Quản lý thuế đối với các cá nhân thu nhập từ Google, Youtube
Quản lý thuế đối với các cá nhân thu nhập từ Google, Youtube
Internet phát triển, sự kết nối thông tin ngày một mạnh mẽ, nhu cầu giải trí và thị hiếu của con người cũng ngày một thay đổi. Điều đó dẫn tới nhiều ngành nghề khác nhau xuất phát từ mạng xã hội. Hiện nay, nhiều người từ hoạt động sáng tạo các nội dung hoặc chỉnh sửa các nội dung đã có thể kiếm được nguồn thu nhập ổn định thậm chí là rất lớn. Tại Việt Nam, cũng không thiếu các hiện tượng mạng Youtube với hàng triệu lượt view, subcribe đang xuất hiện khắp các trang mạng xã hội như Bà Tân Vlog,v.v….Với nguồn thu lớn như vậy thì những cá nhân trên đều phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Thế họ cần phải đóng những loại thuế gì và thực tế loại hình kiếm tiền này được thực hiện ra sao? Luật Nghiệp Thành sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu rõ nội dung trên.
1.Các hình thức kiếm tiền từ quảng cáo của Google, Youtube như thế nào?[1]
Đối với Google, người dùng muốn kiếm tiền từ quảng cáo thì sẽ sử dụng dịch vụ của Google Adsense. Theo đó, phải tạo một website mà có chất lượng về nội dung, không sao chép. Thông thường là các Web tin tức, Blog kiến thức và Blog tải tài liệu, v.v… Khi đó, người lập website sẽ đăng ký tài khoản Google Adsense nếu trang web đã có một lượng bài viết cũng như lượt truy cập nhất định. Nếu được Google thông qua thì lúc này họ sẽ tự động phân phối quảng cáo của các nhà quảng cáo đến trang web của bạn. Nếu trang web của bạn có lượt truy cập nhiều thì số người click vào quảng cáo hiện trong quảng cáo sẽ khiến người lập thu được khoản tiền. Đó là cách kiếm tiền từ quảng cáo của Google.
Cũng tương tự đối với Google, các Youtuber đều kiếm tiền từ các hoạt động quảng cáo. Có rất nhiều hình thức để có thể kiếm tiền trên Youtube, người tạo lập các video phải đạt được 10.000 lượt xem (view) và phải là lượt xem thật không phải ảo. Bên cạnh đó, phải có ít nhất 4.000 giờ xem trong 12 tháng gần nhất cho toàn bộ video và có 1.000 người đăng ký kênh.
Khi đã thỏa mãn những điều kiện trên, có nhiều lựa chọn cho chủ kênh đó là trở thành Partner của Youtube hoặc có thể kiếm tiền thông qua việc tham gia Network.
Để trở thành Youtube Partner thì phải thỏa mãn những lượt view, subscribe mà youtube đã đặt ra. Khi đã được Youtube chấp nhận thì kênh của bạn sẽ được phép bật kiếm tiền. Sau đó, Youtube sẽ cho quảng cáo xuất hiện trên video của chủ kênh, số tiền kiếm được sẽ dựa trên số lượt click vào quảng cáo của người xem.
Thực tế các cá nhân kiếm tiền từ Youtube hay Google thì cũng được xem là cá nhân kinh doanh và nếu có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên thì sẽ phải nộp thuế.[2]
2.Quy định về nộp thuế
Thuế giá trị gia tăng:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT |
Thuế thu nhập cá nhân:
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN |
Đối với dịch vụ quảng cáo thì tỷ lệ tính thuế GTGT là 5% và thuế TNCN là 2%.[3]
Do vậy, tổng hợp lại sẽ phải nộp thuế cho 7% doanh thu của họ.
Doanh thu tính thuế GTGT và tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế của số tiền mà Youtube, Google chi trả.[4]
Lưu ý: Hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định[5] sẽ được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Cá nhân, hộ gia đình vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1/2 đến 3/2 lần số tiền trốn thuế.[6] Ngoài ra, nếu hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng hoặc nếu đã bị xử phạt hành chính mà trốn thuế dưới 100 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế. Mà mức phạt đối với tội này tối đa là 07 năm tù. [7] |
Do vậy, các cá nhân nên tự nhận thức và có nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, cá nhân thuộc đối tượng nộp thuế cần thực hiện đăng ký thuế và khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Và thủ tục cũng tương tự như đối với cá nhân bán hàng online được nêu tại bài viết “Quản lý thuế với các cá nhân kinh doanh bán hàng online”.
Hiện nay, để quản lý chặt chẽ và phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan thuế thì ngân hàng thương mại sẽ có nhiệm vụ cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng khi được yêu cầu. Để biết rõ hơn nội dung này, bạn đọc có thể tham khảo Mục II bài viết trên. Ngoài ra, trong bài viết có đề cập về nghĩa vụ nộp thuế của các cá nhân bán hàng online trên các trang mạng xã hội như Facebook.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Quản lý thuế đối với các cá nhân thu nhập từ Google, Youtube”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Tham khảo từ VnExpress, Trang web https://blog.tinohost.com/
[2] Điều 1.1, 1.2 Thông tư 92/2015/TT-BTC
[3] Phụ lục 01 Thông tư 92/2015/TT-BTC
[4] Điều 3.2.a.a1 Thông tư 92/2015/TT-BTC
[5] Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC
[6] Điều 6.2.c Thông tư 166/2013/TT-BTC
[7] Điều 200 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)