Người nước ngoài có được thuê nhà trọ bình dân ở Việt Nam không?
Người nước ngoài có được thuê nhà trọ bình dân ở Việt Nam không?
(Cập nhật, bổ sung ngày: 16/6/2022)
Với nhịp sống hiện đại, phương tiện di chuyển ngày càng tân tiến, nền kinh tế từng ngày phát triển không ngừng. Cùng với đó, nhu cầu khám phá, đi du lịch, làm ăn, sinh sống của con người ở nước ngoài ngày càng nhiều. Nơi để cư trú, tá túc là một trong những vấn đề mà người nước ngoài khi đến Việt Nam đặc biệt quan tâm. Có một bạn đọc gửi câu hỏi đến Luật Nghiệp Thành rằng “Liệu người nước ngoài có được thuê trọ bình dân ở Việt Nam không?” Về vấn đề này, chúng tôi sẽ nêu một số ý kiến tư vấn dưới đây:
Chúng ta có thể hiểu thuật ngữ “nhà trọ bình dân” là việc nhiều hộ dân tận dụng những khoảng diện tích trống của gia đình mình để xây thành các nhà trọ, phòng trọ, một số nơi nhà được cải tạo thành nhiều phòng, nhiều dãy san sát nhau để cho sinh viên, người lao động thuê,..từ đó hình thành nên những dãy phòng trọ hay một khu ở trọ mà thuật ngữ “bình dân” gọi là xóm trọ.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì người nước ngoài được phép thuê nhà, thuê trọ bình dân ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc thực hiện giao dịch này cũng phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể và cần đảm bảo một số điều kiện Luật định sau:
Điều kiện đối với nhà ở cho thuê: Nhà ở đó phải không thuộc diện đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; đang trong thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn; Không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, nhà ở cho thuê cũng cần phải đảm bảo chất lượng, an toàn cho bên thuê nhà, có đầy đủ hệ thống điện, cấp, thoát nước, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Điều kiện đối với người cho thuê trọ: Phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Đồng thời người đó phải là chủ sở hữu nhà ở hoặc người được chủ sở hữu cho phép, ủy quyền để thực hiện việc cho thuê nhà[1].
Điều kiện đối với người nước ngoài đi thuê trọ:
Nơi tạm trú cho người nước ngoài ở Việt Nam bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật[2]. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định rõ “cơ sở lưu trú khác” bao gồm những loại nào. Cho nên, có thể phòng trọ bình dân vẫn có thể xem xét thuộc trường hợp này.
Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền ở nước ta cung cấp trên 20 loại visa thị thực cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam. Mỗi loại visa được cấp phù hợp với mục đích nhập cảnh của từng cá nhân. Điều này không những giúp người nước ngoài biết được loại visa mình cần, những quyền lợi mà mình có được mà còn giúp cho các cơ quan Nhà nước dễ dàng, thuận lợi hơn trong việc quản lý các hoạt động xuất nhập cảnh, việc tạm trú của người nước ngoài ở Việt Nam.
Thời hạn người nước ngoài được công nhận tạm trú ở Việt Nam chính là thời hạn của thị thực mà bạn được cấp[3]. Mỗi loại visa sẽ được cấp với một thời hạn nhất định. Thí dụ, nếu người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích lao động thì sẽ được cấp visa có ký hiệu LĐ với thời hạn tối đa 2 năm; nếu với mục đích du lịch thì sẽ được cấp visa có ký hiệu DL thời hạn không quá 3 tháng,… Như vậy, người nước ngoài cần biết được loại thị thực mình được cấp là loại nào để xác định cụ thể thời hạn mà mình được công nhận tạm trú ở Việt Nam.
Nếu như đã thỏa mãn được các điều kiện cần có nêu trên, giao dịch cho thuê nhà với một bên là cá nhân người nước ngoài cần được thực hiện theo trình thự thủ tục sau:
Các bên phải thỏa thuận lập hợp đồng cho thuê nhà ở dưới hình thức văn bản[4], nội dung hợp đồng cần đảm bảo có các nội dung căn bản sau: Họ tên và địa chỉ của các bên; Mô tả đặc điểm cơ bản của nhà cho thuê; Tiền cọc, giá cho thuê hằng tháng, tiền điện, nước và các chi phí phát sinh khác (nếu có); Thời điểm trả tiền thuê trọ hằng tháng của người thuê; Thời hạn thuê trọ; Quyền và nghĩa vụ, cam kết của các bên; Ngày bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng; Ngày, tháng, năm ký kết và chữ ký (ghi rõ họ, tên) của các bên.[5]
Cũng như các giao dịch dân sự khác, hợp đồng cho người nước ngoài thuê trọ, thuê nhà cũng có thể có những rủi ro phát sinh ngoài mong muốn. Mặc dù pháp luật không quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực loại hợp đồng này[6]. Tuy nhiên để phòng hờ những rủi ro, đảm bảo được sự an toàn, quyền lợi cho mình thì các bên nên đem bản hợp đồng trên ra công chứng, chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, việc thuê ở nhà trọ bình dân của người nước ngoài cần được đăng ký tạm trú tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền[7].
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Người nước ngoài có được thuê nhà trọ bình dân ở Việt Nam không?”
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 119.1 Luật Nhà ở 2014.
[2] Điều 32 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
[3] Điều 1.13 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sửa đổi 2019.
[4] Điều 120.1 Luật Nhà ở 2014.
[5] Điều 121 Luật Nhà ở 2014.
[6] Điều 122.2 Luật Nhà ở 2014.
[7] Điều 33.1 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.