Quy định xử phạt hành vi giao dịch ngoại tệ tại Việt Nam
Việt Nam đã và đang là điểm đến của nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Sự xuất hiện của các công ty nước ngoài giúp tăng trưởng nền kinh tế, giải quyết các vấn đề về việc làm. Do các công ty ở nước ngoài nên họ thường sử dụng những đồng tiền mạnh được xem là công cụ thanh toán quốc tế, cụ thể là đồng đô la Mỹ (USD) để thanh toán các chi phí tại Việt Nam.Các công ty dịch vụ, đối tác khách hàng làm việc với những công ty nước ngoài cũng phải thay đổi phương thức thanh toán, báo giá hợp đồng, dịch vụ sang đơn vị thanh toán quốc tế USD để phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Nhưng việc thanh toán, ký kết các hợp đồng, báo giá, thanh toán tiền lương và tất cả các giao dịch ngoại tệ khác có liên quan trên lãnh thổ Việt Nam là vi phạm pháp luật Việt Nam. Vì mọi hoạt động giao dịch thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam bắt buộc phải được thực hiện thanh toán bằng đồng Việt Nam. Mọi hành vi ký kết, báo giá,quảng cáo, thanh toán tiền lương và mọi giao dịch ngoại tệ khác có liên quan dù đã thực hiện hay không thực hiện thanh toán cũng bị xem là hành vi vi phạm[1].
Mức xử phạt cho hành vi này rất cao lên đến 250 triệu đồng cho hành vi vi phạm của cá nhân. Đối với tổ chức vi phạm mức phạt tiền gấp hai lần mức phạt của cá nhân vi phạm[2].
Từ đó có thể thấy việc thực hiện các hoạt động thanh toán bằng ngoại tệ sẽ đem lại rất nhiều rủi ro cho người thanh toán và người nhận thanh toán. Nên các cá nhân, tổ chức khi làm việc với các khách hàng nước ngoài cần giải thích để họ hiểu rõ việc thực hiện các giao dịch bằng ngoại tệ là vi phạm pháp luật và họ có thể bị xử phạt nếu bị cơ quan chức năng phát hiện. Đấy là cách để quyền lợi của khách hàng được bảo đảm và bản thân người làm dịch vụ cũng không phải chịu rủi ro khi làm việc với các khách hàng là người nước ngoài.
Mục đích của việc cấm mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam không được sử dụng ngoại tệ là nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị của đồng Việt Nam. Nếu ngay tại quốc gia sở hữu đồng tiền mà đồng tiền không được sử dụng thông dụng thì giá trị và uy tính của đồng tiền sẽ ngày càng giảm so với các đồng tiền của những nước khác.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về quy định xử phạt hành vi giao dịch ngoại tệ tại Việt Nam.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Cơ
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 3, Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN.
[2] Điều 3.2.b, Điều 24.6 Nghị định 96/2014/NĐ-CP.