Những quy định mở lớp dạy thêm, học thêm tại trường học
Những quy định mở lớp dạy thêm, học thêm tại trường học
Dạy thêm, học thêm không còn là vấn đề quá xa lạ đối với các bậc cha mẹ có con cái từ trung học trở lên. Để nâng cao và bổ trợ kiến thức tại trường, các em học sinh hiện nay thường được cha mẹ cho tham gia các lớp học thêm, dạy thêm. Nhiều nhà trường nắm bắt nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, đã cho phép mở những lớp dạy thêm, học thêm tại nhà trường. Tại các lớp này, học sinh sẽ được phân chia theo học lực, giúp học sinh nắm bắt kịp và bám sát lượng kiến thức khổng lồ tại trường. Thế thì, hiện tại có những quy định nào liên quan đến mở lớp dạy thêm tại trường? Nếu giáo viên muốn mở lớp dạy thêm thì phải thực hiện như thế nào và cần chú ý những gì? Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung trên.
- Dạy thêm, học thêm là gì?[1]
Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm có thu tiền của người học, có nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) nhưng ngoài kế hoạch giáo dục của chương trình GDPT do Bộ GD&ĐT ban hành.
Trong đó, bao gồm hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường.
Đối với hoạt động dạy thêm trong nhà trường là hoạt động do cơ sở giáo dục công lập tổ chức (gồm cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học).
Bạn đọc muốn tìm hiểm về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thể tham khảo bài viết “Những quy định mở lớp dạy thêm học thêm tại nhà”
- Quy trình tổ chức lớp dạy thêm, học thêm[2]
Khi học sinh có nguyện vọng học thêm thì sẽ viết đơn xin học thêm gửi cho nhà trường và cha mẹ học sinh sẽ ký và ghi cam kết với trường. Sau đó, hiệu trưởng nhà trường sẽ tiếp nhận, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên và tổ chức dạy theo nhóm học lực của học sinh.
Ngoài học sinh, nếu giáo viên có nguyện vọng dạy thêm thì cũng sẽ nộp đơn đăng ký dạy thêm; phải cam kết việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của giáo viên và nhiệm vụ do trường phân công, cũng như các quy định của nhà trường.
- Những yêu cầu bắt buộc đối với việc tổ chức lớp dạy thêm
*Nguyên tắc dạy thêm, học thêm:[3]
– Việc dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân các của học sinh. Phải phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt sức tiếp thu của người học.
– Không được cắt giảm nội dung trong chương trình GDPT chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm. Không được dạy thêm trước những nội dung trong chương trình GDPT chính khóa.
– Học sinh có nhu cầu học thêm phải tự nguyện học thêm và có sự đồng ý của gia đình; không được dùng bất cứ các hình thức nào để ép buộc học sinh và gia đình học sinh đăng ký học thêm.
– Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa như ở trên lớp. Học sinh cùng một lớp dạy thêm phải có học lực tương đương nhau, giáo viên khi sắp xếp học sinh phải căn cứ vào học lực của học sinh.
* Cụ thể là các trường hợp không được dạy thêm:[4]
– Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
– Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học (Chỉ trừ tổ chức dạy bồi dưỡng về nghề thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống)
– Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
– Các giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập
+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng được phép tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với các học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
- Thu và quản lý tiền học thêm trong nhà trường[5]
Mức thu tiền học thêm sẽ do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường. Việc thu, chi phải được nhà trường tổ chức công khai, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường. Việc thu tiền học là để trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm; các công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; dùng để chi trả tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho quá trình dạy thêm, học thêm.
Lưu ý: Giáo viên dạy thêm không được trực tiếp thu và chi tiền học thêm.
Vì dạy thêm, học thêm là phải dựa trên sự tự nguyện, nhu cầu của học sinh và gia đình, nên các giáo viên phải tuân theo những nguyên tắc dạy thêm, học thêm mà pháp luật đã quy định. Nhà trường nên chú ý không phát sinh các trường hợp giáo viên ép buộc học sinh viết cam kết học thêm có chữ ký của bố mẹ để mở lớp dạy thêm trái nguyên tắc. Tạo ra những sức ép về điểm số, tinh thần của học sinh không đăng ký học thêm tại trường. Bên cạnh đó, các giáo viên dạy trong nhà trường cũng nên lưu ý hành vi “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” là hành vi bị nghiêm cấm quy định trong Luật Giáo dục 2019.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Những quy định mở lớp dạy thêm, học thêm tại trường học”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 2 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT
[2] Điều 5 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT
[3] Điều 3 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT
[4] Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT
[5] Điều 7.1 Thông tư 17/2012/TT-BGDDT