Mức lương tối thiểu trả cho NLĐ làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau
Mức lương tối thiểu trả cho NLĐ làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau?
Tình huống: Tôi tên Trâm – hiện đang giữ chức vụ Giám đốc điều hành, tại một công ty chuyên chế biến thủy, hải sản, có trụ sở tại Quận Phú Nhuận – thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, công ty chúng tôi có 2 nhân viên giữ chức vụ quản lý, hợp đồng lao động (HĐLĐ) mà công ty ký kết đối với 2 nhân viên này có ghi nhận địa điểm làm việc tại trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh và nhà máy chế biến ở thành phố Bà Rịa. Luật sư cho tôi hỏi, đối với trường hợp làm việc tại nhiều nơi như 2 nhân viên nêu trên thì chúng tôi có thể lấy mức lương tối thiểu của vùng nào làm căn cứ để chi trả lương cho NLĐ?
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Nghiệp Thành. Với câu hỏi này chúng tôi có một số giải đáp như sau:
Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành thì doanh nghiệp (NSDLĐ) có nghĩa vụ phải đảm bảo thanh toán cho nhân viên (NLĐ) một khoản lương không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng[1]. Tuy nhiên, do còn căn cứ vào điều kiện về kinh tế – xã hội mà Chính phủ quy định từng vùng sẽ có một mức lương tối thiểu khác nhau[2]. Theo đó, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn nào sẽ được áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với vùng đó[3].
Nếu trong trường hợp doanh nghiệp có chi nhánh, địa điểm kinh doanh hay văn phòng đại diện ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành khác nhau thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu ra sao?
Đối với doanh nghiệp có chi nhánh, địa điểm kinh doanh hay văn phòng đại diện ở nhiều nơi, nhiều tỉnh thành khác nhau thì chi nhánh, địa điểm thuộc địa bàn tỉnh nào, vùng nào sẽ áp dụng mức lương tối thiểu của vùng đó để chi trả lương cho nhân viên[4].
Ví dụ: Nhân viên A làm việc tại chi nhánh thuộc huyện Cẩm Mỹ – tỉnh Đồng Nai của một công ty sản xuất giày da có trụ sở tại quận 3 – thành phố Hồ Chí Minh. Trong trường hợp này, mức lương tối thiểu vùng áp dụng để thanh toán tiền lương cho anh A sẽ là 3.430.000 đồng/tháng[5] (tương ứng với mức lương tối thiểu vùng áp dụngvới địa bàn huyện Cẩm Mỹ).
Như vậy, nếu doanh nghiệp có nhân viên làm việc tại nhiều địa điểm (trụ sở, chi nhánh, địa điểm kinh doanh) thì sẽ áp dụng mức lương tối thiểu của vùng nào để trả lương?
Trên thực tế hiện nay, có khá nhiều trường hợp mà doanh nghiệp ký kết HĐLĐ với NLĐ, trong đó có thỏa thuận và ghi nhận địa điểm làm việc của NLĐ tại nhiều nơi, nhiều tỉnh thành khác nhau như tình huống mà chị Trâm đưa ra, nhằm có thể đáp ứng nhu cầu kịp thời của NSDLĐ.
Theo quy định của pháp luật lao động hiện hành thì khi ký kết HĐLĐ hai bên phải thỏa thuận và ghi rõ địa điểm làm việc chính của NLĐ vào HĐLĐ[6]. Theo đó, chúng ta có thể hiểu rằng NSDLĐ có nghĩa vụ phải xác định một địa điểm làm việc chính của NLĐ bên cạnh các địa điểm làm việc khác theo sự phân công công việc, nhiệm vụ của NSDLĐ. Tuy nhiên, hiện tại vẫn có quy định nào hướng dẫn về việc sẽ áp dụng mức lương tối thiểu của vùng nào đối với trường hợp này.
Trên thực tế, pháp luật lao động thường có xu hướng ưu tiên bảo vệ quyền lợi của NLĐ. Đồng thời, theo quan điểm của nhiều chuyên viên tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thì cơ quan này phải và sẽ cố gắng đảm bảo những điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ. Theo đó, trong trường hợp này, nếu HĐLĐ có ghi nhận rõ ràng về địa điểm làm việc chính của NLĐ thì NSDLĐ sẽ phải áp dụng mức lương tối thiểu vùng đối với nơi làm việc chính của NLĐ. Trong trường hợp nếu HĐLĐ không ghi nhận địa điểm làm việc chính của NLĐ thì NSDLĐ phải áp dụng mức lương tối thiểu của nơi NLĐ làm việc có mức lương tối thiểu vùng cao hơn/cao nhất.
Trả lời câu hỏi tình huống: Đối với 2 nhân viên quản lý mà chị Trâm đề cập đến thì, trong trường hợp này đòi hỏi HĐLĐ giữa 2 bên phải ghi rõ địa điểm làm việc chính của 2 nhân viên trên (địa điểm làm việc chính tại quận Phú Nhuận – thành phố Hồ Chí Minh hoặc tại nhà máy chế biến ở thành phố Bà Rịa – tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Theo đó, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng để tính lương cho các nhân viên này sẽ là mức lương tối thiểu vùng được áp dụng đối với địa điểm làm việc chính của họ. Tuy nhiên, nếu trong HĐLĐ không ghi rõ về địa điểm làm việc chính thì công ty của chị có thể sẽ phải áp dụng mức lương tối thiểu của nơi có mức lương tối thiểu vùng cao hơn, tức là lương tối thiểu vùng đối với khu vực quận Phú Nhuận – thành phố Hồ Chí Minh). Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng đối với địa bàn quận Phú Nhuận – thành phố Hồ Chí Minh là 4.420.000 đồng/tháng và đối với địa bàn thành phố Bà Rịa là 3.920.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ của những người NSDLĐ, chúng ta phải thừa nhận rằng việc áp dụng nguyên tắc nêu trên theo tinh thần của pháp luật lao động có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong chi phí thanh toán tiền lương của NSDLĐ. Do đó, để phần nào đảm bảo được quyền lợi cho mình thì chính NSDLĐ có thể nộp văn bản xin/tham khảo ý kiến của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tại địa phương – nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoạt động để được hướng dẫn, cũng như có cơ sở cho việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng nào là chuẩn nhất đối với những trường hợp có nhân viên làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Mức lương tối thiểu trả cho NLĐ làm việc tại nhiều địa điểm khác nhau?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương
Ngày cập nhập, bổ sung: 14.10.2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 90.2 Bộ luật Lao động 2019
[2] Điều 91.3 Bộ luật Lao động 2019
[3] Điều 4.1 Nghị định 90/2019/NĐ-CP
[4] Điều 4.1 Nghị định 90/2019/NĐ-CP
[5] Điều 3.1.(c) và Mục 3 Phụ lục ban hành kèm Nghị định 90/2019/NĐ-CP
[6] Điều 3.3.(b) Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH