Thành lập công ty giải trí
Thị trường giải trí ở Việt Nam những năm gần đây đã vươn lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết so với mặt bằng chung của thị trường giải trí thế giới, điều đó được thể hiện thông qua việc thành lập công ty giải trí như: công ty quản lý nghệ sĩ, ca nhạc, thu âm, thu hình, biểu diễn, người mẫu, thời trang, vui chơi trong và ngoài nước thành lập ngày một nhiều, một số còn để lại tiếng vang lớn sau hơn chục năm thành lập: Cát Tiên Sa, Đông Tây Promotion,…góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội nước nhà nói chung và hoạt động giải trí nói riêng.
Cho thấy thị trường giải trí ở Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng, trong tương lai gần sẽ còn mang về nhiều lợi ích kinh tế cho nhà đầu tư, giải quyết hàng triệu công ăn việc làm cho người lao động và chưa có dấu hiệu sẽ bão hòa. Cũng dễ hiểu, bởi vì hoạt động giải trí từ lâu đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu về mặt tinh thần đối với mỗi người dân Việt Nam nói chung. Giải trí giúp mỗi cá nhân tiếp thêm nguồn năng lượng tinh thần vô tận để làm việc và học tập, thúc đẩy năng suất cực cao sau những chặng đường mệt mỏi, căng thẳng và bộn bề lo toan của cuộc sống .
Đa phần các công ty giải trí hiện nay, đều thành lập dưới hình thức công ty cổ phần, bởi vì cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt, tạo điều kiện để cho nhiều đối tượng có thể tham gia góp vốn vào công ty và hưởng lợi nhuận tương đương với số cổ phần họ sở hữu. Ngoài ra, công ty cổ phần mang chế độ trách nhiệm hữu hạn, nên trong trường hợp rủi ro, cổ đông sẽ phải chỉ chịu nợ và các nghĩa vụ tài sản của công ty trong phạm vi phần vốn góp (cổ phần) của mình, cộng với đó việc chuyển nhượng trong công ty cổ phần hết sức dễ dàng… nên việc thành lập công ty giải trí theo loại hình này cũng ngày một nhiều là điều hiển nhiên.
Để thành lập công ty cổ phần giải trí, cần tuân thủ các điều kiện, quy định chung pháp luật doanh nghiệp về việc đặt tên, đặt địa chỉ trụ sở, vốn pháp định, người đại diện theo pháp luật của công ty. Mặc dù, không cùng loại hình nhưng bạn có thể tham khảo bài viết sau “Những điều cần biết khi thành lập công ty TNHH 2 thành viên trở lên’’.
Sau khi đã thỏa mãn các điều kiện trên, doanh nghiệp có thể lựa chọn mã ngành thuộc ngành nghề của công ty giải trí theo hệ thống mã ngành kinh tế cấp 4 và tiến hành nộp hồ sơ. Mã ngành: [1]
- Hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc (mã ngành: 5920);
- Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí (mã ngành: 9000);
- Hoạt động sản xuất phim ảnh, phim video và chương trình truyền hình (mã ngành: 5911);
- Hoạt động phát hành phim điện ảnh, phim video và chương trình truyền hình (mã ngành: 5913);
- Hoạt động chiếu phim (mã ngành: 5914);
- Hoạt động vui chơi, giải trí khác (mã ngành: 9329).
Việc đăng ký thành lập, công ty cổ phần giải trí, được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ thành lập và nộp tại Sở kế hoạch đầu tư Tỉnh/Thành phố công ty đóng trụ sở
Hồ sơ bao gồm: [2]
- Giấy đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);
- Bản sao CMND, CCCD hoặc hộ chiếu của cổ đông hoặc bản sao quyết định kinh doanh đối với tổ chức và kèm theo CMND, CCCD và quyết định ủy quyền của người đại diện ủy quyền của tổ chức;
- Giấy ủy quyền và tờ khai thông tin của người nộp hồ sơ;
- Thông báo mẫu con dấu.
Sau thời hạn 03 ngày làm việc, doanh nghiệp có thể đến bộ phận trả kết quả hồ sơ nhận lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và làm con dấu tại cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2: Thực hiện các thủ tục sau thành lập
- Thiết lập hồ sơ, đăng ký kê khai thuế ban đầu (thuế môn bài) và nộp lệ phí môn bài và thực hiện các thủ tục khác (nếu có) tại cơ quan Thuế; [3]
- Đăng ký hóa đơn, phát hành hóa đơn điện tử, chữ ký số;
- Mở tài khoản ngân hàng cho công ty, bảng hiệu công ty, đăng ký phương pháp tính thuế GTGT, đăng ký mã số thuế cá nhân cho người lao động.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về thành lập công ty giải trí.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Hoàng
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Quyết định 27/2018/QĐ-TTg Quyết định ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
[2] Điều 22 và Điều 10 Nghị định 78/2015 Nghị định về đăng ký doanh nghiệp.
[3] Điều 5.1 Nghị định 139/2016-NĐ-CP Nghị định quy định về lệ phí môn bài.