Phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Các vấn đề liên quan đến phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn

Khi một mối quan hệ hôn nhân bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt tình cảm như: Không còn tình cảm với bạn đời; hôn nhân của bạn có hiện diện những hành vi bạo lực; cảm thấy cuộc sống hôn nhân ngột ngạt, không thoải mái; giữa hai người luôn nảy sinh cãi vả, mâu thuẫn hay bạn đời không còn chung thủy,…đến khi không thể cố gắng duy trì mối quan hệ này nữa, người ta thường tìm đến một phương thức để “giải thoát” cho nhau đó chính là làm thủ tục ly hôn. Ngoài vấn đề ai sẽ là người nuôi dưỡng con chung, trợ cấp như thế nào khi thực hiện thủ tục ly hôn thì tài sản chung trong thời kì hôn nhân của họ sẽ được phân chia ra sao.

Tài sản chung của vợ chồng bao gồm các tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập từ việc lao động, sản xuất, kinh doanh, các nguồn lợi phát sinh từ tài sản riêng và các thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất và nhà ở mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là cũng là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng[1].

Nguyên tắc phân chia tài sản chung như thế nào?

– Về nguyên tắc, việc chia tài sản chung (bao gồm cả Quyền sử dụng đất ở thuộc sở hữu của cả 2 vợ chồng) được thực hiện trên nguyên tắc thỏa thuận. Tuy nhiên, nếu hai bên không thể tự thỏa thuận được với nhau có thể nhờ đến Tòa án làm thủ tục phân chia tài sản chung theo quy định của pháp luật[2].

Lưu ý: Nếu vợ chồng thỏa thuận thì việc phân chia tài sản được thực hiện theo thỏa thuận. Tuy nhiên, trường hợp nếu thỏa thuận đó không đầy đủ, rõ ràng, thiếu minh bạch, trung thực, hoặc có yếu tố đe dọa từ một phía,…thì theo nguyên tắc, phần tài sản chung đó phải được phân chia theo quy định của pháp luật[3].

– Tài sản chung của vợ chồng được chia thành 2 phần. Tuy nhiên, có xét đến các yếu tố như: Hoàn cảnh của gia đình và hoàn cảnh của vợ, chồng; Công sức đóng góp của mỗi người vào khối tài sản chung (Lưu ý: Lao động tại nhà như công việc nội trợ cũng được xem như công việc có thu nhập); tạo điều kiện để các bên có thể tiếp tục công việc của mình; đồng thời, cũng phải xét đến yếu tố “lỗi” dẫn đến chuyện ly hôn[4]. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xem xét và xác định công sức đóng góp còn khá khó khăn, nên tài sản thường được chia thành 2 phần bằng nhau.

– Tài sản vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu có phần tài sản không thể chia bằng hiện vật thì sẽ quy ra giá trị để chia. Nếu bên nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn thì sẽ trả lại cho bên kia phần tiền chênh lệch tương ứng[5].

– Đối với phần tài sản riêng của mỗi người, nếu như có thỏa thuận nhập vào tài sản chung thì sẽ được phân chia như tài sản chung. Nếu không có thỏa thuận trên thì phần tài sản đó vẫn được xem là phần tài sản riêng của người đó[6].

Lưu ý: Nếu như phần tài sản riêng và tài sản chung có sự trộn lẫn hay sáp nhập thì sẽ được xem như tài sản chung. Trường hợp nếu người có phần tài sản bị sáp nhập ấy có yêu cầu được chia phần tài sản riêng ấy thì người đó sẽ được thanh toán phần tiền tương ứng đối với phần tài sản ấy[7].

Document

Trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình thì có được phân chia tài sản không?

Trong trường hợp này, nếu tài sản của vợ hoặc chồng có trong khối tài sản chung với gia đình thì sẽ được nhận lại phần tài sản đóng góp đó[8]. Tuy nhiên, nếu như phần tài sản đó không xác định được thì sẽ người đó sẽ được thanh toán một phần tiền tương ứng với công sức đóng góp của mình. Việc phân chia này sẽ do vợ chồng thỏa thuận với gia đình, nếu không thỏa thuận được thì có thể nhờ Tòa án giải quyết[9].

Nếu tài sản là Quyền sử dụng đất khác thì sẽ được phân chia ra sao?

– Nếu Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của bên nào thì vẫn giữ nguyên của bên đó[10].

– Đối với đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, nuôi trồng thủy sản: Nếu cả hai đều có nhu cầu sử dụng để tiếp tục canh tác thì phần đất đó sẽ được phân chia theo thỏa thuận, nếu hai bên không thể tự thỏa thuận thì có thể nhờ Tòa án giải quyết. Trong trường hợp, chỉ một bên có nhu cầu sử dụng phần đất đó để canh tác thì có thể yêu cầu để được tiếp tục sử dụng phần đất đó. Tuy nhiên, phải thanh toán cho bên còn lại phần tiền tương ứng với giá trị phần đát mà đáng lẽ ra họ phải được hưởng[11].

Lưu ý: Nếu vợ chồng có phần đất nêu trên chung với hộ gia đình thì khi ly hôn, phần đất của họ sẽ được tách ra và phân chia như ở trên[12].

– Đối với các loại đất trồng cây nông nghiệp lâu năm, trồng rừng và đất ở thì về nguyên tắc được chia đôi, có xét đến các yếu tố khác như hoàn cảnh, khả năng lao động, công sức đóng góp,…[13]

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về  vấn đề “Các vấn đề liên quan đến chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn”.

 

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 [1] Khoản 1, Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[2] Khoản 1, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[3] Khoản 1, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[4] Khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[5] Khoản 3, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[6] Khoản 4, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[7] Khoản 4, Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[8] Khoản 2, Điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[9] Khoản 1, Điều 61 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[10] Khoản 1, Điều 62 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[11] Điểm a, khoản 2, Điều 62 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[12] Điểm b, khoản 2, Điều 62 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

[13] Điểm c, khoản 2, Điều 62 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

 

Document
Categories: Gia Đình

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*