Quy định về tiêu chí kinh tế trang trại và những ưu đãi

Quy định về tiêu chí kinh tế trang trại và những ưu đãi

Quy định về tiêu chí kinh tế trang trại và những ưu đãi

Kinh tế trang trại được xem là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ gia đình và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Là đơn vị chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa[1]. Và chủ yếu dựa vào lực lượng hộ gia đình là chính. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, hộ gia đình vẫn chưa nhận ra tầm quan trọng của mô hình kinh tế trang trại. Đó là qua việc đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại[2]. Những ai đang có nhu cầu mở rộng quy mô hay muốn kích thích sản xuất do gặp khó khăn, v.v… nếu đáp ứng các tiêu chí nhất định, sẽ được ưu đãi vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, còn có nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, lao động, khoa học và công nghệ, v.v…. Đây là những lợi ích của mô hình kinh tế trang trại mà hiện nay nhiều chủ trang trại vẫn chưa tiếp cận được. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ phổ biến các quy định liên quan đến tiêu chí kinh tế trang trại sẽ được áp dụng từ ngày 14/04/2020.

Việc xác định tiêu chí của mô hình kinh tế trang trại sẽ dựa vào hình thức mỗi loại trang trại. Vậy có các loại trang trại được phân loại như thế nào?

  1. Phân loại trang trại[3]

Được phân thành hai loại chính là:

Trang trại chuyên ngànhXác định theo lĩnh vực sản xuất

Tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm. Bao gồm:

+ Trang trại trồng trọt

+ Trang trại chăn nuôi

+ Trang trại lâm nghiệp

+ Trang trại nuôi trồng thủy sản

+ Trang trại sản xuất muối (hay còn gọi là diêm nghiệp)

Trang trại tổng hợpKhông có lĩnh vực sản xuất nào có tỷ trọng giá trị sản xuất chiếm trên 50% cơ cấu giá trị sản xuất của trang trại trong năm.
  1. Tiêu chí kinh tế trang trại[4]

Đối tượng áp dụng: Các cá nhân, chủ hộ gia đình có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại.[5]

 Giá trị sản xuất bình quânTổng diện tích đất sản xuất/ Quy mô[6]
Trang trại chuyên ngành[7]Trồng trọtTừ 1,0 tỷ đồng/năm trở lênTừ 1,0 ha trở lên
Nuôi trồng thủy sảnTừ 2,0 tỷ đồng/năm trở lênTừ 1,0 ha trở lên
Chăn nuôiTừ 2,0 tỷ đồng/năm trở lênQuy mô lớn: Từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên.
Quy mô vừa: Từ 30 – dưới 300 đơn vị vật nuôi.
Quy mô nhỏ: Từ 10 – dưới 30 đơn vị vật nuôi.
Lâm nghiệpTừ 1,0 tỷ đồng/năm trở lênTừ 10,0 ha trở lên
Sản xuất muốiTừ 0,35 tỷ đồng/năm trở lênTừ 1,0 ha trở lên
Trang trại tổng hợp[8]Từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lênTừ 1,0 ha trở lên
  1. Cách tính giá trị sản xuất bình quân và tổng diện tích đất sản xuất[9]

– Giá trị sản xuất bình quân là giá trị sản xuất của trang trại/năm.

Là giá trị sản xuất của ít nhất 1 năm trang trại đạt được trong 3 năm gần nhất với năm kê khai. Được tính bằng tổng giá trị sản xuất các kỳ thu hoạch hoặc khai thác trong năm.

Riêng đối với trang trại mới thành lập mà chưa có sản phẩm thu hoạch thì giá trị sản xuất được ước tính căn cứ vào phương án sản xuất, tình hình triển khai thực tế của trang trại.

– Tổng diện tích đất sản xuất kinh doanh của trang trại được sử dụng hợp pháp theo quy định của pháp luật về đất đai.

Bao gồm: Diện tích đất để trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và đất để xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất của trang trại tại thời điểm kê khai.

  1. Các hình thức hỗ trợ

Đảm bảo tiền vay đối với mô hình kinh tế trang trại[10]

Đây được gọi là chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đối tượng áp dụng là các chủ trang trại. Là cá nhân thực hiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp phù hợp với các quy định của pháp luật và đáp ứng các tiêu chí kinh tế trang trại do cơ quan có thẩm quyền quyết định.[11]

Theo đó, chủ trang trại sẽ được cho vay không có tài sản bảo đảm lên tới 2 tỷ đồng.

Cụ thể,

Đối với chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được vay tối đa là 01 tỷ đồng.[12]

Document

Đối với chủ trang trại nuôi trồng thủy sản được vay tối đa là 02 tỷ đồng.[13]

Ngoài ra, các chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay mà không có tài sản bảo đảm phải nộp:[14]

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).

Hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.

Bên cạnh hỗ trợ về tín dụng, Nhà nước có các chính sách để hỗ trợ mô hình kinh tế trang trại như hỗ trợ về đất đai, thuế, đầu tư, lao động, khoa học-công nghệ, môi trường và bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại.[15]

Cụ thể như sau:

Về đất đai,[16] hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu phát triển trang trại, mở rộng sản xuất, lập nghiệp lâu dài, v.v… sẽ được Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương xem xét giao đất hoặc cho thuê đất. Diện tích đất được giao, được thuê phụ thuộc vào quỹ đất của địa phương và khả năng sản xuất kinh doanh của chủ trang trại.

Về chính sách thuế,[17]

– Được miễn thuế thu nhập cho trang trại trong thời gian tối đa.

– Được miễn giảm tiền thuê đất[18] khi thuê đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa để trồng rừng sản xuất, trồng cây lâu năm. Và khi thuê diện tích ở các vùng nước tự nhiên chưa có đầu tư cải tạo vào mục đích sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Về chính sách đầu tư,[19]

Có các chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng về giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, thông tin và cơ sở chế biến.

Về chính sách lao động,[20]

– Chủ trang trại được thuê lao động không hạn chế về số lượng. Phải trả công lao động dựa trên cơ sở thoả thuận với người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.

– Đối với địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, chủ trang trại được ưu tiên vay vốn thuộc chương trình giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo để tạo việc làm cho lao động tại chỗ; thu hút lao động ở các vùng đông dân cư đến phát triển sản xuất.

– Hơn nữa, Nhà nước có kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho lao động làm trong trang trại bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn.

Về chính sách khoa học-công nghệ và môi trường,[21]

– Không phải nộp thuế tài nguyên nước khi các chủ trang trại xây dựng các công trình thuỷ lợi, sử dụng nước mặt, nước ngầm trong phạm vi trang trại theo quy hoạch.

– Một số trang trại có điều kiện sản xuất giống sẽ được hỗ trợ để bảo đảm đủ giống tốt, giống có chất lượng cao cung cấp cho các trang trại và cho hộ nông dân trong vùng.

– Được khuyến khích góp vốn vào Quỹ hỗ trợ phát triển khoa học. Qua đó, chủ trang trại sẽ được đào tạo, chuyển giao tiến bộ khoa học và kỹ thuật để áp dụng vào trang trại của mình.

Chính sách thị trường,[22]

– Được định hướng sản xuất kinh doanh.

– Được hỗ trợ việc đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cơ sở công nghiệp chế biến ở các vùng tập trung, chuyên canh; hướng dẫn việc ký kết hợp đồng cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản.

Gia tăng tiêu thụ nông sản hàng hóa của trang trại và nông dân trên địa bàn thông qua thực hiện khuyến khích các thành phần kinh tế[23] tham gia phát triển công nghiệp chế biến nông sản.

– Chủ trang trại được tiếp cận và tham gia các chương trình, dự án hợp tác, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước.

– Được tạo điều kiện xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình và sản phẩm mua gom của trang trại khác, của các hộ nông dân và nhập khẩu vật tư nông nghiệp.

Bảo hộ tài sản đã đầu tư của trang trại[24]

Tài sản và vốn đầu tư hợp pháp của trang trại không bị quốc hữu hoá, không bị tịch thu bằng biện pháp hành chính.

Trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, Nhà nước cần thu hồi đất được giao, được thuê của trang trại thì lúc này chủ trang trại sẽ được thanh toán hoặc bồi thường theo giá thị trường.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định về tiêu chí kinh tế trang trại”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 

[1] Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

[2] Điều 1.2 Thông tư 02/2020

[3] Điều 2 Thông tư 02/2020

[4] Điều 3 Thông tư 02/2020

[5] Điều 1.2.a Thông tư 02/2020

[6] Đối với chăn nuôi trang trại

[7] Điều 3.1 Thông tư 02/2020

[8] Điều 3.2 Thông tư 02/2020

[9] Điều 4 Thông tư 02/2020

[10] Điều 9 Nghị định 55/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 116/2018

[11] Điều 3.4 Nghị định 55/2015 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 116/2018

[12] Điều 9.2.e Nghị định 55/2015

[13] Điều 9.2.g Nghị định 55/2015

[14] Điều 9.3 Nghị định 55/2015

[15] Nghị quyết 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại

[16] Mục II.3.a Nghị quyết 03/2000

[17] Mục II.3.b Nghị quyết 03/2000

[18] Theo quy định pháp luật về đất đai

[19] Mục II.3.c Nghị quyết 03/2000

[20] Mục II.3.d Nghị quyết 03/2000

[21] Mục II.3.đ Nghị quyết 03/2000

[22] Mục II.3.e Nghị quyết 03/2000

[23] “Thành phần kinh tế là khu vực kinh tế, kiểu quan hệ kinh tế dựa trên một hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Thành phần kinh tế không tồn tại biệt lập mà có liên hệ chặt chẽ với nhau, tác động lẫn nhau tạo thành cơ cấu kinh tế thống nhất bao gồm nhiều thành phần kinh tế.” (trích Giáo trình kinh tế phát triển)

[24] Mục II.3.g Nghị quyết 03/2000

 

Document
Categories: Nông Nghiệp

Comments

    Write a Comment

    Your e-mail address will not be published.
    Required fields are marked*