Quy trình khởi kiện vụ án lao động
Nếu như trước đây, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động do Nhà nước quy định điều chỉnh, thì nay các quyền và nghĩa vụ của các bên lại được xác lập và thực hiện trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận. Mối quan hệ giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) thực chất là mối quan hệ trao đổi hàng hóa sức lao động. Theo đó, mỗi bên trong mối quan hệ này đều nhằm đạt được lợi ích một cách tối đa. Cho nên, giữa họ khó có thể thống nhất được các quyền và nghĩa vụ trong quá trình thực hiện quan hệ lao động. Nếu các bên không thể dung hòa được quyền lợi thì có thể dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng.Từ đó, tranh chấp lao động xảy ra là điều khó tránh khỏi.
Bên cạnh việc thực hiện khiếu nại như chúng tôi đã trình bày ở bài viết “Trình tự thủ tục khiếu nại về lao động” thì bạn cũng có thể lựa chọn phương án khởi kiện NSDLĐ tại Tòa án để giải quyết tranh chấp lao động.
Trên thực tế, đây là phương thức giải quyết tranh chấp được các bên sử dụng để giải quyết tranh chấp khi giữa họ đã không tìm được tiếng nói chung.
Nhìn chung, một vụ kiện lao động thông thường sẽ được giải quyết trong khoảng thời gian từ 6 – 8 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án. Trong trường hợp, khi một trong các bên hoặc cả hai bên không đồng ý với bản án sơ thẩm của Tòa án thì có thể kháng cáo Tòa án giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Thời gian giải quyết sơ thẩm vụ án thường trong khoảng từ 4 – 6 tháng.
Đối với một số trường hợp, trước khi khởi kiện vụ án lao động thì bạn phải trải qua thủ tục hòa giải. Việc hòa giải sẽ do hòa giải viên lao động do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cử ra để giải quyết.
1) Yêu cầu hòa giải trước khi khởi kiện vụ án lao động
Thời hiệu yêu cầu hòa giải:
Thời hiệu để bạn yêu cầu hòa giải viên thực hiện việc hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 6 tháng kể từ ngày bạn biết được, phát hiện ra hành vi mà theo bạn những hành vi đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình[1].
Các tranh chấp lao động không cần hòa giải:
Tranh chấp về xử lý kỷ luật sa thải hoặc tranh chấp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ; Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, các khoản trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ; Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình và chủ nhà,…[2]
Trình tự tiến hành hòa giải:
Ngoại trừ các trường hợp không cần phải thực hiện thủ tục hòa giải đã nêu trên thì trước khi nộp đơn khởi kiện ra Tòa án, bạn cần phải tiến hành thủ tục hòa giải theo các bước sau:
Bước 1: Bạn nộp đơn yêu cầu hòa giải về lao động đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương.
Bước 2: Hòa giải viên sẽ tiếp nhận đơn yêu cầu và sau đó gửi thông báo mời NLĐ và NSDLĐ tham dự phiên hòa giải.
Bước 3: Các bên tham gia phiên họp để thương lượng giải quyết tranh chấp.
Hòa giải viên lao động sẽ hướng dẫn các bên về việc thương lượng. Trong trường hợp thỏa thuận được thì hòa giải viên lao động sẽ lập biên bản hòa giải thành. Còn đối với trường hợp không thỏa thuận được thì người này sẽ đề ra một số phương án để các bên có thể xem xét. Nếu hai bên chấp nhận phương án hòa giải được đưa ra thì hòa giải viên lao động sẽ lập biên bản hòa giải thành[3].
Còn đối với trường hợp các bên không chấp nhận phương án hòa giải nêu trên hoặc một bên được triệu tập đến cuộc họp 2 lần mà vẫn vắng mặt thì hòa giải viên lao động sẽ lập biên bản hòa giải không thành[4].
Lưu ý: Biên bản hòa giải không thành được lập phải có chữ ký của hòa giải viên giải quyết tranh chấp lao động và các bên có mặt.
Bước 4: Bản sao của Biên bản hòa giải nêu trên phải được gửi đến các bên tranh chấp trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày biên bản được lập[5].
Trong trường hợp hòa giải không thành; Các bên không thực hiện những điều đã thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc đã hết 5 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành giải quyết thì mỗi bên đều có quyền nộp đơn khởi kiện ra Tòa án[6].
