Quy định về quản lý nuôi chim yến

Quy định về quản lý nuôi chim yến

Quy định về quản lý nuôi chim yến

Hiện nay, mô hình nuôi chim yến trong nhà đang ngày một phổ biến và trải rộng khắp các tỉnh thành. Dựa vào thống kê của Cục Chăn nuôi, đến tháng 10/2019, cả nước đã có 14.532 nhà yến, tăng tới 88,49% so với năm 2017. Trong đó, ĐBSCL có số lượng nhà yến nhiều nhất với 6.958 nhà. Tiếp đó là Đông Nam bộ với khoảng 3.700 nhà yến, Nam Trung bộ có 2.364 nhà yến; Tây Nguyên có 1.044 nhà yến. Các tỉnh phía Bắc chỉ có 286 nhà yến, không tăng so với năm 2017 vì thời tiết không phù hợp với chim yến. Để khởi nghiệp với nghề nuôi yến, lúc bắt đầu người nuôi yến sẽ phải bỏ ra một khoản tiền lớn để đầu tư về chỗ ở và thức ăn chất lượng. Nhưng khi dẫn dụ được đàn yến về làm tổ thì lúc này lợi nhuận mang về là rất lớn. Vì giá tổ yến hiện nay là 1.500 – 2.000 USD/kg tổ yến, trước một sản phẩm mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế cao như vậy. Vì thế, mà các nhà nuôi yến đang phát triển tràn lan mang tính tự phát và không được quản lý chặt chẽ. Và điều đó đang gây ra nhiều nguy cơ như dịch bệnh động vật, khó kiểm soát và còn gây ảnh hưởng đến đời sống dân cư. Chính vì thế, đã có quy định liên quan đến quản lý nuôi chim yến. Sau đây, Luật Nghiệp Thành tư vấn cho bạn đọc về các nội dung như sau:

  1. Các khái niệm về nuôi chim yến

Chắc hẳn sẽ có nhiều thắc mắc “Nhà yến là gì?”. Pháp luật có quy định “Nhà yến là công trình xây dựng mới hoặc cải tạo để nuôi chim yến”[1]. Người dân hiện đang đầu tư rất nhiều vào hoạt động nuôi chim yến, có người thì xây dựng hẳn luôn một nhà yến, có người thì lại xây nhà yến ngay trên nhà mình, tức là người sống bên dưới và chim yến sống bên trên. Hoặc có hộ dân sẽ thực hiện cải tạo nhà đang ở để làm nhà yến.

Đối với người nuôi yến để có thể thu một lượng lớn tổ yến thì cần phải có cả đàn yến đến làm tổ. Vì vậy, người nuôi sẽ thực hiện nhiều biện pháp để dẫn dụ yến. Đó là sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hút chim yến về làm tổ trong nhà yến[2]. Việc dẫn dụ chim yến được tiến hành bằng rất nhiều phương pháp như bằng chim yến bụng trắng, các liệu pháp âm thanh, thức ăn, phun sương hay cả môi trường sống đạt chuẩn cũng là một cách thu hút yến về làm tổ.

Tại Luật Chăn nuôi, hoạt động nuôi chim yến được liệt kê bao gồm các hoạt động dẫn dụ, ấp nở, gây nuôi chim yến và khai thác tổ yến.[3]

Ngoài việc nuôi chim yến để khai thác tổ yến và nghiên cứu khoa học, người nuôi yến không được săn bắt hay dẫn dụ chim yến vào mục đích khác.[4]

  1. Các quy định về quản lý nuôi chim yến

Quy định về vùng nuôi chim yến[5]

– Vùng nuôi chim yến là do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Để biết rõ các quy định liệu khu vực của bạn có phải là vùng nuôi chim yến, bạn nên thông báo với Phòng Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố nơi bạn dự định mở nhà yến để tìm hiểu kỹ. Nếu thuộc khu vực vùng nuôi chim yến, thì bạn cần tuân thủ quy định tại tại địa bàn tỉnh/thành phố nơi bạn dự định nuôi chim yến, cụ thể là theo Quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố.

Như phải thực hiện các thủ tục về hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, đất đai, phòng cháy chữa cháy, môi trường và được cấp có thẩm quyền thẩm định hồ sơ thiết kế trước khi xây dựng. Cũng như lập hồ sơ đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường theo từng địa phương.[6]

– Và phải đảm bảo:

+ Phù hợp tập tính hoạt động của chim yến;

+ Phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương;

+ Không gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân tại khu vực nuôi chim yến.

Quy định đối với cơ sở nuôi chim yến[7]

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

– Nhà yến, trang thiết bị sử dụng cho hoạt động nuôi chim yến bảo đảm phù hợp tập tính hoạt động của chim yến

Nếu nhà yến hoạt động trước ngày 05/3/2020[8], nhưng lại không đáp ứng được quy định trên thì vẫn phải giữ nguyên trạng và không có sự thay đổi hay cơi nới.

– Trong hoạt động nuôi chim yến phải:

+ Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng và có biện pháp bảo vệ môi trường.

+ Có hồ sơ ghi chép và lưu trữ thông tin về hoạt động nuôi chim yến. Việc sơ chế, bảo quản tổ yến phải bảo đảm truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

– Trong hoạt động dẫn dụ chim yến phải chú ý:

+ Thiết bị âm thanh dùng để dẫn dụ phải có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70 dBA.

Mức âm thanh giao tiếp trung bình của con người chúng ta là khoảng 30-60 dBA. Khi nghe phải âm thanh cường độ khoảng 70dBA thì con người dễ mệt mỏi, cáu gắt, giảm tập trung và gây đau nửa đầu. Nếu so sánh với tiếng ồn mà chúng ta hay gặp phải thì ngưỡng từ 80 dBA là tiếng ồn của máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ,… gây cảm giác rất khó chịu. Thực tế hiện nay, tại cộng đồng dân cư với nhà cửa san sát nhau, có không ít gia đình dưới sinh hoạt, trên nuôi yến. Và đang gây ra không ít khó chịu đối với cư dân xung quanh khi ngày ngày phải đối mặt.

+ Do vậy, thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến có quy định cụ thể là từ 5h đến 11h30 và từ 13h30 đến 19h mỗi ngày.

+ Trường hợp không được dùng loa phóng:

Nếu nhà yến, trang thiết bị sử dụng trong việc nuôi yến không đảm bảo phù hợp với tập tính của chim yến trước ngày 05/3/2020[9].

Nhà yến nằm trong khu dân cư.

Nhà yến cách khu dân cư dưới 300m.

  1. Xử phạt vi phạm

Nếu thực hiện các hành vi sau đây:

– Gây mất trật tư khu dân cư.[10]

– Sử dụng loa phóng thanh dẫn dụ chim yến mà gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.[11]

– Hoặc vi phạm giữ gìn vệ sinh chung như không nuôi động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư.[12]

Mỗi hành vi thực hiện như trên về vi phạm an ninh, trật tự xã hội, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 nghìn đồng.

Ngoài ra, với vi phạm về tiếng ồn khi sử dụng loa phóng thanh gây tiếng ồn mà quá 70 dBA[13]. Tùy theo mức vượt quá sẽ có các mức phạt tương ứng như sau:

Cụ thể sẽ phạt cảnh cáo với tiếng ồn vượt mức cho phép từ 2 dBA trở xuống.

Nếu độ ồn vượt quá từ 2 dBA trở lên sẽ bị phạt tiền tối thiểu là 1 triệu, theo từng mức độ với độ ồn vượt quá là trên 40 dBA thì mức phạt tối đa là 160 triệu đồng. Còn có thể có các hình phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động tối thiểu 03 tháng, tối đa là 12 tháng tùy thuộc mức độ vi phạm.

Trước tình hình nhiều cơ sở, nhà ở nuôi chim yến xuất hiện, số lượng chim yến tập trung về ngày một đông. Khiến chất thải rải rác khắp nơi, gây hôi thối, mất vệ sinh; hơn nữa còn tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Như trường hợp vào năm 2013, có một cơ sở nuôi chim yến đã bị nhiễm bệnh cúm A (H5N1) từ gia cầm, khiến hơn 5.000 chim yến bị chết, bắt buộc phải tiêu hủy toàn bộ đàn yến trên và tỉnh Ninh Thuận đã công bố dịch cúm với chim yến tại thời điểm đó[14]. Do đó, các cơ sở nuôi yến cần tuân thủ các quy định pháp luật về biện pháp bảo vệ môi trường và phòng chống kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định về quản lý nuôi chim yến”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 3.7 Nghị định 13/2020

[2] Điều 64.1 Luật Chăn nuôi 2018

[3] Điều 64.2 Luật Chăn nuôi 2018

[4] Điều 25.2.e Nghị định 13/2020

[5] Điều 25.1 Nghị định 13/2020

[6] Tham khảo thông tin từ Báo Bình Thuận Online cập nhật ngày 15/01/2020

[7] Điều 25.2 Nghị định 13/2020

[8] Ngày Nghị định 13/2020 có hiệu lực thi hành

[9] Ngày Nghị định 13/2020 có hiệu lực thi hành

[10] Điều 5 Nghị định 167/2013

[11] Điều 6 Nghị định 167/2013

[12] Điều 7 Nghị định 167/2013

[13] Điều 17 Nghị định 155/2016

[14] Thông tin từ Báo Thanh niên truy cập ngày 19/04/2013

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*