Tăng vốn bằng lợi nhuận sau thuế có phải đóng thuế TNCN?

Tăng vốn bằng lợi nhuận sau thuế có phải đóng thuế TNCN?

Tăng vốn điều lệ trong công ty TNHH 2TV trở lên có thể được thể hiện dưới nhiều hình thức như có thành viên mới góp vốn vào công ty, thành viên hiện hữu trong công ty có nhu cầu góp nhiều hơn, và có cả trường hợp công ty dùng lợi nhuận sau thuế để tăng vốn. Mục đích của việc tăng vốn là để mở rộng cơ hội phát triển trong hoạt động kinh doanh, tăng uy tín với Khách hàng, tăng hạn mức vay ngân hàng, v.v….

Trước các hình thức tăng vốn trên có một hình thức là dùng lợi nhuận sau thuế để tăng vốn là một phương án được rất nhiều các doanh nghiệp thực hiện, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là nếu dùng số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đó để tăng vốn thì các thành viên có phải đóng thuế TNCN đối với thu nhập từ đầu tư vốn hay không?

Theo quy định tại Thông tư 111/2013/TT-BTC, liên quan đến thu nhập từ đầu tư vốn phần lợi tức có quy định các hình thức sau:

Thứ nhất, Lợi tức nhận được do tham gia góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên

Riêng đối với lợi tức của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do cá nhân làm chủ thì sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế từ đầu tư vốn lợi tức.

Thứ hai, Thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn

Theo hai hình thức trên, đối với công ty 2TV dùng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để tăng vốn sẽ thuộc trường hợp là thu nhập từ lợi tức ghi tăng vốn, các thành viên công ty lúc này không nhận phần lợi tức trên mà dùng nó để tăng vốn điều lệ. Do đó, liên quan đến trường hợp này, Thông tư 111/2013 có nêu:

“Điều 26. Khai thuế, quyết toán thuế

  1. Khai thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn trong trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn.

Cá nhân nhận cổ tức bằng cổ phiếu, lợi tức ghi tăng vốn chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn khi nhận. Khi chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp cá nhân khai và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn và thu nhập từ đầu tư vốn.”

Do vậy, có thể hiểu khi thực hiện thủ tục tăng vốn điều lệ đối với phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối này, các thành viên công ty chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn khi nhận.

Việc khai và nộp thuế sẽ chỉ thực hiện khi có phát sinh chuyển nhượng vốn, rút vốn hoặc hoặc doanh nghiệp giải thể. Nên thời điểm xác định thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm cá nhân chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Do đó, sau khi đã tăng vốn bằng lợi nhuận sau thuế và sau này có thành viên chuyển nhượng vốn cho thành viên khác hay rút một phần hoặc có thể toàn bộ phần vốn của mình thì thành viên góp vốn tăng vốn điều lệ trước đó phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ đầu tư vốn với thuế suất là 5%[1]. Nếu có chuyển nhượng vốn có lãi thì thành viên đó phải nộp thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 20%[2] trên số tiền lãi.

Theo đó, với số thuế thu thu nhập cá nhân phải nộp do đầu tư vốn được tính theo công thức như sau:

Số thuế thu nhập cá nhân phải nộp=Thu nhập tính thuếXThuế suất 5%

 

Document

Trong đó, thu nhập tính thuế là thu nhập chịu thuế mà cá nhân nhận được từ lợi tức để ghi tăng vốn.

Bạn đọc có thể tham khảo tình huống sau:

Ví dụ: Công ty A là Công ty TNHH 2TV trở lên có vốn điều lệ 50 triệu đồng trở lên gồm ba thành viên A, B và C, tỷ lệ sở hữu phần vốn góp tương ứng là 40%, 50%, 10%. Nay công ty có nhu cầu dùng phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 800 triệu đồng để tăng vốn điều lệ công ty. Theo đó, phần lợi nhuận 800 triệu đồng trên được phân chia theo tỷ lệ vốn góp của các thành viên, nên A góp thêm 320 triệu đồng, B góp thêm 400 triệu đồng và C góp thêm 80 triệu đồng. 06 tháng sau,  B chuyển nhượng cho C số vốn góp là 20 triệu đồng với giá chuyển nhượng là 22 triệu đồng . Nên Công ty A phải làm thủ tục thay đổi tỷ lệ vốn góp. Vậy việc nộp thuế TNCN sẽ thực hiện như thế nào?

Thứ nhất, Tại thời điểm tăng vốn điều lệ các thành viên A, B và C chưa phải khai và nộp thuế từ đầu tư vốn.

Tuy nhiên, đến thời điểm B chuyển nhượng cho C phần vốn góp 20 triệu đồng thì B phải nộp thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, cụ thể:

Số thuế TNCN phải nộp do chuyển nhượng vốn là 20% x (22-20) triệu đồng = 400.000 đồng

Số thuế TNCN phải nộp do đầu tư vốn đối với phần vốn góp 20 triệu đồng là 20 triệu đồng x 5% = 1.000.000 đồng.

Vậy tổng sổ thuế TNCN mà ông B phải nộp là 1.400.000 đồng.

Như ví dụ trên, bạn đã có thể hình dung được số thuế phải nộp là bao nhiêu, tiếp đó bạn cần thực hiện khai và nộp thuế TNCN.

Hồ sơ khai và nộp thuế TNCN khi đầu tư vốn nhận lợi tức ghi tăng vốn

Đối tượng nộp và khai thuế: Cá nhân góp vốn hoặc Doanh nghiệp

Cá nhân khai thuế sẽ nộp tờ khai Mẫu 04/ĐTV-TNCN Tờ khai thuế TNCN (ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC)

Doanh nghiệp khai thuế sẽ nộp tờ khai Mẫu 06/TNCN Tờ khai thuế TNCN (ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC)[3]

Riêng với trường hợp chuyển nhượng thì bạn đọc có thể tham khảo tại bài viết sau: Đối tượng nộp thuế TNCN khi chuyển nhượng vốn công ty TNHH

Thời hạn nộp tờ khai thuế TNCN[4]

Đối với chuyển nhượng vốn thì thời hạn nộp hồ sơ là chậm nhất 10 ngày kể từ ngày hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực. Trường hợp doanh nghiệp nộp thay thì thời điểm nộp chậm nhất là trước thời điểm là thủ tục thay đổi danh sách thành viên góp vốn tại cơ quan đăng ký kinh doanh.[5]

Đối với đầu tư vốn nhận lợi tức ghi tăng vốn thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày chuyển nhượng vốn, rút vốn, giải thể doanh nghiệp.[6]

Thời hạn nộp thuế TNCN

Đối với chuyển nhượng vốn thì thời hạn nộp thuế được ghi trên Thông báo nộp thuế do cơ quan thuế gửi.[7]

Đối với đầu tư vốn nhận lợi tức ghi tăng vốn thì thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.[8]

 

Trên đây là nội dung tư vấn về ‘‘Tăng vốn bằng lợi nhuận sau thuế có phải đóng thuế TNCN?

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ, rất mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[2] Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC

[3] Điều 21.2 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[4] Điều 44.3 Luật Quản lý thuế 2019

[5] Điều 16.4.d Thông tư 156/2013/TT-BTC

[6] Điều 16.9.d Thông tư 156/2013/TT-BTC

[7] Điều 16.4.đ Thông tư 156/2013/TT-BTC

[8] Điều 16.9.đ Thông tư 156/2013/TT-BTC

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Categories: Thuế

About Author

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*