Người lao động làm bao lâu thì được công ty tăng lương?
Người lao động làm bao lâu thì được công ty tăng lương?
Có thể nói khi đi làm “tiền lương” là một trong những vấn đề mà người lao động quan tâm nhất. Cuối tháng người lao động đều trông chờ đến ngày nhận lương để chi tiêu và trang trải vào cuộc sống. Vậy bao lâu, làm như thế nào để người lao động được tăng lương một lần. Pháp luật có quy định hay không? Mời bạn đọc cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau đây.
1.Bao lâu thì người lao động được tăng lương
Đầu tiên, chế độ nâng lương được liệt kê và là một trong những nội dung chủ yếu của hợp đồng lao đồng[1]. Cụ thể, chế độ nâng lương là sự thỏa thuận của 02 bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, bậc lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động[2].
=> Có thể thấy được rằng pháp luật không hề quy định cụ thể về thời gian tăng lương và mức tăng lương mà hai điều này đều cần có sự thỏa thuận giữa 02 bên. Câu hỏi “Vậy bao lâu thì người lao động được tăng lương” thì sẽ căn cứ dựa trên hợp đồng lao động đã ký kết, thỏa ước lao động tập thể, quy chế nâng lương của công ty.
Ngoài ra, pháp luật có quy định buộc công ty phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để thỏa thuận mức lương trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
2.Có trường hợp nào mà bắt buộc công ty phải tăng lương không?
Mặc dù pháp luật không quy định cụ thể thời gian tăng lương và mức lương nhưng có 02 trường hợp sau đây công ty bắt buộc phải tăng lương cho người lao động:
TH1: Khi người lao động đã hoàn thành thử việc mà được nhận làm nhân viên chính thức cho công việc đó, cụ thể:
“ Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”[3]
Ta thấy, nếu trước đó mức lương thử việc thấp hơn lương chính thức thì sau khi thử việc đạt yêu cầu, người lao động phải được trả lương với mức cao hơn.
TH2: Lương tối thiểu tăng thì lương cho người nhận lương tối thiểu cũng phải tăng, cụ thể:
“Tiền lương theo công việc hoặc chức danh trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu”[4].
Ngoài ra, nếu làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, người lao động phải được trả lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.[5]
Mức lương tối thiểu vùng này do Chính phủ công bố dựa trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia. Mức lương này thường sẽ được tăng dần theo từng năm và khi mức lương tối thiểu vùng này tăng thì những người lao động nào mà đang nhận mức lương tối thiểu vùng cũng sẽ được tăng lương.
3.Xử phạt khi không tăng lương theo thỏa thuận[6]
Nếu đã có sự thỏa thuận cụ thể, rõ ràng về việc tăng lương thì cả người lao động lẫn công ty đều phải có trách nhiệm thực hiện đúng những nghĩa vụ của mình. Nếu không thực hiện đúng công ty có thể bị xử phạt hành chính về hành vi không trả lương cho người lao động theo thỏa thuận từ 5.000.000 – 50.000.000 đồng, mức phạt này tùy theo số người lao động mà công ty đã vi phạm.
Trường hợp trả lương thấp hơn mức lương tối thiểu cùng công ty cũng bị phạt và số tiền còn nhiều hơn thế nữa từ 20.000.000 – 75.000.000 đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Người lao động làm bao lâu thì được công ty tăng lương?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Tuấn Huy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 21.1.e Bộ luật lao động 2019
[2] Điều 3.6 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH
[3] Điều 26 Bộ luật lao động 2019
[4] Điều 90.2 Bộ luật lao động 2019
[5] Điều 3, 5 Nghị định 90/2019/NĐ-CP
[6] Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP