Quy định về tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho người nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Quy định về tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho người nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
Hiện nay, có rất nhiều cặp vợ chồng mắc bệnh vô sinh hoặc bị hiếm muộn, với mong muốn có con nhỏ mà nhiều gia đình thay vì nhận nuôi trẻ mồ côi đã lựa chọn phương pháp nhờ mang thai hộ.
Phương pháp mang thai hộ đã được Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cho phép. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng có nhu cầu nhờ mang thai hộ cần đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật để được thực hiện thủ tục này[1]. Trong đó, việc được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý là một trong những điều kiện quan trọng, hỗ trợ cung cấp kiến thức cho các cặp vợ chồng để đưa ra quyết định nhờ mang thai hộ.
Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp cho các bạn đọc có mối quan tâm nắm rõ về điều kiện trên.
- Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con[2].
*Pháp luật cấm trường hợp:
Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính[3].
Trong đó: Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác[4].
Nếu cơ quan điều tra xét thấy đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm việc mang thai hộ vì mục đích thương mại sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Theo đó[5]:
- Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
- Trường hợp tổ chức mang thai hộ đối với hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên hoặc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan tổ chức (như bệnh viên…) hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
- Hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
*Điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người được nhờ mang thai hộ [6]:
Người nhờ mang thai hộ:
- Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
- Những cặp vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ cần có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền rằng người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi thụ tinh trong ống nghiệm, vợ chồng đang không có con chung, đã được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý.
Người được nhờ mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện sau đây để thực hiện việc mang thai hộ[7]:
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
- Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Tư vấn y tế, pháp lý tâm lý:
Đã được tư vấn y tế, pháp lý tâm lý là một trong những điều kiện để các cặp vợ chồng mong muốn con thông qua phương pháp này cần phải đáp ứng[8]. Thông qua đó, họ có thể nắm rõ được các thông tin liên quan đến việc nhờ mang thai hộ mà có cái nhìn tổng quan hơn về phương pháp này. Nội dung cần được tư vấn được quy định như sau:
Nội dung tư vấn về y tế | Nội dung tư vấn về pháp lý | Nội dung tư vấn về tâm lý |
Đối với cặp vợi chồng nhờ mang thai hộ được tư vấn về[9]: – Các phương án khác ngoài việc mang thai hộ hoặc xin con nuôi; – Các khó khăn khi thực hiện mang thai hộ; – Chi phí điều trị cao; Bạn cần tư vấn dịch vụ này! – Khả năng em bé bị dị tật và có thể phải bỏ thai. – Các nội dung khác theo quy định. Đối với người mang thai hộ được tư vấn về[10]: – Các nguy cơ, tai biến có thể xảy ra khi mang thai như sảy thai, thai ngoài tử cung, băng huyết sau sinh và các tai biến khác; – Khả năng em bé bị dị tật và phải bỏ thai; – Các nội dung khác có liên quan. | Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần tư vấn các vấn đề pháp lý sau[11]: – Xác định cha mẹ con trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. – Quyền, nghĩa vụ của người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. – Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. – Các nội dung khác có liên quan.
| Đối với cặp vợi chồng nhờ mang thai hộ được tư vấn về[12]: – Các vấn đề về tâm lý trước mắt và lâu dài của việc nhờ mang thai hộ, người thân và bản thân đứa trẻ sau này; – Người mang thai hộ có thể có ý định muốn giữ đứa bé sau sinh – Tâm lý, tình cảm khi nhờ người mang thai và sinh con; – Các nội dung khác có liên quan theo quy định pháp luật. Đối với người mang thai hộ được tư vấn về[13]: – Tâm lý, tình cảm của người trong gia đình, bạn bè trong thời gian mang thai hộ; – Tác động tâm lý đối với con ruột của mình – Các nội dung khác có liên quan. |
- Trách nhiệm tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý[14]:
Theo quy định pháp luật, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải tổ chức tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Theo đó:
- Người tư vấn về y tế phải là bác sĩ chuyên khoa sản.
- Người tư vấn về pháp lý phải có trình độ cử nhân luật trở lên.
- Người tư vấn về tâm lý phải có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên.
Bên cạnh đó, trường hợp vợ chồng nhờ mang thai hộ hoặc người mang thai hộ có một trong các Bản xác nhận các nội dung tư vấn theo quy định thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ không phải tổ chức tư vấn về lĩnh vực đã có bản xác nhận[15].
- Xử phạt hành chính đối với bên có trách nhiệm tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý vi phạm: Theo quy định của pháp luật tùy theo hành vi vi phạm và mức độ vi phạm mà có mức phạt khác nhau. Theo đó:
Phạt tiền | Hình thức phạt bổ sung |
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng[16] đối với các hành vi như người tư vấn về y tế, tâm lý, pháp lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ không đủ điều kiện tư vấn (ví dụ như người tư vấn về y tế phải là bác sỹ chuyên khoa sản) hoặc tư vấn cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ không đầy đủ các nội dung theo quy định. | Đình chỉ hoạt động mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với cơ sở vi phạm đồng thời từ 03 hành vi trở lên trong các hành vi quy định[17]. |
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng[18] đối với các hành vi bên có trách nhiệm nhưng không thực hiện tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ (trừ trường hợp không phải tư vấn theo quy định của pháp luật), không ký, ghi rõ họ tên, chức danh, địa chỉ nơi làm việc và ngày tư vấn vào bản xác nhận nội dung tư vấn. |
Lưu ý: Mức xử phạt trên là mức xử phạt đối với cá nhân vi phạm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân[19].
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Quy định về tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý cho người nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 95 Luật hôn nhân gia đình 2014.
[2] Điều 3.22 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
[3] Điều 5.2.g Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
[4] Điều 3.23 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014.
[5] Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015.
[6] Điều 95.1, 95.2 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
[7] Điều 95.3 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
[8] Điều 95.2.c Luật hôn nhân và gia đình 2014.
[9] Điều 15.1 Nghị định 10/2015.
[10] Điều 15.2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP.
[11] Điều 16 Nghị định 10/2015.
[12] Điều 17.1 Nghị định 10/2015.
[13] Điều 17.2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP.
[14] Điều 18 Nghị định 10/2015/NĐ-CP.
[15] Điều 18.2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP.
[16] Điều 43.1 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[17] Điều 43.5.a Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[18] Điều 43.2 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[19] Điều 4.5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.