Tăng cường quản lý rượu thủ công

Tăng cường quản lý rượu thủ công

Tăng cường quản lý rượu thủ công

Vào mỗi dịp hội họp hay những ngày cuối năm thì nguy cơ ngộ độc rượu lại tăng cao và khiến nhiều trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp ngộ độc rượu là do hoạt chất methanol và có cả trường hợp do độc tố tự nhiên. Vậy tại sao tình trạng ngộ độc rượu lại diễn ra. Nguyên nhân là do người dân mua rượu từ những nơi tự phát, không đăng ký hay được cấp phép. Tại những nơi như hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu với số lượng ít, quy mô nhỏ, những nơi này thường không thực hiện xin cấp phép kinh doanh, sản xuất, đăng ký chất lượng hay nhãn mác, v.v…Nhưng lại sản xuất và bán rượu cho người sử dụng và dẫn đến nhiều trường hợp thương tâm xảy ra. Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu được ban hành nhưng vẫn không kiểm soát được tình trạng bùng phát của rượu thủ công. Thêm vào đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định hướng dẫn vừa có hiệu lực vào năm 2020. Theo đó, đã có những quy định chi tiết hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về việc quản lý rượu thủ công. Vì vậy, các hộ gia đình, cá nhân và các cơ sở sản xuất nên tuân thủ các quy định pháp luật vì bản thân mình và hơn hết là vì sức khỏe của người tiêu dùng. Do vậy, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp làm rõ các quy định liên quan đến vấn đề này.

  1. Điều kiện sản xuất rượu thủ công

Khái niệm

Về khái niệm liên quan đến rượu thủ công thì hiện tại không có quy định nào liệt kê rõ ràng rượu thủ công là gì? Chỉ có khái niệm rượu và sản xuất rượu thủ công như sau:

Rượu là đồ uống có cồn thực phẩm, được sản xuất từ quá trình lên men từ một hoặc hỗn hợp của các loại nguyên liệu chủ yếu gồm tinh bột của ngũ cốc, dịch đường của cây, hoa, củ, quả hoặc là đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm. Rượu không bao gồm: Bia các loại; nước trái cây lên men các loại có độ cồn dưới 5% theo thể tích[1]. Và sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp.[2]

Đối tượng

Thương nhân kinh doanh rượu và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh rượu.

Điều kiện sản xuất rượu thủ công

Về điều kiện sản xuất rượu thủ công được phân loại thành hai hình thức tùy vào mục đích:

+ Thứ nhất, nhằm mục đích kinh doanh[3]

– Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh phải được thành lập theo quy định của pháp luật.

Nghĩa là muốn sản xuất rượu thủ công thì cá nhân, tổ chức đó phải thực hiện đăng ký thành lập qua việc lựa chọn các loại hình như trên và phải theo quy định của pháp luật.

– Phải bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

+ Thứ hai là hình thức bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại[4]

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
[the_ad_group id="251"]

– Có hợp đồng mua bán với cơ sở có giấy phép sản xuất rượu và có đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có cơ sở sản xuất.

– Bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Và điều kiện về an toàn thực phẩm của rượu, bia được kinh doanh, lưu hành tại Việt Nam phải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.[5] Tuy nhiên lại chưa có một quy chuẩn kỹ thuật nào đối với rượu thủ công, nhất là những sản phẩm rượu ngâm khiến cho lực lượng chức năng thiếu cơ sở để xử lý các trường hợp vi phạm. Trên thực tế, rượu ngâm được người dân rất ưa chuộng như rượu ngâm rễ cây, ngâm cây rừng, cây thuốc, phủ tạng động vật, v.v…Nhưng việc ngâm không đúng cách, không đúng liều lượng mà chỉ “truyền miệng” từ người này sang người khác. Kết hợp với việc sử dụng không điều độ lại khiến sinh bệnh hơn là chữa bệnh. Những loại rượu này nếu không biết cách ngâm sẽ sản sinh ra nhiều chất độc tự nhiên và sẽ gây nhiều nguy hiểm như ngộ độc hoặc biến chứng cho người sử dụng.

