Thỏa thuận tài sản chung vợ chồng vô hiệu khi nào?
Luật Hôn nhân và Gia đình cho phép các cặp vợ chồng được thỏa thuận chế độ tài sản trước khi kết hôn nhằm tránh các trường hợp xảy ra tranh chấp trong hôn nhân. Tuy nhiên, không phải mọi thỏa thuận đều có giá trị pháp lý, mà có những trường hợp thỏa thuận tài sản chung giữa vợ chồng sẽ bị vô hiệu. Thông qua bài viết sau đây Luật Nghiệp Thành cung cấp kiến thức đến quý bạn đọc về quy định này.
1.Thỏa thuận tài sản chung vợ chồng là gì?[1]
Thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng là hình thức vợ chồng lập thoả thuận về tài sản chung trước khi kết hôn bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Hình thức này thường được gọi là hợp đồng tiền hồn nhân.
Như vậy, hợp đồng tiền hôn nhân không phải là một thuật ngữ được nêu tại các văn bản pháp luật nhưng đây được xem là hình thức của thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng. Hợp đồng tiền hôn nhân được lập bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và phải lập trước khi kết hôn.
Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Ví dụ: Trước khi đăng ký kết hôn, hai người nam và nữ đều có tài sản riêng. Hai người này muốn sau khi kết hôn sẽ nhập một số tài sản riêng vào tài sản chung vợ chồng và cùng sử dụng cho mục đích chung cho gia đình còn một số loại tài sản khác thì không nhập.
Như vậy, trước khi đăng ký kết hôn, hai người cần lập thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng.
2.Trường hợp thỏa thuận tài sản chung vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu[2]
Thứ nhất, không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch[3]
Thỏa thuận tài sản chung vợ chồng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Vợ chồng phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp.
– Thỏa thuận tài sản chung vợ chồng phải hoàn toàn tự nguyện.
– Mục đích, nội dung thỏa thuận tài sản chung vợ chồng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Thứ hai, thỏa thuận tài sản chung vợ chồng vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của pháp Luật Hôn nhân và Gia đình.
– Vợ chồng phải bình đẳng về việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung, không phân biệt lao động trong gia đình hay lao động có thu nhập.
– Vợ, chồng thực hiện giao dịch đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Nếu tài sản chung không đủ hoặc không có tài sản chung thì vợ chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng vào việc thực hiện nhu cầu thiết yếu của gia đình.
– Nhà ở là nơi ở duy nhất của vợ chồng thì khi xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan phải có sự thoả thuận của vợ chồng.
– Người đứng tên trên tài khoản ngân hàng, chứng khoán được xem là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó nếu giao dịch với người thứ ba ngay tình.
Thứ ba, nội dung của thỏa thuận tài sản chung vợ chồng vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình[4].
– Thoả thuận tài sản chung vợ chồng được vợ chồng xác lập nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc hoặc vi phạm các quyền, lợi ích khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác trong gia đình.
Bạn đọc tham khảo: Mẫu thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng
Bạn đọc tham khảo: Chấm dứt thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng
Trên đây là toàn bộ bài viết về “Thỏa thuận tài sản chung vợ chồng vô hiệu khi nào?
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 47 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[2] Điều 50 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
[3] Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015
[4] Điều 6.2.(b) Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP