Rủi ro khi mượn hồ sơ người khác để đi làm

Rủi ro khi mượn hồ sơ người khác để đi làm

Rủi ro khi mượn hồ sơ người khác để đi làm

Tình huống: Chào Luật sư, tôi hiện đang làm việc tại Công ty A trụ sở tại Quận 1 – TPHCM. Vì lý do tôi không đáp ứng điều kiện về tuổi tác khi công ty A tuyển dụng. Tôi đã mượn giấy tờ, hồ sơ của em gái ruột để ứng tuyển vào Công ty và được nhận làm việc từ đầu năm 2022 đến nay. Nay tôi bị tai nạn trong lúc làm việc, Luật sư cho tôi hỏi về vấn đề hưởng chế độ tai nạn lao động trong trường hợp của tôi.

Giải đáp: Luật Nghiệp Thành xin giải đáp thắc mắc của bạn như sau:

Không ít trường hợp vì để đáp ứng điều kiện ứng tuyển đi làm, nhiều người đã bất chấp mượn thông tin cá nhân, hồ sơ của người thân, bạn bè để ứng tuyển và làm việc tại các công ty. Việc mượn hồ sơ người khác để đi làm giúp người lao động giải quyết được các vấn đề thu nhập trước mắt, tuy nhiên lại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chính người lao động về các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, … Và người cho người khác mượn hồ sơ đi làm cũng gặp những rắc rối nhất định. Và hiện nay, hành vi mượn hồ sơ người khác để đi làm được xem là hành vi vi phạm pháp luật.

Mất trắng quyền lợi bảo hiểm xã hội khi mượn hồ sơ người khác đi làm

Lấy thông tin người khác để đi làm cũng đồng nghĩa với việc tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội như ốm đau, tai nạn lao động, thai sản, hữu trí tử tuất sẽ tham gia dựa trên thông tin của người cho mượn hồ sơ đi làm. Người lao động sẽ không được ghi nhận việc tham gia bảo hiểm xã hội trong quá trình làm việc. Do đó, người lao động sẽ mất hoàn toàn quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Người lao động sẽ không được ghi nhận chế độ bảo hiểm xã hội và không được hưởng quyền lợi, trợ cấp khi bị bệnh phải nghỉ làm, sinh con, chế độ hưu trí khi hết tuổi làm việc, chế độ tử tuất khi chết và khi không may gặp tai nạn trong quá trình làm việc như trường hợp của bạn.

Đối với trường hợp của bạn, việc chẳng may bị tai nạn trong lúc làm việc. Theo quy định bạn sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Bao gồm chế độ hỗ trợ của công ty và chế độ tai nạn lao động của cơ quan bảo hiểm xã hội[1].

Ví dụ: Bạn bị tai nạn trong lúc làm việc, dẫn đến gãy chân. Mức suy giảm khả năng lao động được xác định là 10%. Bạn phải phẩu thuật và nằm viện điều trị 10 ngày, ở nhà điều trị, phục hồi 60 ngày. Mức lương của bạn tại công ty và mức lương tham gia bảo hiểm xã hội là 8 triệu đồng. Quyền lợi của bạn như sau:

Bạn sẽ được Công ty hỗ trợ

– Toàn bộ chi phí sơ cứu, y tế, phẫu thuật và chi phí nằm viện điều trị nội trú.

– Tiền lương trong thời gian 70 ngày điều trị, phục hồi khoảng 22.400.000

Document

– Bạn suy giảm khả năng lao động từ 5% – 10%. Có thể được bồi thường tối thiểu là 1,5 tháng tiền lương khoảng 12 triệu đồng nếu nguyên nhân không hoàn toàn do lỗi của bạn hoặc được trợ cấp 0,6 tháng[2] tiền lương khoảng 4.800.000 nếu nguyên nhân do lỗi bạn gây ra.

Bạn sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần chế độ bảo hiểm xã hội do quỹ tai nạn lao động chi trả. Mức hưởng đối với trường hợp suy giảm 10% khả năng lao động là 7,5 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở mới hiện nay là 1,8 triệu đồng[3]. Như vậy bạn sẽ được trợ cấp 1 lần là 13.500.000.

Ngoài ra, bạn còn được hưởng các quyền lợi về trợ cấp phục vụ, hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt và nhiều quyền lợi khác.

Với phép nhẩm tính đơn giản, khi chẳng may bạn bị tai nạn lao động như ví dụ trên, bạn sẽ được hỗ trợ, trợ cấp khoảng 40 – 50 triệu đồng và nhiều chi phí, quyền lợi khác. Tuy nhiên, nếu rơi vào trường hợp mượn hồ sơ người khác đi làm bạn sẽ không được hưởng bất cứ quyền lợi hay trợ cấp khi bị tai nạn lao động. Chưa kể đến các hệ quả liên quan như không thể đi làm trong thời gian điều trị, phục hồi và bị công ty phát hiện.

Qua ví dụ bạn có thể thấy quyền lợi của người lao động khi mượn hồ sơ người khác đi làm sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với trường hợp chẳng may bị tai nạn lao đồng. Các chế độ thai sản, hưu trí, tử tuất hay ốm đau cũng sẽ bị mất trắng.

Đối với người cho người khác mượn hồ sơ đi làm sẽ gặp rắc rối đối với vấn đề trùng quá trình tham gia bảo hiểm xã hội. Đa số những trường hợp cho người khác mượn hồ sơ đi làm thì hệ thống bảo hiểm xã hội sẽ ghi nhận tham gia bảo hiểm ở xã hội 2 nơi. Khi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội sẽ bị cơ quan bảo hiểm xã hội xác minh, phát hiện và dẫn đến không được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

Bị xử phạt vi phạm hành chính và công ty cho nghỉ việc

Hành vi mượn hồ sơ của người khác để đi làm hay cho người khác mượn hồ sơ đi làm đều là hành vi vi phạm pháp luật. Thuộc trường hợp gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thuộc các hành vi bị nghiêm cấm theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014[4].

Hành vi mượn hồ sơ người khác để đi làm được xếp vào hành vi kê khai không đúng sự thật liên quan đến hưởng bảo hiểm xã hội và có thể bị xử phạt đến 2.000.000 đồng[5].

Ngoài ra hành vi mượn thông tin của người khác để đi làm bao gồm việc mượn, sử dụng chứng minh nhân dân, căn cước công dân của người khác còn có thể bị xử phạt đến 2.000.000 đồng[6].

Người lao động trong trường hợp này cũng được xác định vi phạm nguyên tắc, nghĩa vụ trung thực khi giao kết hợp đồng lao động. Và hoàn toàn có cơ sở để Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và cho người lao động nghỉ việc[7].

Giải pháp khắc phục khi mượn hồ sơ người khác đi làm

Tại thành phố Hồ Chí Minh, vấn đề bảo hiểm xã hội khi mượn hoặc cho mượn hồ sơ để đi làm dẫn đến trùng bảo hiểm xã hội sẽ được giải quyết căn cứ theo Công văn số 3663/BHXH-THU ngày 19/11/2014 của Bảo hiểm xã hội TPHCM.

Theo đó, người cho mượn, người mượn hồ sơ người khác để đi làm phải chịu xử phạt vi phạm hành chính như Luật Nghiệp Thành đã nêu ở trên. Và thực hiện thủ tục điều chỉnh nhân thân trên hồ sơ bảo hiểm xã hội của cả hai người[8].

Việc mượn hồ sơ người khác để đi làm là hành vi vi phạm pháp luật và dẫn đến nhiều thiệt thòi liên quan đến quyền lợi bảo hiểm xã hội và nhiều quyền lợi lao động khác. Do đó, người mượn hồ sơ người khác để đi làm hay người cho mượn hồ sơ cần nhanh chóng liên hệ bộ phận hành chính, nhân sự, kế toán của công ty và cơ quan bảo hiểm xã hội để phối hợp xử lý dứt điểm. Đảm bảo tối đa quyền lợi về bảo hiểm xã hội khi làm việc.

 

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về việc “Rủi ro khi mượn hồ sơ người khác để đi làm”.

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Tiến Thành

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 38 và Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015

[2] Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH

[3] Điều 3.2 Nghị định 24/2023/NĐ-CP

[4] Điều 17.4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014

[5] Điều 39.1 Nghị định 28/2020/NĐ-CP

[6] Điều 10.2 Nghị định 144/2021/NĐ-CP

[7] Điều 36.1 (g) Bộ Luật lao động năm 2019

[8] Khoản 7 Công văn 3663/BHXH-THU của Bảo hiểm xã hội TPHCM ngày 19/11/2014

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*