Nhãn hiệu nổi tiếng có cần đăng ký bảo hộ không?

Nhãn hiệu nổi tiếng có cần đăng ký bảo hộ không?

Nhãn hiệu nổi tiếng có cần đăng ký bảo hộ không?

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu nhận được sự quan tâm của chủ thể kinh doanh, và được người tiêu dùng rộng rãi biết đến trong phạm vi lãnh thổ của một hoặc nhiều quốc gia. Nhưng do tính nổi bật và giá trị kinh tế đặc biệt nên nhãn hiệu nổi tiếng trở thành đối tượng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ví dụ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng,… Vì thế quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng là mối quan tâm của nhiều doanh nghiệp khi đưa nhãn hiệu đến các quốc gia trên thế giới. Vậy theo pháp luật sở hữu trí tuệ ở Việt Nam, nhãn hiệu nổi tiếng có cần đăng ký bảo hộ không?

Căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ thì một nhãn hiệu phải thỏa mãn 8 tiêu chí sẽ được xem xét công nhận là một nhãn hiệu nổi tiếng:[1]

– Số lượng người tiêu dùng thông qua việc mua bán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ hoặc thông qua quảng cáo mà biết đến nhãn hiệu;

– Phạm vi lãnh thổ mà hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

– Doanh số hoặc số lượng hàng hóa đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

– Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu;

– Uy tín rộng rãi của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;

– Số lượng quốc gia bảo hộ;

Document

– Giá chuyển nhượng, giá chuyển giao quyền sử dụng, giá trị góp vốn đầu tư của nhãn hiệu.

Ví dụ: Coca Cola là sản phẩm được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1886, cho đến nay Coca Cola nhận được sự tin tưởng và yêu thích của tất cả người tiêu dùng trên thế giới. Theo thống kê, Coca Cola đang phân phối cho hơn 200 quốc gia, chiếm 3,1% tổng lượng sản phẩm thức uống trên toàn thế giới và được xếp thứ ba về mức độ giá trị thương hiệu – thương mại. Không những vậy, số lượng sản phẩm bán ra mỗi ngày được hơn 01 tỷ loại nước uống, mỗi giây có hơn 10.000 người sử dụng. Vì thế, xét theo tiêu chí đánh giá thì nhãn hiệu Coca Cola là nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được ghi nhận theo Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc ghi nhận theo thủ tục tố tụng dân sự, tức là nhãn hiệu nổi tiếng chỉ được xem xét đánh giá tiêu chí và được Tòa án/Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhân khi có yêu cầu giải quyết cho từng vụ việc, mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục đăng ký nào[2]. Yêu cầu xem xét có thể xuất hiện trong các trường hợp sau[3]:

– Cục Sở hữu trí tuệ từ chối hoặc hủy bỏ đăng ký, ngăn cấm việc sử dụng do nhãn hiệu có yếu tố tương tự, gây nhầm lẫn với một số nhãn hiệu được coi là nổi tiếng;

– Kết luận từ chối cấp văn bằng bảo hộ khi xem xét yêu cầu phản đối cấp/ chấm dứt hiệu lực/ hủy hiệu lực văn bằng dựa trên cơ sở nhãn hiệu nổi tiếng;

– Yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng;

Trong trường hợp tranh chấp xảy ra, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng cần dựa vào tiêu chí đánh giá để thu thập và nộp các tài liệu chứng cứ chứng minh rằng nhãn hiệu của mình là nổi tiếng như văn bản nêu rõ thông tin về phạm vi, quy mô, mức độ; thuyết minh về nguồn gốc, thời gian sử dụng liên tục, số lượng quốc gia bảo hộ hoặc thừa nhận; doanh số; danh mục hàng hóa, dịch vụ; phạm vi lãnh thổ đang lưu hành,…Sau khi xem xét đánh giá, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng vào Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng được lưu giữ để làm thông tin tham khảo phục vụ công tác xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.[4]

Ví dụ được ghi nhận từ thực tiễn tại Việt Nam có thể kể đến nhãn hiệu “BRIDGESTONE” của Bridgestone Coporation. Theo đó, công ty TNHH Công thương Đồng Minh đăng ký nhãn hiệu “BRIOCESTONE” bị Bridgestone Coporation phản đối việc cấp văn bằng cho nhãn hiệu này của công ty; song song đó nộp các tài liệu chứng cứ chứng minh nhãn hiệu “BRIDGESTONE” là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Sau khi xem xét, Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận “BRIDGESTONE” là nhãn hiệu nổi tiếng và ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho công ty TNHH Đồng Minh do nhãn hiệu có yếu tố tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng.[5]

Tổng kết, nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên cơ sở sử dụng và mức độ người tiêu dùng biết đến mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục đăng ký nào. Vì thế, chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng không cần đăng ký bảo hộ tại Việt Nam nhưng khi có tranh chấp hoặc phản đối thì phải giao nộp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng nhãn hiệu của bản thân nổi tiếng và được người tiêu dùng sử dụng rộng rãi tại Việt Nam hoặc quốc gia khác. Không những vậy, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng sẽ được bảo hộ vô thời hạn tính từ ngày nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận trong Danh mục nhãn hiệu nổi tiếng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Nhãn hiệu nổi tiếng có cần đăng ký bảo hộ không?

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Quách Gia Hy

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 75 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019

[2] Điều 6.3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019

[3] Điều 6bis Công ước Paris

[4] Điều 6.2 Nghị định 103/2006/NĐ-CP; Điều 42.3 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN; Điều 1.35 Thông tư 16/2016/TT-BKHCN

[5] Tham khảo bài viết của Vietthink: Việc ghi nhận nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*