Nhãn hiệu đăng ký tại Việt Nam, có tự động bảo hộ tại các quốc gia khác?
Nhãn hiệu đăng ký tại Việt Nam, có tự động bảo hộ tại các quốc gia khác?
Nhãn hiệu là dấu hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết các sản phẩm cùng loại trên thị trường Việt Nam nói riêng và thị trường Quốc tế nói chung. Vì thế, khi chuẩn bị ra mắt một sản phẩm, doanh nghiệp luôn chú trọng về việc thiết kế nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ với Cục Sở hữu trí tuệ nhằm loại bỏ được tình trạng các sản phẩm cùng loại có dấu hiệu trùng hoặc có yếu tố gây nhầm lẫn; giúp doanh nghiệp chủ động sử dụng nhãn hiệu để tạo lập một thương hiệu riêng; bảo vệ tối đa quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một Bạn đọc đã có thắc mắc về vấn đề: doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm ra thị trường Quốc tế có cần đăng ký lại nhãn hiệu tại quốc gia xuất khẩu không? Nói cách khác, nhãn hiệu sản phẩm mà bạn đọc nhắc đến đã được đăng ký tại Việt Nam, thì khi xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc hay EU có tự động bảo hộ tại các quốc gia đó không?
Quyền sở hữu và bảo hộ nhãn hiệu là quyền mang tính lãnh thổ, nghĩa là doanh nghiệp đăng ký bảo hộ ở quốc gia nào thì chỉ được bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ mà doanh nghiệp đã đăng ký. Ví dụ sản phẩm sửa tắm với nhãn hiệu gồm hình và dòng chữ “Sữa tắm hảo hạng” được chủ sở hữu là doanh nghiệp sản xuất và phân phối TM đăng ký bảo hộ nhãn hiệu này với Cục Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Vì thế nhãn hiệu này được pháp luật Việt Nam bảo hộ và nghiêm cấm các hành vi sử dụng nhãn hiệu có dấu hiệu tương tự, trùng hoặc gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Từ ví dụ này, ta có thể hiểu rằng việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ diễn ra ở thị trường nội địa, nơi chủ sở hữu đã thực hiện việc đăng ký và không đồng nghĩa với việc nhãn hiệu sẽ tự động được bảo hộ ở thị trường xuất khẩu và các quốc gia mà chủ sở hữu chưa từng đăng ký, trừ khi chủ sở hữu đăng ký và được cấp bởi cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia hoặc khu vực của thị trường xuất khẩu có liên quan.
Vậy làm sao đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài
Để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài, chủ sở hữu có thể thực hiện theo 2 cách:
– Doanh nghiệp đăng ký bảo hộ ở từng quốc gia cụ thể mà mình muốn xuất khẩu. Đối với cách thức này, đòi hỏi doanh nghiệp phải am hiểu pháp luật của từng quốc gia, nắm rõ kiến thức về hồ sơ, thủ tục, nguyên tắc bảo hộ và thời gian xem xét đơn của từng quốc gia; nhưng lại tiềm tàng những rủi ro pháp lý nhất định, tiêu hao phần lớn thời gian để giải quyết. Vì thế đây không phải là lựa chọn tốt nhất để doanh nghiệp tiến hành đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài.
– Ngược lại, doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức đăng ký theo hệ thống Madrid để đăng ký nhãn hiệu ở nhiều quốc gia khác nhau. Hệ thống này là hệ thống đăng ký quốc tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để chủ sở hữu đăng ký nhãn hiệu hàng hóa tại nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống này được nhiều quốc gia ở khu vực châu Âu (Áo, Phần Lan, Pháp); khu vực châu Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ); khu vực châu Phi, châu Mỹ và châu Đại Dương tham gia. Khi đăng ký dưới hình thức này thì doanh nghiệp sẽ làm đơn đăng ký quốc tế; trong đơn phải đảm bảo các thông tin về mẫu nhãn hiệu, tên, địa chỉ của người nộp đơn, phân nhóm hàng hóa và đánh dấu các nước thành viên của Thỏa ước Madrid và Nghị định thư Madrid mà doanh nghiệp muốn đăng ký bảo hộ. Sau đó, nộp đơn đăng ký quốc tế tới Văn phòng Quốc tế của WIPO thông qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Để hiểu rõ cách hoạt động của hệ thống Madrid, bạn đọc hãy truy cập vào bài viết sau: https://ipvietnam.gov.vn/web/guest/hoat-ong-shcn-quoc-te/-/asset_publisher/7xsjBfqhCDAV/content/he-thong-madrid-hoat-ong-nhu-the-nao
Tổng kết, xuất khẩu hàng hóa giúp sản phẩm của doanh nghiệp có thể tiếp cận được với thị trường quốc tế rộng lớn, tuy nhiên doanh nghiệp cần lưu tâm đến việc thực hiện đăng ký bảo hộ và cách thức đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài, để tạo cơ sở pháp lý vững vàng, loại trừ các hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ; tạo điều kiện để thực hiện thủ tục nhập khẩu, quảng cáo lưu thông hàng, hóa, tham gia các giao dịch thương mại điện tử; giúp doanh nghiệp phát triển tên tuổi của mình trong thị trường nội địa và thị trường quốc tế.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Nhãn hiệu đăng ký tại Việt Nam, có tự động bảo hộ tại các quốc gia khác?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận