Nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Nhận hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp do bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và làm ảnh hưởng nặng nề lên nhiều mặt của xã hội. Như ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động. Từ đó, Chính phủ quyết định thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu qua bài viết sau.
1.Chính sách hỗ trợ cho người lao động
Thứ nhất, đối tượng được áp dụng trong trường hợp này là[1]:
+ Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021[2].
+ Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm và không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Thứ hai, khi thuộc đối tượng nên trên thì sẽ được hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động từ nguồn kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020, cụ thể các mức như sau[3]:
Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp | Tiền hỗ trợ (đồng/người) |
Dưới 12 tháng | 1.800.000 |
Từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng | 2.100.000 |
Từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng | 2.400.000 |
Từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng | 2.650.000 |
Từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng | 2.900.000 |
Từ đủ 132 tháng trở lên | 3.300.000 |
Lưu ý: Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 01/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
2.Chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động
Thứ nhất, đối tượng được áp dụng trong trường hợp này là[4]:
Đối tượng áp dụng là người sử dụng lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021 gồm: tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động[5].
Lưu ý: Không bao gồm cả Đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định pháp luật hiện hành về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai, khi thuộc đối tượng trên thì sẽ được hỗ trợ giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp như sau[6]:
Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian thực hiện giảm mức đóng: là 12 tháng, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022[7].
Như đã nêu, nếu bạn thuộc những đối tượng trên thì bạn sẽ được hỗ trợ từ chính sách nhà nước trên nguyên tắc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ và công bằng đối với người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tuấn Huy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1]Mục II.1.a Nghị quyết 116/NQ-CP/2021
[2] Không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên
[3] II.1.b Nghị quyết 116/NQ-CP/2021
[4] II.2.a Nghị quyết 116/NQ-CP/2021
[5] Điều 43 Luật việc làm 2013
[6] II.2.b Nghị quyết 116/NQ-CP/2021
[7] II.2.c Nghị quyết 116/NQ-CP/2021