Nên chọn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay đăng ký bản quyền tác giả
Nên chọn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay đăng ký bản quyền tác giả
Logo đại diện cho một sản phẩm, một thương hiệu hay cả doanh nghiệp và theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thì cá nhân, tổ chức sở hữu logo có thể đăng ký bảo hộ dưới hai hình thức. Một là đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; Hoặc là đăng ký bản quyền tác giả dưới dạng tác phẩm mỹ thuật ứng dụng. Như vậy, nên chọn hình thức bảo hộ nào là tốt nhất? Hãy cùng Luật Nghiệp Thành so sánh sự khác biệt và tìm ra đâu là sự lựa chọn tốt nhất.
Thứ nhất, điều kiện bảo hộ:[1]
Ở đăng ký bảo hộ với nhãn hiệu hay bản quyền tác giả thì đều có yêu cầu chung là logo phải được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, nhìn thấy được bằng mắt. Đường nét sẽ tạo nên một hình vẽ, chữ viết hoặc sự kết hợp của cả hai nhằm tạo ra một bố cục nhất định; và được thể hiện ở dạng đơn sắc hoặc nhiều màu sắc khác nhau.
Sự khác nhau nằm ở chỗ nếu logo bảo hộ dưới dạng bản quyền tác giả phải tồn tại dưới dạng “độc bản”, là tác phẩm mỹ thuật mà tác giả sáng tạo một cách độc lập bằng trí tuệ của chính mình mà không sao chép bất kỳ tác phẩm nào. Ngược lại, logo ở dạng nhãn hiệu thì không quá cầu kì vào yếu tố sáng tạo mà điều kiện tiên quyết nằm ở tính phân biệt. Logo đó có thể phân biệt, nhận dạng giữa hàng hóa, dịch vụ này với những hàng hóa, dịch vụ cùng loại trên thị trường. Điều này có nghĩa, logo ở dạng nhãn hiệu phải gắn liền với hàng hóa, dịch vụ nhất định, còn bảo hộ ở bản quyền tác giả thì không, nó chỉ nhằm chứng minh quyền sở hữu với logo.
Ví dụ: Công ty A là công ty sản xuất dao, kéo, thìa và đĩa với logo. Nếu logo trên đăng ký nhãn hiệu thì trong nhóm ngành này không được dùng trùng hoặc tương tự logo của công ty A, nhưng nếu kinh doanh thiết bị chiếu sáng, sưởi nóng, nấu nướng thì việc trùng hoặc tương tự sẽ không bị xem là vi phạm. Ngược lại, nếu đăng ký logo trên theo thủ tục bản quyền tác giả thì ở bất kỳ ngành nghề nào sử dụng logo của công ty A đều xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Thứ hai, phạm vi bảo hộ:[2]
– Nếu logo đăng ký ở dạng nhãn hiệu mà có dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn thì cần xem xét đến hai yếu tố. Thứ nhất là logo trùng hoặc tương tự có gây nhầm lẫn không? Theo đó, sẽ xem xét về dấu hiệu chữ: cấu trúc, nội dung, cách phát âm, font chữ,… Dấu hiệu hình sẽ so về hình thức, đường nét, màu sắc, phong cách thể hiện,… Nếu kết hợp cả hai thì sẽ xem xét cả 2 yếu tố và cách sắp xếp tạo nên bố cục,… Thứ hai là hàng hóa, dịch vụ được gắn logo có cùng bản chất về thành phần, cấu tạo và có cùng chức năng, mục đích sử dụng. Hàng hóa được xem là tương tự khi tương tự về bản chất, chức năng, mục đích sử dụng, kênh tiêu thụ,…
– Nếu logo đăng ký bản quyền tác giả thì phạm vi bảo hộ sẽ yếu hơn. Bởi lẽ hành vi xâm phạm quyền tác giả chủ yếu đánh vào các hành vi sao chép, giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả,… Mà các hành vi trên thường xảy ra khi logo có dấu hiệu giống hệt hoặc giống đến mức tối đa thì người đó mới bị vi phạm bản quyền, mà không xét đến những yếu tố khác như nhãn hiệu. Vì thế, trường hợp logo đăng ký bản quyền tác giả mà có một doanh nghiệp cùng ngành lấy logo tương tự chỉ khác về mặt màu sắc, chữ cái hoặc chỉ là font chữ thì cũng không xem là vi phạm.
