Quy trình xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Quy trình xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Quy trình xin cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được cấp cho bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng hay lương y, … Là điều kiện tiên quyết để những người được đào tạo nhiều năm trong lĩnh vực y học có thể thực hiện việc thăm, khám, chữa bệnh, làm việc trong các bệnh viện, phòng khám hay mở phòng khám, cơ sở y tế. Hiện nay quy định về cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại nhiều văn bản pháp luật, làm cho nhiều người vẫn còn nhầm lẫn hoặc chưa hiểu rõ về quy trình cấp chứng chỉ khám bệnh, chữa bệnh này. Bài viết sau, Luật Nghiệp Thành sẽ cùng bạn tìm hiểu về quy trình để được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

 

1. Đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y hoặc người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền sẽ được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề để đủ điều kiện thực hiện việc thăm, khám, chữa bệnh cho người bệnh.

Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là tên gọi chung cho chứng chỉ cấp cho những người làm việc trong lĩnh vực y học, y tế.

– Với bác sĩ, y sỹ, lương y sẽ được cấp chứng chỉ khám bệnh, chữa bệnh theo từng phạm vi chuyên môn. Chẳng hạn như:

+ Chứng chỉ hành nghề bác sĩ có phạm vi hoạt động chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh đa khoa;

+ Chứng chỉ hành nghề bác sĩ có phạm vi hoạt động chuyên môn theo chuyên khoa (Hồi sức cấp cứu và chống độc, nội khoa, ngoại khoa, da liễu, tâm thần, nội tiết, bỏng, ung bướu, phụ sản, mắt, tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, ….);

– Với điều dưỡng sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề điều dưỡng. Khi có chứng chỉ hành nghề, điều dưỡng viên sẽ được trực tiếp làm việc và chịu trách nhiệm chuyên môn, không còn làm việc dưới danh nghĩa phụ việc, học việc.

– Với hộ sinh sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề hộ sinh. Khi có chứng chỉ hành nghề, hộ sinh mới được trực tiếp làm việc chuyên môn, chịu trách nhiệm tại các khoa sản phụ khoa của các cơ sở y tế.

 

2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Khám bệnh, chữa bệnh là công việc cao quý, đòi hỏi tay nghề chuyên môn cao cũng như thời gian đào tạo, thực hành đủ lâu mới có thể làm việc, hành nghề. Chính vì vậy, chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được xem như một văn bản quan trọng để chứng nhận chuyên môn cũng như kinh nghiệm của người làm việc thăm, khám, chữa bệnh. Hiện nay, để xin cấp chứng chỉ hành nghề, bạn phải đáp ứng 4 điều kiện:

Thứ nhất, phải có văn bằng, giấy chứng nhận về hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

Người xin cấp CCHN khám bệnh, chữa bệnh phải là người được đào tạo về y học, có kinh nghiệm y học và có văn bằng chuyên môn như: bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, bác sĩ y khoa hay giấy chứng nhận lương y, giấy chứng nhận có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền, …

Riêng đối với bác sĩ có bằng cử nhân trước ngày 15/01/2021, phải có thêm chứng chỉ định hướng chuyên khoa, chứng chỉ đào tạo liên tục định hướng chuyên khoa với thời gian từ 06 tháng trở lên[1]. Chứng chỉ định hướng chuyên khoa này do các trường Đại học, các bệnh viện tự tổ chức và cấp chứng chỉ. Hiện nay, Bộ Y tế đã yêu cầu dừng  đào tạo, dừng cấp các chứng chỉ này từ ngày 09/07/2019[2]. Chính vì vậy, cử nhân bác sĩ tốt nghiệp sau ngày 15/01/2021 khi xin cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ không cần chứng chỉ định hướng chuyên khoa và các chứng chỉ tương đương.

Thứ hai, có văn bản xác nhận thời gian thực hành:

Yêu cầu thực hành tay nghề theo đủ thời gian quy định là điều kiện bắt buộc để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với bác sĩ, y sĩ, hộ sinh, điều dưỡng hay kỹ thuật viên. Đây được xem như thời gian tập sự tay nghề, học việc chuyên môn để được cấp chứng chỉ hành nghề. Đối với lương y và người có bài thuốc gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền thì không cần đáp ứng điều kiện thực hành này.