2) Khởi kiện vụ án lao động
Thời hiệu khởi kiện vụ án lao động
Thời hiệu khởi kiện vụ án lao động được hiểu là khoảng thời gian mà khi kết thúc thời hạn này thì bạn sẽ mất quyền khởi kiện vụ án lao động. Thời hiệu để khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 1 năm kể từ ngày bạn biết được, phát hiện ra hành vi mà theo bạn những hành vi đó xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình[7].
Hình thức và nội dung đơn khởi kiện[8]
Về hình thức: Đơn khởi kiện phải được lập thành văn bản[9].
Về nội dung: Đơn khởi kiện phải có đầy đủ các nội dung sau: Thời gian làm đơn khởi kiện; Tên Tòa án nhận đơn; Tên, nơi cư trú, làm việc (trụ sở) của người khởi kiện; Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện,…[10]
Trình tự thủ tục khởi kiện vụ án lao động
Bước 1: Nếu yêu cầu khởi kiện thuộc trường hợp phải hòa giải thì bạn phải hoàn tất thủ tục hòa giải trước khi tiến hành việc khởi kiện. Còn nếu không thuộc trường hợp phải hòa giải thì bạn có thể bắt đầu từ Bước 2 dưới đây.
Bước 2: Chuẩn bị đơn khởi kiện với nội dung và hình thức như đã nêu ở trên. Tùy theo yêu cầu khởi kiện thì bạn cũng cần chuẩn bị các tài liệu có liên quan để nộp kèm với đơn khởi kiện bao gồm: HĐLĐ và các phụ lục của Hợp đồng (nếu có); Bản sao CMND của bạn;
Trong trường hợp khởi kiện về việc chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của NSDLĐ thì bạn cần phải nộp Quyết định/Thông báo chấm dứt HĐLĐ; Nếu khởi kiện về Quyết định sa thải NLĐ trái pháp luật thì bạn cần nộp Quyết định sa thải của NSDLĐ.
Lưu ý: Các tài liệu nộp cho Tòa án phải là bản chính hoặc bản sao y có chứng thực.
Bước 3: Bạn có thể nộp đơn khởi kiện trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến TAND cấp huyện nơi NSDLĐ đặt trụ sở chính[11].
Nếu tranh chấp lao động này là tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt HĐLĐ, BHXH, BHYT, BHTN, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác đối với NLĐ thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nơi mình cư trú hoặc nơi mình làm việc để Tòa án này giải quyết[12].
Lưu ý: Cùng với đơn khởi kiện, bạn phải nộp kèm các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ hiện có để chứng minh rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trong trường hợp không thể nộp đầy đủ các loại giấy tờ nêu trên thì bạn có thể bổ sung trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án[13].
Bước 4: Sau khi xem xét đơn khởi kiện của bạn. Nếu Tòa án thấy rằng Đơn này không cần phải sửa đổi, bổ sung và đã phù hợp về thẩm quyền xét xử thì Tòa sẽ thông báo để bạn nộp án phí sơ thẩm (bạn phải nộp án phí trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án thì Tòa án sẽ thụ lý và gửi thông báo thụ lý vụ án cho bạn trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý[14].
Lưu ý: Đối với trường hợp NLĐ khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, bồi thường tai nạn lao động,…thì sẽ được miễn toàn bộ tiền tạm ứng án phí và án phí.
Bước 5: Tòa án tiến hành giải quyết vụ việc. Trong trường hợp vụ án có những điểm chưa rõ thì Tòa án sẽ triệu tập bạn lên để làm bản tự khai, bản giải trình và cung cấp thêm các chứng cứ cần thiết khác.
Nếu các bên có yêu cầu thì Tòa án sẽ mở các buổi hòa giải để các bên có thể thương lượng giải quyết. Phiên tòa sơ thẩm sẽ được mở trong vòng 3 tháng kể từ ngày vụ án được thụ lý.
Các bạn có thể tham khảo “Mẫu đơn khởi kiện” của chúng tôi tại website tuvanluat.vn
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Quy trình khởi kiện vụ án lao động.”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 190.1 Bộ luật Lao động 2019
[2] Điều 188.1 Bộ luật Lao động 2019
[3] Điều 188.4 Bộ luật Lao động 2019
[4] Điều 188.4 Bộ luật Lao động 2019
[5] Điều 188.5 Bộ luật Lao động 2019
[6] Điều 189.4, 5 Bộ luật Lao động 2019
[7] Điều 190.3 Bộ luật Lao động 2019
[8] Tham khảo Mẫu số 23-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP)
[9] Điều 189.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[10] Điều 189.4 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[11] Điều 190 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[12] Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[13] Điều 189.5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015
[14] Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015