Những điều cần lưu ý khi trước khi đặt cọc thuê phòng trọ
Những điều cần lưu ý khi trước khi đặt cọc thuê phòng trọ
Dịch vụ cho thuê phòng trọ ngày nay diễn ra khá phổ biến, không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là ở các thành phố lớn, những địa điểm gần khu công nghiệp. Người đi thuê trọ vừa có thể tìm được một nơi để ở, tá tục với một mức giá hợp lý, tiết kiệm, vừa túi tiền, lại còn thuận lợi hơn cho việc di chuyển giữa nơi ở với chỗ làm, chỗ học và các trung tâm công cộng khác. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, tình trạng đi thuê nhà bị mất cọc, chuyển trọ bị mất cọc và rất nhiều những vấn đề rủi ro khác phát sinh làm cho người đi thuê trọ cảm thấy e ngại, gây tổn thất về tài chính và tinh thần của họ. Vậy để tránh phải lâm vào những tình huống hy hữu ngoài ý muốn, người đi thuê trọ cần lưu ý những gì?
Dành thời gian để tìm hiểu thật kỹ các thông tin về phòng trọ bạn muốn thuê trước khi tiến hành đặt cọc và ký hợp đồng thuê phòng trọ:
Các bạn cần tìm hiểu xem không gian phòng trọ có thoáng đãng không? Điện, nước ở phòng trọ có được trang bị đầy đủ, ổn định, có bị lỗi, hỏng hóc gì hay không? Kết nối mạng Internet/Wifi, tình trạng an ninh khu trọ và giờ giấc đóng cửa như thế nào? Có phụ thu thêm tiền gửi xe và tiền rác hằng tháng hay không? Bởi trên thực tế, đã có quá nhiều trường hợp các bạn sinh viên sau khi đưa cọc và đặt bút ký hợp đồng thuê nhà mới tá hỏa phát hiện ra nơi mình thuê thực sự là một căn phòng ẩm mốc, thiếu ánh sáng; điện, nước chập chờn; không trang bị Internet, giờ giấc đóng cửa quá sớm không phù hợp với giờ giấc sinh hoạt, đi làm của bạn và hàng loạt những hạn chế phát sinh khác đi kèm. Nhưng vì đã lỡ đặt cọc, đã trao tiền phòng, “tiến thoái lưỡng nan” nên đành chấp nhận ở đó mà không thể bỏ đi chỗ khác.
Hạn chế việc thuê nhà thông qua môi giới và xác định, tìm hiểu kĩ về danh tính chủ phòng trọ, khu trọ:
Việc gặp gỡ, xem phòng trọ, thỏa thuận và ký kết hợp đồng trực tiếp với chủ phòng trọ sẽ thuận lợi hơn cho bạn trong việc biết được tình trạng thật của phòng trọ, tránh việc khi thuê một đằng, lúc nhận nhà lại một nẻo; nắm bắt được các chi phí điện, nước và các chi phí phát sinh khác. Hơn thế nữa, một khi giao dịch thuê trọ không thực hiện thành công thì chủ nhà trọ là người sẽ đứng ra trực tiếp giải quyết với chúng ta chứ không phải là người môi giới. Trên thực tế, có quá nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp không biết đòi tiền cọc từ ai.
Người thuê trọ cũng nên sử dụng google để kiểm tra phản hồi thông tin về khu trọ dự định thuê, số điện thoại của môi giới, của chủ nhà trọ xem trước đó có nhiều người thuê trọ phàn nàn về nơi này, những số điện thoại của môi giới, chủ nhà trọ hay không. Hoặc nên đến nhà trọ vào dịp khác để hỏi thăm những người đang thuê trọ cuộc sống và đạo đức kinh doanh của chủ nhà trọ như thế nào trước khi quyết định đặt cọc.
Hợp đồng[1] thuê trọ phải đảm bảo đầy đủ các thông tin cần thiết, tránh thỏa thuận sơ sài:
Hợp đồng cần đảm bảo đầy đủ các thông tin về nhân thân, liên hệ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân; địa chỉ phòng trọ; các điều khoản về tiền cọc, tiền phòng và các chi phí khác. Mau hop dong thue tro1.docx[2]
Xem xét kỹ các nội dung, điều khoản trước khi ký hợp đồng:
Đặt cọc được hiểu là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc vật, tài sản có giá khác trong một thời hạn nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.[3]. Cho nên, việc đặt cọc thuê trọ là việc người thuê trọ giao cho chủ nhà một khoản tiền cụ thể nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thuê nhà trong một thời hạn nhất định. Tuy nhiên, trước khi đưa tiền cọc và đặt bút ký hợp đồng bạn cần xem xét thật kỹ các nội dung của hợp đồng; nếu có gì chưa hiểu có thể hỏi lại chủ trọ để được giải thích; điều khoản nào chưa rõ ràng hoặc không đồng ý có thể thỏa thuận và yêu cầu sửa đổi,…để tránh được những rủi ro, tranh chấp về sau. Nếu mẫu hợp đồng thuê nhà trọ do chủ nhà trọ đưa ra quá sơ xài thì bạn nên yêu cầu sử dụng mẫu hợp đồng thuê nhà trọ của mình chỉnh sửa cho phù hợp với thỏa thuận của 2 bên.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Những điều cần lưu ý khi trước khi đặt cọc thuê phòng trọ”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 385 BLDS 2015
[2] Mẫu hợp đồng thuê phòng trọ
[3] Khoản 1, Điều 328 BLDS 2015