Phòng chống thông tin giả trên mạng xã hội
Các trang mạng xã hội đang ngày một phát triển như vũ bão, thông tin được cập nhật không ngừng dù ở nơi xa xôi nhất và lượng người sử dụng mạng Internet dường như bao phủ cả thế giới. Tại Việt Nam với hơn 60 triệu người sử dụng mạng xã hội, đã trở thành quốc gia đứng thứ 18 trên thế giới về tỉ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong mười nước có lượng người dùng Facebook cao nhất thế giới.[1] Chính vì sự cập nhật liên tục dẫn tới “bội thực” thông tin và sẽ không tránh khỏi các loại thông tin giả mạo, sai lệch, chưa được kiểm chứng tràn lan khắp nơi. Điển hình như gần đây, hàng loạt các tin tức sai sự thật liên quan đến virus Corona (nCoV) được đăng tải rất nhiều, gây nhiễu loạn khiến dư luận hoang mang, lo lắng trong sợ hãi. Do vậy, đòi hỏi người dùng mạng xã hội phải thật tỉnh táo, nhận thức được rằng không phải thông tin nào cũng chính xác và đáng tin cậy. Nhưng tình trạng chia sẻ thông tin sai lệch đang ngày một gia tăng, khó kiểm soát, đặc biệt là ở các bạn thanh thiếu niên – đối tượng dễ bị tác động và cũng là bộ phận sử dụng mạng xã hội nhiều nhất hiện nay.
Sau đây Luật Nghiệp Thành sẽ giúp các bạn hiểu biết hơn về những quy định sẽ bắt đầu áp dụng vào năm 2020 đối với các hành vi đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch trên mạng xã hội và những lưu ý cho bản thân.
- Quy định pháp luật
Theo quy định về các hành vi bị nghiêm cấm tại Luật An ninh mạng, trong đó có hành vi “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”[2]. Thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.[3] Do đó, sẽ có những hình thức xử phạt như sau:
Phạt hành chính
Nghị định 15/2020 được cho là phương thuốc mạnh hơn trong việc phòng chống thông tin giả, sai lệch trên mạng xã hội sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/4/2020. Tại Nghị định này, riêng việc xử lý các thông tin giả, sai lệch cũng đã cụ thể hơn trước[4]. Đặc biệt là quy định trách nhiệm cá nhân của người tham gia mạng xã hội được làm rõ ở Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để:
Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.[5]
Mức phạt này được xem là khá cao và mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Không chỉ phạt tiền, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.[6]
Phạm tội hình sự
Trường hợp nếu tổ chức, cá nhân lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt ở mức độ nặng và gây ra:
+ Hoang mang trong Nhân dân
+ Thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội
+ Khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ
+ Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác
thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự[7]
Cụ thể như hành vi đưa lên mạng máy tính, viễn thông những thông tin trái quy định pháp luật thì sẽ phạt tiền từ 30 triệu – 1 tỷ đồng và mức phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm.[8]
Bên cạnh đó, hành vi sử dụng mạng máy tính, viễn thông để phạm tội đối với tội vu khống có mức phạt tù từ 01 – 03 năm.[9]
- Một số lưu ý
Người dùng mạng xã hội chắc chắn sẽ rất hoang mang trước nhiều nguồn thông tin và khó có thể phân biệt đâu là tin giả, đâu là tin chính thống. Và để không bị những kẻ câu “like”, câu “view” lợi dụng sự mất cảnh giác của mình nhằm tạo lợi ích cho chúng. Dưới đây là những lưu ý có thể giúp ích các bạn:
Không chia sẻ thông tin quá nhiều.
Có những bạn sử dụng mạng xã hội khi bị ấn tượng với một tin tức có vẻ bất ngờ, chấn động và không suy nghĩ đã bấm “share” cho bạn bè, người thân trong gia đình. Tuy nhiên, nên nhớ rằng, nút “share” mà chúng ta không suy nghĩ gì khi bấm đó, là việc bạn phải tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Bạn nên kiểm tra lại thông tin cho chính xác hoặc chỉ cần xác minh lại xem người đăng tải là cá nhân nào? cơ quan hay tổ chức nào? Vì có những trường hợp các “chị, em” bán hàng online vì đam mê lượt “like”, lượt “view” mà tung những tin đồn thất thiệt, lợi dụng mạng xã hội náo nhiệt để kiếm lợi cho mình.
Biết cách tiếp nhận thông tin.
Thông tin trên mạng xã hội hiện giờ là vô vàn, được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Cho nên, không chỉ tham khảo các tin tức trên các trang web và các bài báo uy tín. Ta luôn phải tự biết trang bị cho bản thân kiến thức, tâm lý vững vàng và cả khả năng tiếp nhận thông tin một cách linh hoạt.
Báo cáo các nội dung sai sự thật.
Nếu bạn biết chắc chắn một bài đăng hoặc trang chủ nào đó trên mạng xã hội Facebook là giả mạo qua các tin tức đã được kiểm chứng. Bạn có thể góp phần giảm bớt lượng bài viết giả, sai lệch bằng cách báo cáo cho Facebook. Đó cũng là một cách để hạn chế và “dọn dẹp” sạch sẽ trang tin tức trên Facebook cá nhân của bạn.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Phòng chống thông tin giả trên mạng xã hội” .
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Thông tin từ Báo Dân trí
[2] Điều 8.1.d Luật An ninh mạng 2018
[3] Điều 9 Luật An ninh mạng 2018
[4] Nghị định 174/2013 bị bãi bỏ và Nghị định 15/2020 thay thế
[5] Điều 101.1.a Nghị định 15/2020
[6] Điều 101.3 Nghị định 15/2020
[7] Điều 8,9 Luật An ninh mạng 2018
[8] Điều 288.1, 2 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[9] Điều 156.2.e Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)