Những trường hợp nên làm thủ tục giải thể doanh nghiệp
Những trường hợp nên làm thủ tục giải thể doanh nghiệp
Hiện nay số lượng doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đang ngày một nhiều. Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn, đào thải những doanh nghiệp kinh doanh yếu kém ra khỏi nền kinh tế. Khi chứng kiến đứa con tinh thần của mình rơi vào hoàn cảnh phải ngừng kinh doanh và không có biện pháp để cải thiện tình hình, sự chán nản muốn bỏ cuộc là điều dễ hiểu. Nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp vì sự chán nản mà bỏ mặc công ty đã thành lập không kinh doanh, không làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh hay làm thủ tục giải thể doanh nghiệp. Nhưng nếu công ty đã không thể cứu vãn thì chủ doanh nghiệp nên tiến hành thủ tục giải thể. Vì khi bỏ mặc công ty, mặc dù đã không còn kinh doanh gì nữa nhưng về mặt pháp lý công ty vẫn tồn tại và phải thực hiện những nghĩa vụ liên quan đến thuế hàng năm như: nộp báo cáo thuế GTGT, báo cáo sử dụng hóa đơn hàng quý; hàng năm nộp lệ phí môn bài, nộp quyết toán thuế và báo cáo tài chính.
Vấn đề sẽ phát sinh nếu sau một thời gian dài khi đã bình tâm chủ doanh nghiệp muốn trở lại hoạt động hoặc muốn góp vốn thành lập công ty mới thì lại không thực hiện được. Nguyên nhân do công ty trước đây đang đứng tên chủ doanh nghiệp bị liệt kê vào danh sách công ty bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh, bị phạt do không nộp báo cáo thuế hàng năm, lệ phí môn bài, tờ khai thuế GTGT, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn. Để tiếp tục kinh doanh công ty phải nộp lại các tờ khai[1], các khoản phí[2], tiền phạt do chậm nộp[3]. Tùy thuộc vào thời gian chậm nộp mà số tiền phạt phải nộp có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Trường hợp nếu muốn góp vốn thành lập một công ty khác thì vẫn phải tiến hành khôi phục hoạt động hoặc giải thể công ty này. Nhưng để tiến hành công ty phải hoàn tất các nghĩa vụ thuế giống với trường hợp muốn quay trở lại kinh doanh, trong khi rủi ro về chứng từ, sổ sách, files dữ liệu bị thất lạc dẫn đến có thể bị ấn định thuế, chưa kể nếu thuê đơn vị dịch vụ làm lại sổ kế toán, báo cáo thuế còn phải tốn một khoản phí dịch vụ không nhỏ.
Đơn cử vừa rồi có một khách hàng là công ty TNHH đã ngừng kinh doanh từ năm 2012 nhưng không tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp. Đến cuối năm 2018 chủ doanh nghiệp khi tiến hành góp vốn thành lập công ty mới thì thông tin của người này là người đứng đầu của doanh nghiệp đã bỏ trốn. Công ty bị liệt vào danh sách công ty bị xử phạt liên quan đến thuế nên người đại diện theo pháp luật không thể tiến hành góp vốn thành lập công ty khác. Lúc này chủ doanh nghiệp mới nhớ ra mình có một công ty đã ngừng kinh doanh nhưng chưa tiến hành thủ tục giải thể. Chỉ có hai cách để chủ doanh nghiệp có thể tiến hành góp vốn thành lập công ty mới đó già khôi phục lại công ty hoặc giải thể công ty. Chủ doanh nghiệp chọn cách giải thể công ty với tổng số tiền phạt, tiền chậm nộp và tiền phí dịch vụ hơn 33 triệu đồng và mất hơn 3 tháng để hoàn tất giải thể doanh nghiệp.
Nếu chủ doanh nghiệp khi đã không muốn tiếp tục kinh doanh nhưng không có đủ nhân sự để hoàn thành thủ tục giải thể thì vẫn nên nộp hồ sơ giải thể doanh nghiệp. Cụ thể chủ doanh nghiệp có thể tham khảo tại bài viết “Thủ tục giải thể công ty TNHH 2 TV” để tự mình có thể soạn một bộ hồ sơ giải thể công ty. Nộp hồ sơ giải thể cho Sở Kế Hoạch và Đầu Tư, chi cục thuế quản lý. Rồi sau đó một vài năm khi có đủ điều kiện hoàn tất thủ tục giải thể vẫn có thể tiếp tục mà không phải sợ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vì căn cứ theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế sẽ không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi tổ chức vi phạm hành chính đã có quyết định giải thể[4].
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về việc nên tiến hành giải thể doanh nghiệp khi không muốn tiếp tục kinh doanh.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Cơ
Luật sư tư vấn: Luật sư Thuận
[1] Điều 2.5 TT 166/2013/TT-BTC
[2] Điều 6.9 TT 166/2013/TT-BTC
[3] Điều 13.3 TT 10/2014/TT-BTC
[4] Điều 26.1.d Thông tư 166/2013/TT-BTC