Hiện nay, do yêu cầu đánh giá chuẩn năng lực và vai trò quan trọng của người thực hiện công việc khám bệnh, chữa bệnh đối với xã hội. Quy định thực hành tay nghề được Bộ Y tế ra nhiều văn bản hướng dẫn riêng, chi tiết cho từng đối tượng. Cụ thể thời gian thực hành từng đối tượng như sau[3]:

– Bác sĩ tốt nghiệp cử nhân trước ngày 15/01/2021[4]

Thời gian thực hành là 18 tháng tại bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh. Do quy định đối với bác sĩ tốt nghiệp trước ngày 15/01/2021 không yêu cầu thời gian thực hành phân bổ theo từng chuyên khoa, nên tùy vào chứng chỉ định hướng chuyên khoa, bệnh viện cơ sở y tế nhận người thực hành sắp xếp người thực hành tập sự, học việc tại các chuyên khoa theo định hướng.

– Bác sĩ tốt nghiệp sau ngày 15/01/2021

Document

Thời gian thực hành là 18 tháng nhưng phải phân bổ theo chuyên khoa như sau[5]:

+ Khoa Nội (có hồi sức cấp cứu): 5 tháng

+ Khoa Ngoại: 3 tháng

+ Khoa Sản phụ khoa: 3 tháng

+ Khoa nhi: 4 tháng

+ Chuyên khoa thuộc phạm vi cấp chứng chỉ hành nghề (tai mũi họng, răng hàm mặt, mắt, da liễu, …): 3 tháng.

Ví dụ: bác sĩ muốn cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi chuyên môn tai mũi họng thì có thời gian thực hành tại bệnh viện, cơ sở y tế là 18 tháng. Trong đó thực hành tại khoa nội: 5 tháng, khoa ngoại: 3 tháng, khoa sản phụ khoa: 3 tháng, khoa nhi: 4 tháng và khoa tai mũi họng: 3 tháng. Bác sĩ khi thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề phải lựa chọn các bệnh viện, cơ sở y tế lớn đảm bảo có đủ các khoa như trên để thực hiện việc thực hành, học việc, tập sự.

Lưu ý: chứng chỉ hành nghề của bác sĩ có phạm vi hoạt động chuyên môn 01 trong 04 chuyên khoa: nội khoa, ngoại khoa, nhi khoa và khoa sản phụ khoa thì thời gian thực hành sẽ không phân bổ như trên. Bác sĩ sẽ phải thực hành đủ 18 tháng tại 01 trong 04 khoa để được cấp chứng chỉ hành nghề theo phạm vi hoạt động chuyên môn.

– Y sĩ: 12 tháng thực hành tại bệnh viện

–  Hộ sinh: 09 tháng thực hành tại bệnh viện có khoa phụ sản hoặc tại nhà hộ sinh

– Điều dưỡng, kỹ thuật viên: 09 tháng thực hành tại cơ sở khám, chữa bệnh

Các bệnh viện, cơ sở y tế nhận người thực hành sẽ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hành hàng năm để gửi đến Sở Y tế, Bộ Y tế và có trách nhiệm phân công hướng dẫn thực hành, thời gian thực hành tại các chuyên khoa để đảm bảo người thực hành được tập sự, làm việc tại các chuyên khoa đủ thời gian theo quy định. Do đó, người thực hành cần xem xét định hướng chuyên khoa mà người thực hành mong muốn cấp chứng chỉ hành nghề và phạm vi hoạt động của cơ sở y tế, bệnh viện để lựa chọn nơi thực hành phù hợp.

Khi thực hành tại cơ sở y tế, bạn phải giao kết hợp đồng thực hành[6]. Ngoài ra trong quá trình thực hành này, bạn sẽ được tập huấn các quy định pháp luật, quy chế chuyên môn, đạo đức hành nghề và các kỹ năng khác nhằm đáp ứng chuẩn năng lực của một người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi hoàn thành thời gian thực hành, bạn sẽ được cơ sở y tế nơi thực hành cấp văn bản xác nhận quá trình thực hành. Mẫu giấy xác nhận quá trình thực hành: Mẫu giấy xác nhận quá trình thực hành (Theo Mẫu 01 – PL1)

Thứ ba, có giấy chứng nhận đủ sức khỏe hành nghề khám bệnh, chữa bệnh:

Công việc khám bệnh, chữa bệnh đòi hỏi người làm việc phải có sức khỏe tốt, tâm lý vững vàng, đồng thời yêu cầu sức khỏe phù hợp là tiêu chuẩn yêu cầu trong chuẩn năng lực cơ bản của một bác sĩ. Vì lý do đó, thành phần hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề yêu cầu bạn phải có chứng nhận đủ sức khỏe thực hiện công việc thăm, khám, chữa bệnh.

Thứ tư, không thuộc trường hợp không được hành nghề khám, chữa bệnh:

Bạn phải đảm bảo không bị cấm hành nghề hay không thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp xử phạt hành chính, bị kỷ luật hay hình thức khác dẫn đến không được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Đối với người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh còn phải đảm bảo:

– Có giấy chứng nhận công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng ngôn ngữ khắc hoặc đủ trình độ phiên dịch trong khám bệnh, chữa bệnh.

– Có lý lịch tư pháp có xác nhận của lãnh sự quán, đại sứ quán.

– Có giấy phép lao động cấp tại Việt Nam.

 

3. Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh

Chuẩn bị hồ sơ[7]:

Để cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh lần đầu, bạn cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ 7 món, bao gồm:

Stt

Nội dung

Mẫu/ Hướng dẫn

1

Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghềMẫu 01 – PL1

2

Bản sao văn bằng chuyên môn

3

Giấy xác nhận quá trình thực hànhMẫu 02 – PL1

4

Giấy chứng nhận đủ sức khỏe

5

Phiếu lý lịch tư pháp

6

Sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ sở y tế nơi làm việc hoặc của UBND xãMẫu 03 – PL1

7

Hai ảnh màu (4 x 6 cm)– Chụp trên nền trắng

– Thời hạn không quá 6 tháng

 

Cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh[8]:

– Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm việc tại cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế

– Sở y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho cơ sở y tế trên địa bàn thuộc quản lý của Sở

– Bộ Quốc phòng chứng chỉ hành nghề cho người làm việc tại cơ sở y tế thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng

Tùy theo nơi làm việc và địa bàn làm việc, bạn nộp hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh về Bộ Y tế, Sở Y tế hoặc Bộ Quốc phòng.

Hình thức nộp hồ sơ:

– Nộp trực tiếp. Bạn sẽ nhận được phiếu tiếp nhận hồ sơ ngay thời điểm nộp hồ sơ.

– Nộp thông qua đường bưu điện. Phiếu tiếp nhận hồ sơ sẽ được gửi trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày cơ quan tiếp nhận nhận được hồ sơ.

Thời gian xử lý hồ sơ[9]:

– Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, trong vòng 30 ngày làm việc bạn sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong đó bao gồm thời hạn 20 ngày để thẩm định hồ sơ, ra biên bản thẩm định và 10 ngày để cấp chứng chỉ hành nghề.

– Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ: sau thời hạn 20 ngày thẩm định và ra biên bản thẩm định hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ, cơ quan tiếp nhận sẽ ra văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc tiếp theo. Sau đó, trong thời hạn 60 ngày bạn phải thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hồ sơ và tiếp tục được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề trong thời hạn 30 ngày như trường hợp hồ sơ hợp lệ.

Lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh[10]: 360.000 đồng / 1 lần thẩm định

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy trình cấp chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Tiến Thành

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Công văn 6797/BYT-KCB

[2] Công văn 3928/BYT-K2ĐT

[3] Điều 24 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009

[4] Công văn 6797/BYT-KCB

[5] Điều 4 Thông tư 21/2020/TT-BYT

[6] Điều 6 Thông tư 21/2020/TT-BYT

[7] Điều 5 Nghị định 109/2016/NĐ-CP

[8] Điều 26 Nghị định 109/2016/NĐ-CP

[9] Điều 10 Nghị định 109/2016/NĐ-CP

[10] Biểu mức phu phí trong lĩnh vực y tế – Thông tư 278/2016/TT-BYT

Document
Categories: Y Tế

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*