  1. Tác hại của rượu thủ công không đảm bảo

Trong giai đoạn từ năm 2013 – 2017, toàn quốc đã xảy ra 28 vụ ngộ độc thực phẩm (5, 6 vụ/năm) do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm làm 193 người mắc và 34 người chết.[6] Thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu với số lượng tăng cao. Như vào năm 2017, tại Lai Châu có 7 người chết, 24 người nhập viện vì ngộ độc rượu methanol; cả vụ 4 người ngộ độc rượu ở tỉnh Quảng Nam do mua từ một cơ sở nấu rượu của một hộ dân trong thôn. Gần đây tại Bình Thuận có 3 người chết do mua rượu ở một tiệm tạp hóa và rất nhiều các vụ ngộ độc rượu khác đã xảy ra vô cùng đáng tiếc.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc đều do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không được cấp chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm hoặc sản phẩm do người tiêu dùng tự pha chế và nấu sẵn. Thống kê cho thấy, các loại rượu đã sử dụng trong 28 vụ ngộ độc thực phẩm trong giai đoạn 2013 – 2017 là rượu trắng có hàm lượng methanol cao (32,1%), rượu ngâm thuốc là 5/28 vụ (17,9%), rượu ngâm cây rừng độc là 11/28 vụ (39,3%), rượu ngâm củ ấu là 3/28 vụ (10,7%).[7] Có thể thấy loại rượu ngâm các loại cây rừng, cây thuốc, củ ấu, v.v.. xuất phát từ việc người dân tự pha chế rượu mà không biết rằng các loại độc tố tự nhiên này chứa đựng vô số nguy hiểm tiềm tàng. Còn methanol là một hóa chất cực độc, chỉ cần uống từ 5ml đến 15ml có thể gây ngộ độc nặng, từ 15ml trở lên đã gây mù lòa và 30ml có thể gây chết người. Nhìn vào những thống kê, số liệu và các vụ việc thực tiễn xảy ra, có thể thấy việc quản lý rượu thủ công cần được siết chặt hơn bởi sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước. Và quan trọng hơn đó là sự quan tâm và thực hiện nghiêm túc của những người sản xuất, kinh doanh rượu thủ công mới thực sự giúp ích cho việc giảm thiểu và kiểm soát các vụ ngộ độc do rượu gây ra.

  1. Quy định về sản xuất rượu thủ công

Quản lý của Nhà nước[8]

Uỷ ban nhân dân các cấp sẽ thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện rà soát, thống kê số lượng các hộ cá nhân, tổ chức và cá nhân sản xuất rượu thủ công.

Còn thực hiện kiểm tra chất lượng rượu thủ công được sản xuất, lưu hành trên địa bàn; phòng, chống rượu, bia giả, nhập lậu, không đảm bảo chất lượng và các hoạt động khác có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Hơn nữa, sẽ thực hiện vận động và tạo điều kiện về mặt thủ tục cho các đối tượng sản xuất rượu thủ công chưa có giấy phép sản xuất rượu hoặc đăng ký với Uỷ ban nhân dân cấp xã việc bán rượu cho cơ sở đã có giấy phép để chế biến lại.

Và các cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh sẽ được hướng dẫn để bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nên chú ý phải tự kê khai gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã các thông tin về sản lượng rượu, phạm vi sử dụng và cam kết không bán rượu ra thị trường (Bản kê khai theo[9]).

Mức phạt hành chính[10]

Đối với quy định cũ trong nghị định 185/2013 thì mức phạt tiền về

hành vi vi phạm về sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh[11]

sẽ tương ứng với phần trăm sản lượng được phép sản xuất mà đối tượng vi phạm. Cụ thể là ở các mức 05%, 10%, 15% và 20%.

Theo đó sẽ có mức phạt tiền tối thiểu là 1.000.000 đồng[12] và tối đa là 20.000.000 đồng[13].

Tuy nhiên, theo Nghị định mới ban hành có hiệu lự từ ngày 15 tháng 10 năm 2020 (Nghị định 98/2020) thì việc xử phạt đối với hành vi vi phạm về kinh doanh rượu thủ công sẽ dựa vào mức nồng độ cồn để xử phạt. Cụ thể được quy định như sau[14]:

– Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại mà không đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ hoặc kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ mà không đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện theo quy định.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Tăng cường quản lý rượu thủ công”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 2.1 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia 2019

[2] Điều 2.7 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019

[3] Điều 15.2 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019

[4] Điều 15.3 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019

[5] Điều 18.3 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia 2019

[6] Thông tin từ Báo Nhân dân

[7] Thông tin từ Báo Nhân dân

[8] Điều 25 Nghị định 24/2020

[9] Biểu mẫu tại Phụ lục Thông tư 26/2019/TT-BCT

[10] Điều 35, 36 Nghị định 185/2013

[11] Điều 35 Nghị định 185/2013

[12] Điều 35.1.a Nghị định 185/2013

[13] Điều 35.1.đ Nghị định 185/2013

[14] Điều 25 Nghị định 98/2020.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
[the_ad_group id="252"]
Categories: Doanh nghiệp
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*