Tài sản chung nào trong thoả thuận phân chia tài sản sẽ thành tài sản riêng?
Tài sản chung nào trong thoả thuận phân chia tài sản sẽ thành tài sản riêng?
Thoả thuận chia tài sản chung là quyền lợi của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Thực tế, việc thoả thuận này đã được nhiều cặp vợ chồng xác lập, để phân chia rõ ràng phần tài sản chung của cả hai. Việc thoả thuận như vậy chủ yếu được thực hiện ở các cặp vợ chồng có tiếp cận với văn hoá phương Tây, không e ngại việc phân chia sẽ làm ảnh hưởng tình cảm đôi bên, hơn nữa đó cũng cách các bên thể hiện sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và thắt chặt tình cảm trong hôn nhân. Trong quá trình xác lập thoả thuận phân chia tài sản thực tế vẫn có nhiều sự nhầm lẫn về tài sản chung để phân chia, cụ thể là các tài sản được hình thành sau khi thoả thuận có phải đều sẽ được phân chia thành tài sản riêng hay không?. Vì thế, Luật Nghiệp Thành sẽ giải đáp bạn đọc nội dung trên.
1.Đầu tiên, ta cần là rõ trong văn bản thoả thuận phân chia tài sản chung là gì?[1]
Cụ thể, việc thoả thuận đó là thoả thuận về việc chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng, nhưng phải thoả thuận trong thời kỳ hôn nhân.
Do đó, có thể cả hai sẽ thoả thuận phân chia toàn bộ tài sản chung hoặc chỉ một phần trong khối tài sản chung. Nếu chỉ chia một phần thì khối tài sản chưa chia cũng vẫn sẽ là tài sản chung. Các bên cũng cần lưu ý về mặt hình thức của văn bản thoả thuận là phải được lập thành văn bản.
Để đảm bảo tính xác thực, một trong các bên có thể yêu cầu công chứng văn bản thoả thuận tại các tổ chức hành nghề công chứng. Nếu các bên không nhất trí về thoả thuận, thì vẫn có thể yêu cầu Toà án giải quyết việc chia tài sản.
Đối với văn bản thoả thuận, các bên đều có thể tự lựa chọn thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung, nếu thoả thuận không xác định thì hiệu lực của thoả thuận sẽ được tính từ ngày lập văn bản.
Nên chú ý rằng, việc lập văn bản thoả thuận trên chỉ nhằm mục đích phân chia tài sản chung của vợ chồng, mối quan hệ hôn nhân của cả hai vẫn tồn tại và không bị ảnh hưởng bởi thoả thuận phân chia tài sản chung.
2.Vậy trong trong thoả thuận trên, các tài sản hình thành sau khi đã thoả thuận sẽ đều là tài sản riêng của vợ hoặc chồng đã tạo lập hay không?
Như đã nêu, thoả thuận phân chia trên đã đề cập sẽ chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung của vợ chồng. Điều đó có thể hiểu, tài sản chia này phải là tài sản được xác định, là có thật, được liệt kê rõ ràng trong thoả thuận. Nghĩa là tài sản đó đang tồn tại hoặc tài sản đó chắc chắn sẽ được hình thành trong tương lai.[2]
Ví dụ như: Hai vợ chồng có mua một căn hộ đã hoàn tất việc công chứng hợp đồng chuyển nhượng với bên bán. Tuy nhiên, căn hộ chung cư trên vẫn đang được xây dựng, chưa nghiệm thu và đang được xây dựng theo đúng tiến độ đã cam kết. Nên căn nhà là tài sản được hình thành trong tương lai và chắc chắc sẽ được hình thành. Và người chồng đã thoả thuận sẽ xác lập với người vợ một thoả thuận phân chia tài sản, trong đó căn hộ trên sẽ là tài sản riêng của người vợ.
Ví dụ với tài sản không chắc chắn sẽ hình thành trong tương lai, chẳng hạn cũng là một căn hộ, tuy nhiên hai vợ chồng chỉ mới bàn bạc là sẽ mua căn hộ chứ chưa hề có xác lập bất cứ một hợp đồng mua bán nào cả. Nên có thể tài sản trên sẽ có hoặc không có tồn tại, vì chưa có một giao dịch nào được thực hiện để chứng minh quyền sở hữu căn nhà của cặp vợ chồng này.
Chính vì thế, nếu tài sản mà được hình thành sau khi cả hai đã lập thoả thuận nhưng không là tài sản đã định trước hoặc không thể chắc chắn hình thành thì sẽ không thể xem là tài sản chung của vợ chồng để phân chia thành tài sản riêng.
Nếu vẫn muốn thoả thuận, thì các bên có thể lập “Thoả thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng”.[3] Tại thoả thuận này sẽ nêu rõ tài sản nào là tài sản chung và riêng của hai vợ chồng mà không chịu sự ảnh hưởng của việc tài sản đó phải cụ thể do thời điểm lập thoả thuận này là phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức công chứng hoặc chứng thực.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu phân chia tài sản, các cặp vợ chồng muốn phân chia cần phân biệt rõ thời điểm lập các thoả thuận để tránh sự nhầm lẫn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Tài sản chung nào trong thoả thuận phân chia tài sản sẽ thành tài sản riêng?”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng với chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Tổng hợp
[1] Điều 38 Luật Hôn nhân và gia đình 2014
[2] Tham khảo tại “Ly hôn gặp khó biết hỏi ai”. Luật sư Nguyễn Hữu Phước-Luật sư Lạc Thị Tú Duy
[3] Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014