Thứ ba, thủ tục bảo hộ:[3]
Quyền tác giả được bảo hộ theo nguyên tắc tự động, tức là việc đăng ký không bắt buộc. Sản phẩm do tác giả sáng tạo ra, được thể hiện dưới một hình thức và thỏa mãn điều kiện bảo hộ thì sản phẩm đó đã trở thành tác phẩm và phát sinh quyền tác giả mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục nào. Tuy nhiên, trên thực tiễn việc đăng ký quyền tác giả trở trở nên quan trọng hơn bao giờ hết và được Nhà nước khuyến khích các tác giả thực hiện thủ tục đăng ký nhằm tránh tình trạng tranh chấp không đáng có về sau, gây ra những thiệt hại về mặt kinh tế, vật chất, tinh thần và trí tuệ sáng tạo của các tác giả. Ngược lại nhãn hiệu gắn liền với hàng hóa, dịch vụ cũng như uy tín của một doanh nghiệp, nên để tránh sự nhầm lẫn giữa những dấu hiệu trùng, tương tự thì cá nhân, tổ chức phải tiến hành đăng ký bảo hộ ngay khi có thể. Vì thủ tục bảo hộ đối với nhãn hiệu dựa trên nguyên tắc “first to file” – quyền bảo hộ thuộc về người nộp đơn đầu tiên., trừ trường hợp đặc biệt đối với nhãn hiệu nổi tiếng.
Thứ tư, thời hạn cấp Giấy:
– Đăng ký với bản quyền tác giả thì chủ sở hữu sau khi nộp đơn và hồ sơ hợp lệ thì trong thời hạn 15 ngày Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.[4]
– Đăng ký với nhãn hiệu là 12 tháng: 01 tháng thẩm định hình thức; sau khi thẩm định xong thì công bố trong thời hạn 02 tháng; 09 tháng thẩm định nội dung.[5] Nhưng trên thực tế sẽ kéo dài trong khoảng thời gian từ 18-24 tháng bởi những lý do đơn đăng ký chưa đầy đủ cần sửa đổi, bổ sung; tài liệu còn sai sót về mặt hình thức,..
Thứ năm, thời hạn bảo hộ:[6]
– Nhãn hiệu được bảo hộ với thời hạn 10 năm, có thể xin gia hạn nhiều lần liên tiếp. Mỗi lần gia hạn là 10 năm.
– Bảo hộ quyền tác giả được chia thành bảo hộ có thời hạn và vô thời hạn. Theo đó, quyền nhân thân gắn với tác giả và không thể chuyển giao cho chủ thể khác sẽ được bảo hộ vô thời hạn. Quyền tài sản; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm (quyền nhân thân có thể chuyển giao) sẽ có thời hạn bảo hộ nhất định. Đối với trường hợp logo là một tác phẩm mỹ thuật ứng dụng thì thời hạn là 75 năm kể từ ngày tác phẩm được công bố lần đầu; nếu chưa được công bố trong thời hạn là 25 năm kể từ khi được hình thành thì thời hạn bảo hộ là 100 năm.
Do đó, nếu doanh nghiệp đang sở hữu logo mà phân vân giữa hai thủ tục này thì nên cân nhắc đăng ký nhãn hiệu cho logo. Bởi lẽ, logo dưới dạng nhãn hiệu phải gắn liền với hàng hóa, dịch vụ sẽ siết chặt phạm vi và điều kiện bảo hộ hơn bản quyền tác giả. Nói cách khác, chỉ cần logo khác có dấu hiệu trùng hoặc tương tự về hình dáng, chữ viết và cùng kinh doanh một sản phẩm có yếu tố tương tự thì hành vi đó đã được xem là hành vi xâm phạm. Không những vậy, thời hạn bảo hộ tuy mỗi lần chỉ 10 năm nhưng không giới hạn số lần gia hạn.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Nên chọn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hay đăng ký bản quyền tác giả”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 15, Điều 72, Điều 74 Luật Sở hữu trí tuệ 2019, Điều 39.2.(b) Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và Điều 3.3, Điều 19 Nghị định 22/2018/NĐ-CP
[2] Điều 11 Nghị định 105/2006/NĐ-CP và Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2019
[3] Điều 90 Luật Sở hữu trí tuệ 2019
[4] Điều 52 Luật Sở hữu trí tuệ 2019
[5] Điều 110.3 và Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ 2019
[6] Điều 27, Điều 93.6 Luật Sở hữu trí tuệ 2019