đồng bảo hiểm, phía người mua bảo hiểm cần xem xét kỹ, hiểu rõ các điều khoản để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thời gian chờ trong hợp đồng bảo hiểm”

Nếu các bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viêt này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 12.2 Thông tư 67/2023/TT-BTC

[2] Điều 12.6 Thông tư 67/2023/TT-BTC

[3] Điều 12.2.(đ) Thông Tư 67/2023/TT-BTC

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*