Tăng giá khẩu trang đại dịch Corona có bị xử phạt?

Tăng giá khẩu trang đại dịch Corona có bị xử phạt?

Tăng giá khẩu trang đại dịch Corona có bị xử phạt?

Từ trước mùa tết nguyên đán 2020, Vũ Hán – một thành phố lớn của tỉnh Hồ Bắc, là “trung tâm kỹ nghệ” của Trung Quốc đã bùng phát dịch virus Corona. Chỉ sau một thời gian ngắn, nạn dịch bệnh này đã cho thấy mức độ nguy hiểm và nghiêm trọng của nó. Thậm chí, đã có nhiều người liên tưởng đến viễn cảnh không xa của ngày tận thế. Ngay lúc này, không chỉ riêng Trung Quốc mà cả cộng đồng quốc tế đều đang chung tay ngăn chặn virus Corona.

Tại Việt Nam, cho đến ngày 09/02/2020 đã có 14 trường hợp bị nhiễm virus Corona. Trong những ngày tháng đỉnh điểm của dịch virus Corona – một virus đẫn đến các bệnh liên quan đến đường hô hấp, hàng chục nghìn người bị nhiễm bệnh, hàng trăm ca thiệt mạng. Đến lúc này, người dân bắt đầu lo ngại, người người, nhà nhà đổ xô đi mua khẩu trang. Nhiều nhà thuốc, những cơ sở kinh doanh khẩu trang lợi dụng tình hình thực tại, “hét giá” khẩu trang để trục lợi. Điều này đã gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận. Vậy liệu hành vi “đầu cơ” khẩu trang có bị xử lý hình sự hay không? Và việc “hét giá” khẩu trang sẽ bị xử phạt ra sao?

Hành vi “đầu cơ” khẩu trang có xử lý hình sự hay không?

Tội đầu cơ được hiểu là các hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo ra tình trạng khan hiếm giả tạo để mua vét hàng hóa nhằm thu lợi bất chính ở thời kỳ chiến tranh, đang diễn ra các nạn dịch bệnh hay trong lúc tình hình kinh tế khó khăn[1].

Để cấu thành “Tội đầu cơ” đòi hỏi hành vi đó phải đáp ứng đủ 2 yếu tố là: Thứ nhất, hành vi đó lợi dụng tình trạng thiên tai, dịch bệnh,…để tạo ra sự khan hiếm hàng hóa; Thứ hai, mặt hàng đó phải thuộc diện bình ổn giá hoặc do Nhà nước định giá.

Do khẩu trang không nằm trong danh mục bình ổn, quản lý giá[2], do đó, hành vi “đầu cơ” khẩu trang không bị quy thành “Tội đầu cơ” hàng hóa và việc xử lý hình sự những người thực hiện hành vi trên là khá khó.

Tuy nhiên, hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính, áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu – 20 triệu đồng đối với hành vi găm hàng[3]. Trong trường hợp hành vi đầu cơ, găm hàng gây hậu quả nghiêm trọng cho cộng đồng, xã hội; gây cản trở, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh thì cá nhân đó có thể bị xử lý hình sự về “Tội đầu cơ” như: Bị phạt tiền từ 30 triệu – 5 tỷ đồng; phạt tù từ 6 tháng cho đến 15 năm[4]. Đối với các tổ chức, doanh nghiệp y tế thì có thể bị phạt tiền từ 300 triệu – 9 tỷ[5] đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa và số tiền thu lợi bất chính.

“Hét” giá khẩu trang sẽ bị xử phạt ra sao?

Document

Bình ổn giá là việc các Cơ quan nhà nước thực hiện các biện pháp nhằm điều hòa nền kinh tế, tài chính, tiền tệ, không để giá cả của hàng hóa, dịch vụ tăng lên quá cao hoặc giảm quá thấp một cách bất hợp lý[6]. Pháp luật có ban hành danh sách các hàng hóa, dịch vụ thuộc dạng bình ổn giá như: Xăng, dầu; Điện bán lẻ; Phân đạm, phân NPK; Muối ăn; Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh thiết yếu…[7].

Mặc dù khẩu trang không nằm trong diện bình ổn, quản lý giá; tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân kinh doanh có nghĩa vụ phải niêm yết giá để khách hàng có thể lựa chọn, tìm mua và không được bán hàng hóa với giá cao hơn giá đã niêm yết[8], do đó hành vi không niêm yết giá bán cũng sẽ bị xử phạt; hành vi đã niêm yết giá mà tăng giá bất hợp lý còn bị xử phạt nặng hơn.

Đối với hành vi không niêm yết giá tại địa điểm quy định hoặc niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn có thể bị áp dụng hình thức phạt cảnh cáo[9] đối với lần vi phạm đầu tiên; từ lần thứ hai trở đi sẽ bị phạt tiền từ 300 nghìn – 500 nghìn đồng[10]. Đối với hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó”, tức là việc bán giá khẩu trang cao hơn giá đã niêm yết sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu – 10 triệu đồng[11].

Bên cạnh đó, cũng có nhiều cơ sở y tế lợi dụng tình trạng bùng phát và lan rộng của dịch bệnh nCoV đã niêm yết giá bán khẩu trang cao trên trời. Hành vi này có thể bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 20 triệu – 30 triệu đồng[12] và phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm nêu trên.

Hiện tại, Tổng Cục Quản lý thị trường đã công bố số đường dây nóng tại 63 Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố để sẵn sàng tiếp nhận những thông tin tố giác về các hành vi liên quan đến việc niêm yết giá bán, lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý. Nếu phát hiện những vi phạm liên quan đến các hành vi nêu trên thì mọi người có thể gọi điện đến số hotline của Cục Quản lý thị trường tại địa phương, nơi mình đang cư trú để tố giác.

Nhằm ngăn ngừa, hạn chế sự lan rộng của Virus Corona – nCoV thì mọi người chỉ nên sử dụng những thực phẩm đã được đun nấu chín, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng khẩu trang đúng cách, trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của bệnh (ho, sốt, đau họng…) cần đến ngay cơ sở y tế,…

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Tăng giá khẩu trang đại dịch Corona có bị xử phạt?”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

[2] Điều 3.1 Nghị định 177/2013/NĐ-CP

[3] Điều 32.2 Nghị định 98/2020/NĐ-CP

[4] Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

[5] Điều 196.5 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

[6] Điều 4.10 Luật Giá 2012

[7] Điều 3.1 Nghị định 177/2013/NĐ-CP

[8] Điều 12.5.(b) Luật giá 2012

[9] Điều 12.1 Nghị định 109/2013/NĐ-CP

[10] Điều 12.2 Nghị định 109/2013/NĐ-CP

[11] Điều 12.3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP

[12] Điều 17.1 Nghị định 109/2013/NĐ-CP

 

Document
Categories: Cộng Đồng
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*